.
Tản mạn ngày xuân

Quê quán

.

Không biết đã bao lần tôi viết lên sau cái dấu hai chấm của từ “quê quán” dòng chữ: Tùng Ảnh - Đức Phong - Đức Thọ - Hà Tĩnh trong vô vàn những bản khai. Trước đây không lâu, phía dưới dòng quê quán, tôi còn nắn nót viết thêm một dòng y như thế trong mục “nguyên quán” nữa. Ghi mãi đến thuộc lòng, thuộc nhuyễn, và càng ngày, khi càng nghiệm thấy sự ngắn ngủi của đời người với cái chết thấp thoáng cuối chân trời thì lần ghi nào cũng gợi cho mình một điều ước được trở về cùng quê quán.

Ảnh: MINH TRÍ
Ảnh: MINH TRÍ

Năm 2000, cậu tôi (tức cha tôi) tự dưng cặm cụi ngồi viết hơn một chục trang về quê quán. Tôi lần theo những gì ông viết để biết rằng đấy là cái vùng đất đón hai dòng sông lớn, một từ Phố Châu đổ về và một từ Hương Khê chảy xuống thành hợp thủy La Giang. Rộng hơn nữa là quê quán thuộc cái vùng đất yên ả thanh bình nhưng sôi động suốt cả thế kỷ 20. Rừng Vũ Quang căn cứ địa của chí sĩ Phan Đình Phùng hơn 10 năm chống Pháp, tiếp đến cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh, nơi bọn quan lại Nam Triều đã dốc sức đàn áp, phải thốt lên “hữu Nghệ Tĩnh bất phú, vô Nghệ Tĩnh bất bần”(có Nghệ Tĩnh chẳng giàu, không Nghệ Tĩnh chẳng nghèo).

16 tuổi, chuyến tàu đầu năm 1946 đã đưa cậu tôi vào Nam trong bộ sắc phục màu nâu với chức danh tuyên truyền vũ trang trung đoàn Vi Dân. Suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, ông đã có mặt trên đất Quảng, mỗi thôn làng, bến sông, mỗi dọc đèo như quyện vào hồn ông những tình cảm thân thương ấm áp. Nhưng trong ông vẫn nao nao Qua Thu Bồn nhớ La Giang da diết. Vậy mà, năm 1954, khi tập kết ra Bắc, cậu và mẹ tôi (quê Đại Lộc) lại không sinh ra chúng tôi trên mảnh đất Tùng Ảnh, mà đều sinh hạ chúng tôi ở Nông trường Tây Hiếu - Nghệ An, nơi có rất nhiều cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc xây dựng các nông trường cao su, cà-phê, cam... Lúc ấy, ông bà nội của tôi đã chuyển ra Hà Nội công tác. Lâu lâu chúng tôi lại theo cậu ra Hà Nội, nên cũng chẳng để tâm gì về quê quán. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả gia đình lại trở về đất Quảng, theo ước nguyện sau 20 năm xa quê của mẹ. Từ đó, quê quán trở nên xa hút. Lúc còn sức khỏe, vài năm cậu lại ra Hà Nội rồi lại về quê thắp hương một lần, lúc nào cũng chỉ đi một mình, đột ngột!

35 năm qua, chưa một lần tôi trở về quê quán và cả nơi sinh quán. Càng ngày, mong ước được về quê quán và sinh quán càng thôi thúc. Rồi cũng như bao lần khác, bao vướng bận của đời người lại cứ cuốn ta đi. Những điều ta mong đợi lại đến thật chậm hoặc không bao giờ đến. Và những điều mà ta lo lắng lại luôn đến quá nhanh. Như thể, một người bạn mới nhập viện vì bị K., người ta có thể đếm được từng tháng, từng tuần, từng ngày, từng giờ bạn sẽ ra đi.

Một lần, gặp được người bạn cũ thời thơ ấu ở Tây Hiếu, nghe bạn nói rằng, hai gốc gạo già cỗi trước nhà tôi vài chục mét đã bị bão làm gãy đổ, không còn đơm hoa đỏ thắm vào tháng ba nữa. Rừng cao su không còn mênh mông nữa, đồi cà-phê trước nhà, từng vạt đào hồng phớt lúc xuân sang cũng nhường cho việc xây cất nhà cửa. Tôi cũng quên hỏi, cái ao bèo phơn phớt tím và cả vườn hoa nhài dịu nhẹ nơi nông trường bộ có còn không? Từ đó, tôi ít hẳn ước ao quay về nơi sinh quán. Có lẽ, với nơi sinh quán, những ký ức như thế cũng chỉ là những điều gắn bó với riêng mình. Khi điều đó mất đi, thì ý nghĩa của sự gắn bó bỗng dưng phai lạt. Như một ngôi trường khi chuyển đến vị trí mới, thì trong ngày hội trường, nhiều người hồn vía cứ nặng lòng về trường cũ.

