Phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

.

Ban Quản lý (BQL) An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố đã kết nối, hợp tác tiêu thụ nông sản với nhiều địa phương trong cả nước, hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Thực tế này xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn thành phố, trong khi năng lực sản xuất của địa phương chỉ đáp ứng được 10-20% nhu cầu.

Từ năm 2017, BQL ATTP thành phố ký kết chương trình hợp tác với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang về sản xuất - tiêu thụ trái cây, thủy sản an toàn giữa hai địa phương. Chương trình ký kết đã xây dựng và xác nhận được các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của Đà Nẵng với sự tham gia của các đơn vị cung ứng của tỉnh Tiền Giang như: hợp tác xã (HTX) rau an toàn Tân Đông, HTX rau an toàn Gò Công, HTX rau an toàn Thạnh Hưng… Có 17 doanh nghiệp giữa hai địa phương ký kết biên bản hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, sản lượng trái cây do 94 vựa trái cây của tỉnh Tiền Giang cung cấp, nhập về tiêu thụ tại Chợ đầu mối Hòa Cường ước tính khoảng 1.750 tấn/tháng, chiếm 35-40% lượng trái cây nhập về phân phối tại đây.

Các chương trình ký kết đã hỗ trợ quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn, đặc trưng, các sản phẩm được chứng nhận hữu cơ, VietGap, sản phẩm Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giữa Đà Nẵng và Tiền Giang. Đồng thời, hình thành kênh trao đổi thông tin, phối hợp trong công tác quản lý ATTP nói chung và công tác quản lý ATTP đối với sản phẩm nông lâm thủy sản nói riêng, phối hợp tốt trong việc kiểm soát ATTP đối với nguyên liệu đầu vào và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Theo ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm ở phía Nam, đặc biệt có địa thế dọc theo sông Tiền, được phù sa bồi đắp nên Tiền Giang có lợi thế về nông nghiệp, được xem là vựa trái cây lớn nhất của cả nước. “Do đó, thời gian tới, tỉnh Tiền Giang mong muốn phát huy hơn nữa kết quả đạt được trong hợp tác với thành phố Đà Nẵng để sản lượng trái cây bảo bảo các tiêu chuẩn về ATTP của tỉnh Tiền Giang được kết nối tiêu thụ, phục vụ cho khách du lịch và người dân của Đà Nẵng ngày càng nhiều hơn với giá cả cạnh tranh, phù hợp nhất”, ông Minh chia sẻ.

Theo BQL ATTP thành phố, mỗi năm Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 62.000 tấn rau, 48.000 tấn trái cây, 44.200 tấn thịt gia súc gia cầm, 87.000 tấn thủy sản khai thác và 4.000 tấn thủy sản nuôi. Tuy nhiên, do đặc thù nền sản xuất nông nghiệp của thành phố có quy mô nhỏ, sản lượng hằng năm chỉ đủ cung cấp khoảng dưới 10% nhu cầu rau, 15-20% nhu cầu thịt gia súc, gia cầm, hơn 20% nhu cầu thủy sản nuôi. Còn lại, gần 90% sản lượng nông sản thực phẩm thành phố tiêu dùng được cung ứng từ ngoại tỉnh.

Trong những năm qua, BQL ATTP thành phố đã tổ chức ký kết cung ứng nông sản an toàn với một số địa phương như: Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Nam, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bình Định… Việc ký kết cung ứng thực phẩm an toàn giúp người tiêu dùng có cơ hội sử dụng thực phẩm sạch, chất lượng, đồng thời giúp các đơn vị sản xuất, chế biến, nuôi trồng thực phẩm được khẳng định thương hiệu, chất lượng.

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP thành phố cho biết, theo quy định, thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn thành phố phải được kiểm soát về chất lượng, rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ. “Các chương trình ký kết cung ứng chuỗi thực phẩm giữa Đà Nẵng với các địa phương là cơ sở để phối hợp trong việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng. Các cơ sở dữ liệu cơ bản được thiết lập như tên chủ hộ, chủ vựa, ngày thu hoạch, thời gian vận chuyển… đối với các loại thực phẩm sẽ giúp người tiêu dùng biết rõ về xuất xứ, chất lượng sản phẩm mình đang sử dụng. Trong trường hợp xảy ra sự cố như ngộ độc thực phẩm, lực lượng chức năng cũng có cơ sở để khoanh vùng, xác định khu vực có nguy cơ”, ông Hải nói.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.