.

Kimono "made in Đà Nẵng"

.

Nói đến kimono là nghĩ ngay tới hình ảnh người phụ nữ Nhật Bản đẹp kiêu sa, dịu dàng và kín đáo cùng với những cánh hoa anh đào mỏng manh. Kimono được may bằng tay nên lưu lại tình cảm qua sự hứng khởi của người thợ theo từng đường kim, múi chỉ.

Người thợ kiểm tra từng đường kim, múi chỉ như đang hoàn thiện một tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: T.TÙNG
Người thợ kiểm tra từng đường kim, múi chỉ như đang hoàn thiện một tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: T.TÙNG

Thận trọng từng đường kim, múi chỉ

Tại thị trường Nhật Bản hiện nay, giá trung bình mỗi bộ kimono khoảng 10.000 USD nên việc thuê trang phục là cách thức người Nhật lựa chọn. Một khi đã sắm cho riêng mình bộ kimono thì trở nên giá trị và các bậc cha mẹ thường truyền lại kimono cho con cái như một tài sản gia truyền và những người thợ Việt Nam đang góp chút công sức vào gia tài ấy.

Nơi sản xuất những bộ trang phục kimono xuất khẩu sang Nhật Bản là cơ sở sản xuất rộng 500m2 của Công ty TNHH Nhật Hoàng Anh, đường Tôn Đản, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Khách đến tham quan lần đầu đều ngạc nhiên bởi tất cả công nhân đều làm việc trong phòng máy lạnh, không một tiếng ồn phát ra từ những cỗ máy như bao xưởng may khác. Gần 50 người thợ cần mẫn với đường kim, múi chỉ gợi ra khung cảnh bình yên, khi bên ngoài là phố thị đang hối hả, tất bật.

Môi trường làm việc máy lạnh là điều kiện bắt buộc về tiêu chuẩn nhà xưởng trong sản xuất trang phục kimono để bảo quản nguyên liệu vải, tránh vấy bẩn lên sản phẩm do bài tiết mồ hôi trên đôi tay người thợ. Chị Vũ Thị Phượng, Trợ lý giám đốc Công ty TNHH Nhật Hoàng Anh, cho biết những người thợ đến với nghề đều khó dứt ra bởi không tìm ra nơi đâu có môi trường làm việc thuận lợi hơn. Đều đặn mỗi tuần có trên 1.000 bộ trang phục kimono được sản xuất ở 3 xưởng để vận chuyển trên những chuyến máy bay sang Nhật Bản tiêu thụ. Quy trình sản xuất khó nhất và quan trọng nhất ở khâu đo, cắt vải. Nguyên phụ liệu chính đều nhập khẩu kèm theo đơn đặt hàng về số đo. Thợ đo và cắt vải cẩn trọng với số đo của từng áo, bởi kimono có lớp áo ngoài, lớp áo trong. Người thợ theo đó may khâu bằng tay tùy theo nhiệm vụ thực hiện khâu phần cổ, thân áo, tay áo và cuối cùng là lắp ráp hoàn thiện.

Anh Nguyễn Thành Đạt, tay kéo giỏi nhất ở công ty, chia sẻ, thực hiện may đo trang phục kimono luôn đòi hỏi người thợ có tính kiên trì, chịu khó. Nguyên liệu vải vốn đã ngắn bởi khổ vải lớn nhất 0,5 mét, vải thường in hoa nhiều màu sắc. Do đó, công đoạn cắt, khâu tay đều thận trọng theo từng đường cắt và múi chỉ để so vải cho khớp nối các họa tiết, hoa văn. Dẫu khó, nhưng khi đã tay quen, mỗi công nhân đều hoàn thiện một bộ kimono trong một ngày lao động. Trang phục của công ty xuất khẩu sang thị trường Nhật với thương hiệu AHA-Kimono; nhưng để có một bộ trang phục hoàn chỉnh, nhà phân phối ở Nhật Bản sẽ cung cấp thêm các phụ kiện đi kèm như nơ, thắt lưng, dây đai, guốc gỗ, quạt…

Văn hóa Nhật Bản có nét tương đồng với người Việt ở trang phục truyền thống. Trong chuyến công tác tại Nhật Bản, người viết bài này mới được biết, ngày xưa ở Nhật cả đàn ông và phụ nữ đều sử dụng kimono như trang phục hằng ngày. Nhưng ngày nay, thường chỉ có phụ nữ Nhật Bản mặc kimono như lễ phục chính thức, còn đàn ông Nhật mặc kimono thường chỉ thấy trong các đám cưới hoặc các dịp lễ truyền thống.

