.

Đề án cho những mùa xuân

.

Được trực tiếp “giáp mặt” một trong 5 nền giáo dục hàng đầu thế giới, được ngồi ở những giảng đường đại học nổi tiếng thuộc hệ thống giáo dục chuyên sâu, được trải nghiệm cộng đồng đa văn hóa, tận hưởng trọn vẹn những thử thách và đam mê của nền giáo dục tại Úc thì những du học sinh như tôi mới thấm thía hết ý nghĩa của Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mà thành phố Đà Nẵng đã và đang thực hiện.

Nguồn tư liệu dồi dào và cơ sở vật chất hiện đại là một trong những yếu tố giúp hoàn thiện hệ thống giáo dục của Úc.Ảnh: MAI TRANG
Nguồn tư liệu dồi dào và cơ sở vật chất hiện đại là một trong những yếu tố giúp hoàn thiện hệ thống giáo dục của Úc.Ảnh: MAI TRANG

Sở hữu tấm bằng của những trường đại học thuộc top 50 trên thế giới là ước mơ của hầu hết các du học sinh. Song, để vào và trụ được ở những trường đại học danh tiếng này đòi hỏi bạn phải có năng lực và cả bản lĩnh để vượt qua bản thân, để hòa nhập, thích nghi được với môi trường cũng như phương pháp học tập chất lượng cao.

Thay đổi phương pháp học

Lê Văn Tấn Quyền, học viên Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng, đang theo học ngành thiết kế kiến trúc cảnh quan tại Trường New South Wales, chia sẻ cảm giác bất lực khi là người duy nhất mà giáo sư (GS) không nhớ tên trong suốt kỳ học đầu tiên. Nguyên nhân là Quyền vẫn áp dụng cách học nghe - chép thụ động chứ không tích cực tham gia tranh luận, mạnh dạn đưa ra ý kiến như những bạn học khác. Nhận ra khuyết điểm này, Quyền đã thay đổi phương pháp học và kết quả đạt được là không chỉ điểm số ngày càng tăng mà còn có sự yêu mến của thầy cô, bạn bè trong khóa học.

Quyền cho rằng, môi trường học thuật không chỉ cung cấp những kiến thức chuyên sâu mà quan trọng hơn là rèn luyện cho sinh viên cách tư duy độc lập, thúc đẩy những sáng kiến, khuyến khích người học đưa ra ý tưởng bứt phá. Quyền tự nhận điều có ý nghĩa nhất mà bạn đạt được khi đi du học là vượt qua sự nhút nhát của bản thân, tự tin và mạnh dạn hơn trong việc đưa ra quan điểm cá nhân cũng như khả năng tự tìm tòi các điều tra, nghiên cứu khoa học trước đó để bảo vệ quan điểm của mình. Trái ngọt mà cậu sinh viên Đà Nẵng này nhận được là điểm số cao nhất trong buổi thuyết trình cuối kỳ, vượt qua hàng trăm sinh viên, phần lớn đến từ các nước nói tiếng Anh.

Cũng là sinh viên của Đề án, đang học tại Trường New South Wales, tôi từng tự nhủ có lẽ việc học cũng đơn giản, nhẹ nhàng bởi chỉ cần lên lớp 8 giờ mỗi tuần. Suy nghĩ này đã hoàn toàn thay đổi cho đến khi tôi cầm trên tay lịch kiểm tra và tham dự buổi học đầu tiên.

Theo các giảng viên, điều mà mỗi sinh viên báo chí cần khắc cốt ghi tâm là nhà báo đồng nghĩa với việc chấp nhận cuộc sống gắn liền với áp lực mang tên “hạn cuối nộp bài” và sinh viên buộc phải quen dần với áp lực này ngay trong thời gian đi học bằng lịch trình nộp bài ken đặc, trung bình từ 1-2 bài/tuần. Nasya Bahpen, cộng tác viên lâu năm của tờ Sydney Morning Herald, hiện học thạc sĩ báo chí tại Trường New South Wales cũng phải thừa nhận lịch nộp bài nghiên cứu và bài báo trong suốt quá trình học đã ám ảnh cô cả trong giấc ngủ. Chỉ trong thời gian ngắn, tôi hiểu ra số giờ ít ỏi trên giảng đường là để sinh viên trao đổi với nhau những điều tự học, toàn bộ kiến thức mà mỗi người có là kết quả của quá trình tự nghiên cứu, bởi điều thầy cô cung cấp dường như là… không có gì, kể cả giáo trình. GS chỉ đóng vai trò định hướng, quan sát và nhắc nhở bao giờ đến hạn cuối của bài kiểm tra tiếp theo. Không có kết quả đúng - sai cho mỗi câu hỏi, chỉ có khả năng sáng tạo, khả năng bảo vệ, củng cố, lập luận để người nghe, người đọc đồng ý với quan điểm của mình - điều chỉ có thể đạt được qua thời gian tự tích lũy, nghiên cứu.