Riêng, quê quán, thì tôi cứ tin chắc rằng, thế nào rồi cũng sẽ có một người của dòng họ vẫn ở lại quê, sẽ dẫn mình đi trên những con đường mà ông tôi, bà tôi đã đi. Thế nào tôi cũng được chỉ nơi đâu là cái cổng vào Huyện đường Đức Thọ có khắc 4 chữ “Tiểu vãng, đại lai” mà cậu tôi đã kể đến hàng trăm lần với vẻ thích thú về cụ Phan Điển(*) tinh thông nho học nhưng rất ghét bọn quan lại đương triều. Ngày ấy, trên cổng vào Huyện đường có khắc 4 chữ “Tiểu vãng, đại lai” có hàm ý là ai thấp hèn thì đi nơi khác, ai cao cả thì đến. Nhưng chúng có ngờ đâu cụ Phan Điển đã đến và đàng hoàng ngồi làm cái việc mà ai cũng phải “nhìn trước ngó sau” ấy ngay trước cổng. Bọn lính đến bắt, cụ ung dung: “Các anh dốt đặc cán mai lại còn dọa tôi, hỏi thằng thầy các anh có phải 4 chữ đó ghi rằng, đại tiện thì đi, tiểu tiện thì không được đi, tôi chỉ đại tiện…”. Rồi cụ thủng thẳng vuốt tà áo ra về. Ngay hôm đó, người ta không thấy 4 chữ ấy trên cổng Huyện đường nữa. Thế nào, tôi cũng sẽ đến được nơi mà tháng 7-1945, ông nội tôi đã trở về, trên người quàng chiếc băng vàng Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa với cương vị Bí thư Huyện ủy Đức Thọ tuyên cáo tội trạng của tên tri phủ, và bọn cường hào ác bá. Thế nào, tôi cũng đến được khu mộ của tộc họ Phan Đình Phùng; của Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng trên đồi cao xã Tùng Ảnh. Và thế nào, tôi cũng được đến trước những ngôi mộ hiu hiu gió thổi, để thắp hương lên phần mộ của ông cố nội tôi nằm bên cạnh mộ ông Phan Văn Định (**) (người mà mỗi khi đi trên con đường mang tên ông ở Đà Nẵng tôi khe khẽ tự hào) và sẽ biết được bao người đã hóa thân vào đất này là tổ là tông.

Hàng trăm năm qua, con người đã đo được tuổi của vũ trụ, nhưng độ dài của cuộc đời cũng không dài ra hay ngắn lại bao nhiêu. Con người vẫn không thay đổi. Con tim vẫn rung lên từng đợt thất thường. Và quê quán, vẫn là một điều luôn dội vào lòng người những thôi thúc không nguôi. Như mẹ, trước khi mất độ một giờ, mẹ nói thật nhỏ với con cái vây quanh “đưa mẹ về núi Lở” (Đại Lộc). Chúng tôi, quê một nơi, sống một nơi, nên chuyện qua đời, khi sống chẳng mấy ai lường tính trước. Lúc ấy, anh cả và anh út tôi mới phóng xe máy về quê tìm nơi chôn cất mẹ ngay cạnh mộ phần ông ngoại.

Không hiểu sao, mỗi khi nghe câu ca dao Cái cò đi đón cơn mưa /tối tăm mù mịt ai đưa cò về/ cò về thăm quán cùng quê/thăm cha, thăm mẹ, cò về thăm anh thì cứ hiện lên trước mặt cái thân phận của một người con gái đón lấy một nửa cuộc đời mình như đón một cơn mưa. Có cơn mưa nhẹ nhàng, dịu mát, có cơn mưa như bưng như trút, có cơn mưa kèm theo cái lạnh thấu xương. Trên hành trình xuôi ngược, biết bao phận người khổ đau hay hạnh phúc đã tìm đường thăm lại chốn nơi xưa. Ngay cả những người đã xem mảnh đất mình gắn bó và sinh sống như quê hương thứ hai của mình, thì vẫn cháy lên một ao ước quay về nguồn cội. Và, nhiều khi, chỉ cần về tới mảnh đất đã sinh ra cái tên quê quán ấy thôi cũng đã là được trở về.

Như cách chúng ta hay gặp nhau, điều ta “nghe” đầu tiên bao giờ cũng là giọng nói. Người xa quê lâu ngày chí ít cũng nhận ra đấy là người gốc tỉnh nào. Người giỏi phân biệt sẽ nói rõ hơn đấy là người ở huyện, làng nào. Quê quán như kéo con người xích lại gần nhau. Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái có một câu hát đại ý rằng, Sống một nơi mà nhớ một nơi. Ở Đà Nẵng, không thể đếm được bao nhiêu người, từ bao nhiêu quê quán khác quần tụ về đây, đã luôn nhớ một nơi, thương một nơi, yêu một nơi và hiếu thảo một nơi. Mỗi năm, khi từng búp đào, nụ mai lấp ló, những chuyến tàu, xe lại hun hút lao đi cả ngày lẫn đêm, đầy ắp những gương mặt người háo hức, đầy ắp những chuỗi ký ức không đầu không cuối của ngày trở lại.

Ghi chép: PHAN HOÀNG PHƯƠNG


(*) Cụ Phan Điển, thân phụ của Luật sư Phan Anh – nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến năm 1946.

(**) Nguyên Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Quảng Nam.
 

;
.
.
.
.
.