Đôi vợ chồng trẻ mặc kimono truyền thống, ghi hình ảnh cưới tại thành phố Sakai, Nhật Bản. Ảnh: T.TÙNG
Đôi vợ chồng trẻ mặc kimono truyền thống, ghi hình ảnh cưới tại thành phố Sakai, Nhật Bản. Ảnh: T.TÙNG

Bỏ dầu khí đi may kimono

Cơ duyên đến với nghề may mặc kimono của anh Trần Duy Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Hoàng Anh, cũng tình cờ: “Trong một tiệc cưới, tôi gặp người anh họ vốn là chủ doanh nghiệp đang hợp tác với Nhật Bản tìm đối tác may gia công sản phẩm kimono tại thành phố Hồ Chí Minh. Do thiếu kinh nghiệm trong quản trị doanh nghiệp nên anh bị các cổ đông chiếm giữ cổ phần chi phối, thôn tính doanh nghiệp”. Để cứu công ty của anh họ và trải nghiệm với thử thách mới, anh Hùng đã đi đến quyết định khó khăn là thôi việc ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và cùng với vợ vốn từng làm trợ lý ngôn ngữ tiếng Nhật cho lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn về mở công ty riêng. Công ty TNHH Nhật Hoàng Anh được hình thành và tiếp tục mở thêm công ty thành viên tại Huế, thành phố Hồ Chí Minh và mua lại công ty của người anh họ để trở thành doanh nghiệp may gia công xuất khẩu có uy tín vào thị trường Nhật Bản. Công ty hiện đang thu hút trên 600 lao động trực tiếp gia công hàng may mặc cho nhiều đối tác Nhật Bản.

Có vốn, có nhà xưởng và đối tác kinh doanh nhưng thời gian đầu việc tuyển dụng lao động vô cùng khó khăn. Những bản tin tuyển dụng lao động đăng cấp tập trên báo chí vẫn không thu hút người lao động. Hai vợ chồng anh trực tiếp đến các giao lộ phát tờ rơi tuyển dụng. Điều không ngờ đây là kênh thông tin hiệu quả. Anh Hùng cho biết thêm: “Bây giờ, nhiều sinh viên dù tốt nghiệp đại học vẫn tìm đến làm... thợ may kimono. Các xưởng may đều có môi trường làm việc phòng lạnh, sánh ngang với các nhân viên văn phòng. Thu nhập từ nghề… khâu áo mỗi lao động nhận trung bình 7 triệu đồng/tháng”. Từ năm 2010 đến nay, người lao động ở các cơ sở của doanh nghiệp đều nhận lương đúng kỳ, đúng ngày và được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, y tế…

Mỗi đất nước, mỗi dân tộc lại có một trang phục truyền thống riêng, nhưng kimono Nhật Bản thực sự đã tạo nên một câu chuyện thú vị qua kiểu dáng độc đáo và cách mặc cầu kỳ, mang đậm tính truyền thống trong những dịp nghi lễ của người Nhật. Dẫu cách xa vạn dặm, những người thợ lành nghề tại Đà Nẵng - Việt Nam đã tiếp cận với văn hóa Nhật, bàn tay thêm khéo léo, lành nghề như những phụ nữ Nhật truyền thống và việc may áo kimono cũng thăng hoa trở thành một nghệ thuật.

Mỗi bộ kimono đều được làm thủ công và mang tính đơn chiếc. Đó là một tác phẩm nghệ thuật công phu, tỉ mẩn từ khâu chọn vải, kết hợp màu sắc, trang trí hoa văn, và lựa chọn các phụ kiện đi cùng. Thiết kế của bộ kimono cũng hết sức đặc biệt và độc đáo, gồm 8 mảnh ghép với nhau cho phép điều chỉnh kích cỡ phù hợp với người mặc. Kimono có thể được trang trí bằng các hoa văn thêu hoặc nhuộm. Những bộ kimono dành cho phụ nữ thường được trang trí các họa tiết hình hoa, lá, hoặc các hình mang tính chất biểu tượng. Các họa tiết, các lớp vải kimono được chọn lựa phối hợp giữa các màu sắc rất sinh động và bắt mắt, và sau khi may, kimono như một bức họa nhiều màu sắc.

TRIỆU VĂN TÙNG

;
.
.
.
.
.