.
Thành phố mỗi ngày thêm mới

Vươn tầm cao mới

.

15 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng chọn cho mình những hướng đi đầy sáng tạo, linh hoạt, mang tính đột phá. Thành quả gặt hái được từ sự nỗ lực, phấn đấu kiên cường và không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sẽ tạo thêm động lực và niềm tin giúp Đà Nẵng vươn tới những tầm cao mới…

Du khách bốn phương chọn Đà Nẵng làm nơi du lịch, nghỉ dưỡng. Ảnh: VIỆT DŨNG
Du khách bốn phương chọn Đà Nẵng làm nơi du lịch, nghỉ dưỡng. Ảnh: VIỆT DŨNG

1.

Cuối tháng 11-2013, những chuyên cơ sang trọng chở các tỷ phú nổi tiếng thế giới và những chính khách, nhà kinh tế lớn toàn cầu đáp xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng trong một cuộc gặp gỡ để bàn thảo những vấn đề kinh tế toàn cầu. Để xứng tầm, họ chọn một khu resort tuyệt đẹp, đẳng cấp thế giới tại bán đảo Sơn Trà làm nơi đàm đạo. Câu chuyện chỉ dừng lại ở đó, nhưng ý nghĩa sâu xa là vì sao không phải là các thành phố khác mà Đà Nẵng được chọn bởi giới nhà giàu và chính khách. Người ta hay nói, tiền nào thì của ấy. Phải chăng ngành công nghiệp du lịch của thành phố bên bờ sông Hàn thơ mộng đã bắt đầu có sức thu hút rất lớn nên đã nằm trong địa chỉ tìm đến để nghỉ ngơi, thư giãn và bàn chuyện làm ăn của giới doanh nhân, chính khách thế giới?

Với lợi thế bờ biển, cảnh quan thiên nhiên đẹp và là trung tâm của nhiều di sản văn hóa thế giới, Đà Nẵng đã dành sự đầu tư lớn để phát triển ngành du lịch, ưu tiên những vị trí đẹp và những ưu đãi thỏa đáng cho các dự án du lịch quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế. Yếu tố này góp phần nâng cao sự hấp dẫn và sức cạnh tranh du lịch, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản. Đến nay, Đà Nẵng thu hút 60 dự án đầu tư vào ngành du lịch, tổng vốn trên 4 tỷ USD. Nhiều dự án ven biển, đẳng cấp quốc tế như: Khu du lịch Pullman Danang Beach Resort, Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort, Silver Shores Hoàng Đạt, Fusion Maia, Hyatt Regency, Vinpearl Luxury, Vinacapital... ra đời và thu hút lượng khách ngày càng đông. Tổng lượng khách du lịch đến thành phố giai đoạn 2003-2013 ước đạt 16 triệu lượt. Riêng năm 2013, Đà Nẵng lần đầu tiên đón 3,1 triệu lượt du khách. Tổng doanh thu xã hội từ ngành công nghiệp xanh này đạt gần 7.800 tỷ đồng. Một con số ấn tượng trong bối cảnh kinh tế vẫn chưa có nhiều gam màu sáng.

2.

Không ai có thể phủ nhận thành quả phát triển đô thị Đà Nẵng và xem đây là cách làm đầy sáng tạo để tạo điều kiện cần và đủ cho phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập bền vững. 10 năm qua, Đà Nẵng đã giải tỏa, đền bù và bố trí tái định cư cho hơn 100.000 hộ dân để sắp xếp, chỉnh trang, mở rộng đô thị ngày càng hiện đại. Lòng dân luôn đồng thuận cao với chủ trương của thành phố. Dẫu còn khó khăn nhưng năm nào cũng vậy, Đà Nẵng chọn và quyết tâm hoàn thành nhiều công trình trọng điểm, tạo nên rất nhiều điểm nhấn kiến trúc, được bạn bè, du khách bốn phương trầm trồ ngưỡng mộ. Song song với chỉnh trang đô thị, thành phố phát triển các khu đô thị, khu tái định cư, khu công nghiệp, khu du lịch.