“Tôi sẽ giỏi hơn chính tôi ngày hôm qua”

Người học đóng vai trò quyết định trong việc tự nâng cao kiến thức của bản thân. Điều này không đồng nghĩa với việc các giáo viên đứng ngoài quá trình học tập của sinh viên. Trần Quốc Anh, học viên Đề án, hiện học tại Trường Đại học Sydney cho biết, trải nghiệm thú vị nhất khi đi du học là sự đón tiếp vui vẻ, nhiệt thành và thậm chí là thư cảm ơn từ các GS khi bạn đến văn phòng để trao đổi ngoài giờ lên lớp. Trong trường hợp GS đang đi công tác, kể cả ở nước ngoài, họ thường đề nghị sinh viên gửi số điện thoại và hẹn thời điểm phù hợp để trao đổi với mục tiêu giúp sinh viên hiểu được vấn đề bằng cách nhanh nhất có thể.

Khuôn viên Trường Đại học New South Wales. Ảnh: MAI TRANG
Khuôn viên Trường Đại học New South Wales. Ảnh: MAI TRANG

Theo Quốc Anh, dường như việc trò chuyện với sinh viên, lắng nghe sinh viên trình bày những khúc mắc, hoài nghi về kiến thức là điều vô cùng đáng quý, thậm chí còn là vinh hạnh của GS khi được giúp đỡ những sinh viên thực sự có nhu cầu khám phá, học hỏi thêm. Chính sự biết ơn và nể trọng các GS là động lực thôi thúc Quốc Anh cũng như các du học sinh khác không ngừng cố gắng học tập để có kết quả cao nhất có thể.

Hệ thống giáo dục phát triển và được xem là thành tựu đáng tự hào của người Úc, bởi nó không chỉ đơn thuần là guồng máy thi cử khắc nghiệt mà còn bao gồm cả sự giáo dục về thể chất và sự phong phú về tinh thần. Trần Thị Thùy Trâm, học viên Đề án, đang theo học tại Trường Queensland, cho biết thời gian du học đang mang lại cho Trâm những trải nghiệm đặc biệt, bởi thông qua quá trình học, làm việc nhóm và các hoạt động thể thao, giao lưu phong phú tại trường, cô có cơ hội làm bạn với nhiều người đến từ các quốc gia trên thế giới. “Việc cân bằng giữa thời gian học tập và các hoạt động xã hội thực sự khiến đời sống sinh viên của mình trở nên đa sắc màu và có ý nghĩa. Mình cảm thấy vô cùng thú vị khi giờ đây có thể hiểu thêm về nền văn hóa Hy Lạp, hiểu được những thành phố châu Âu cổ kính và đẹp hiền hòa ra sao cũng như một nước Mỹ sôi động và hiện đại như thế nào qua lời kể sinh động của bạn bè đến từ chính các quốc gia đó”, Trâm chia sẻ.

Thường xuyên rời thư viện cùng tiếng chào “good morning” của những cảnh sát tuần tra trong khuôn viên trường đại học, những học viên của Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mới nhận ra mình vừa trải qua đêm trắng cùng sách vở. Thời gian ngủ nghỉ ít đi không làm những học viên này kiệt sức bởi đối với họ, học là sở thích, là niềm vui trong im lặng khi vỡ vạc nhiều điều mới mẻ qua từng trang sách. Bằng sự cầu thị, phấn đấu không ngừng và kết quả ấn tượng, những học viên này đã ghi dấu trong lòng bạn bè quốc tế và các giáo sư một cách tự hào rằng, họ là người Việt Nam, là những người con của mảnh đất Đà Nẵng. Kết quả học xuất sắc, sự trưởng thành lên từng ngày cùng mục tiêu “tôi sẽ giỏi hơn chính tôi ngày hôm qua” là điều mà mỗi học viên đề án dành tặng lại người dân mảnh đất đã và đang chắt chiu để họ có được cơ hội lĩnh hội kiến thức nơi xứ người.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.