Kiểm soát an toàn thực phẩm: Những việc cần làm

.

Theo Ban quản lý (BQL) An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố, để làm tốt hơn nhiệm vụ kiểm soát thực phẩm ô nhiễm, thành phố cần có một trung tâm kiểm nghiệm chuyên sâu tại chỗ thay vì gửi mẫu thử đi địa phương khác; đồng thời BQL cần được bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này…

Trong 7 tháng đầu năm 2018, lực lượng chức năng đã lấy 725 mẫu thực phẩm để kiểm tra các chỉ tiêu về ATTP và hơn 1.430 mẫu thực phẩm kiểm tra nhanh, cho kết quả tại chỗ.

Theo đó, tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vẫn tồn tại đối với mặt hàng rau, củ, quả. Qua việc lấy 226 mẫu rau, trái cây tại chợ đầu mối Hòa Cường và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố, lực lượng chức năng đã phát hiện 9 mẫu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Đối với mặt hàng thủy sản, BQL ATTP phối hợp với BQL Cảng cá và Âu thuyền Thọ Quang, tiến hành lấy các mẫu thủy sản đánh bắt để phân tích tồn dư kim loại nặng và tồn dư hóa chất, kháng sinh đối với thủy sản nuôi trồng.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các quận, huyện đã tổ chức giám sát, lấy hàng trăm mẫu thịt tươi sống, phân tích chỉ tiêu về vi sinh (E.coli, Salmonella), chất tạo nạc (Salbutamol, Clenbuterol), kháng sinh…

Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP thành phố, trong 7 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn thành phố chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể.

Tuy nhiên, kết quả này không cho phép lực lượng chức năng chủ quan, bởi vấn đề ATTP luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không thể nói trước. Bên cạnh đó, nhân lực trong lĩnh vực ATTP, đặc biệt là tuyến quận, huyện vẫn còn thiếu và yếu, khiến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của BQL ATTP thành phố, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra 11.982 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống; qua đó phát hiện và xử lý 409 cơ sở với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Trong số 725 mẫu thực phẩm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 83 mẫu không đạt; kết quả kiểm tra nhanh các chỉ số đơn giản cũng phát hiện thêm 10 mẫu khác không đạt tiêu chí ATTP. Trong khi nhiều mẫu rau, củ, quả phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật thì các mẫu thủy sản bị phát hiện vi phạm chủ yếu là tồn dư hóa chất, kháng sinh (Chloramphenicol và nhóm Tetracycline) và kim loại nặng (chì, thủy ngân, Cadimi).

Đối với các mẫu thịt tươi sống cũng tương tự, kết quả kiểm tra cho thấy một số mẫu không đạt yêu cầu do vượt chỉ tiêu về vi sinh (E.Coli, Salmonella), chất tạo nạc (Salbutamol, Clenbuterol), kháng sinh (Tetracycline), kim loại nặng (Chì).

Theo BQL ATTP thành phố, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay chính là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, còn mâu thuẫn giữa các ngành y tế, công thương và nông nghiệp. Ngoài bộ máy của ban mới được thành lập thì việc thực thi pháp luật ở địa phương còn nhiều hạn chế do lực lượng cán bộ quản lý Nhà nước về ATTP thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn.

Nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm còn yếu do hầu hết chưa được đào tạo chuyên sâu trên lĩnh vực phụ trách, lại phải kiêm nhiệm. Để nhận diện các nguy cơ gây mất ATTP thì phải lấy mẫu thực phẩm để xử lý; trong khi đó, chỉ ở cấp thành phố mới đáp ứng được một phần kinh phí và chuyên môn để thực hiện việc này.

“Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và thực hiện nhiệm vụ lâu dài, việc cần thiết trước mắt là thành phố cần có một trung tâm kiểm nghiệm chuyên sâu để giảm bớt thời gian, chi phí cho công tác lấy mẫu gửi kiểm nghiệm. Chúng tôi đang kiến nghị UBND thành phố phê duyệt đề án thành lập trung tâm này; ngoài ra, cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP cho phù hợp với hoạt động thanh tra chuyên ngành”, ông Nguyễn Tấn Hải nói.

PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.
.