Nhiều công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, hiện đại được khởi công xây dựng, hoàn thành, đưa vào sử dụng bảo đảm chất lượng và thẩm mỹ, bao giờ cũng đem lại dấu ấn như các cây cầu Rồng, Thuận Phước, Tiên Sơn, Cẩm Lệ, Trần Thị Lý, Nguyễn Tri Phương...; các tuyến đường du lịch ven biển như đường Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Hoàng Sa, các tuyến đường nội thị và nối rộng đô thị với vùng ven như Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt...; các công trình Trung tâm Hành chính thành phố, Nhà hát Trưng Vương, Trung tâm Hội chợ - Triển lãm... Với chủ trương khai thác quỹ đất để đầu tư mở rộng không gian đô thị, xây dựng những công trình trọng điểm, các khu dân cư mới như những chiếc áo mới đầy màu sắc được khoác lên với niềm tự hào cho từng công dân thành phố.

3.

Dẫu gặp nhiều khó khăn và thường xuyên gánh chịu thiên tai nhưng 10 năm qua, GDP bình quân của Đà Nẵng luôn có sự tăng trưởng ấn tượng. GDP bình quân đầu người năm 2013 ước đạt 2.650 USD, gấp 5,4 lần năm 2003 và bằng 1,6 lần cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp trước 2 năm. Có lẽ, yếu tố này đã phần nào khẳng định: Trong gian khó, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp thành phố luôn đồng lòng nỗ lực cao nhất, tìm những giải pháp sáng tạo nhất cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển Đà Nẵng.

Cũng chính vì sự trăn trở mà năm 2014 này, Đà Nẵng lại chọn chủ đề “Năm doanh nghiệp”. Bởi lẽ, Đà Nẵng đã và đang đẩy mạnh thực hiện chủ trương tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh để từ đó phát triển cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng mạnh và tương xứng với tầm vóc phát triển của thành phố. Mục đích sâu xa khi quan tâm đến “sức khỏe” của hơn 12.000 doanh nghiệp là tạo điều kiện để phát triển thêm nhiều doanh nghiệp tầm cỡ, sản xuất những sản phẩm làm nên thương hiệu Đà Nẵng. Thành phố chủ động phát huy tiềm năng, nguồn lực, đổi mới toàn diện, nâng cao quy mô và chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.

4.

Thương hiệu “Thành phố hấp dẫn và đáng sống” chắc hẳn không phải do người Đà Nẵng tự đặt mà sẽ là sự nhìn nhận, trải nghiệm và đánh giá khách quan của bạn bè bốn phương, của những tổ chức trong nước và quốc tế. Có lẽ, yếu tố đáng sống ở đây chính là môi trường trong lành, người dân thân thiện, mến khách, nét đẹp đô thị hiện đại, hài hòa  - một thành phố của sự an bình và thanh lịch mang đặc trưng con người và văn hóa Đà Nẵng.

Để làm nên thương hiệu ấy, Đà Nẵng tạo nhiều sự đột phá khi triển khai khá thành công nhiều chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: Chương trình thành phố “5 không” và thành phố “3 có”, xây dựng Bệnh viện Phụ nữ, Bệnh viện Ung thư, Bệnh viện Phụ sản - Nhi, quan tâm đặc biệt đến các đối tượng khó khăn, bảo đảm an ninh trật tự xã hội… Đà Nẵng cũng tích cực và chủ động xây dựng thành phố môi trường, chú trọng tăng trưởng xanh. Những giải thưởng mà Đà Nẵng được các tổ chức quốc tế vinh danh một lần nữa khẳng định thành công bước đầu về xây dựng thành phố môi trường theo hướng xanh-sạch-đẹp.

5.

Ngày 16-10-2003, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được ban hành. Tròn 10 năm sau, ngày 12-11-2013, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 75-KL/TW (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 33 về tiếp tục xây dựng và phát triển Đà Nẵng. Giữa hai văn bản có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng này là cả một quá trình 3.650 ngày nỗ lực “thấm đẫm mồ hôi” của toàn hệ thống chính trị, của từng người dân thành phố.

Làm thế nào để hiện thực hóa chủ trương đổi mới đúng đắn của Đảng và Nhà nước vận dụng vào quá trình xây dựng và phát triển Đà Nẵng mang lại thành công luôn là câu hỏi lớn đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Và điều khẳng định đầy tự hào là trong giai đoạn phát triển đặc biệt này, Đà Nẵng đã đạt những thành tựu quan trọng và toàn diện trong phát triển kinh tế-xã hội, xứng đáng là đô thị hiện đại của khu vực và cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Bước vào mùa Xuân mới, Đà Nẵng đã và đang có thêm thế và lực mới để tiếp tục vươn lên tầm cao mới.

VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.