Báo xuân Đà Nẵng 2014

TRUYỆN NGẮN

Vó ngựa đêm xuân

08:07, 27/01/2014 (GMT+7)

Ông Pha đứng bên này nhìn chăm chăm vào bức rào ngăn cách với nhà hàng xóm chỉ gần mấy bước chân, ông lấy tay lay lay cái cọc gỗ, xem chừng nó còn chắc chắn lắm, nhưng ông vẫn rút mấy sợi lạt giang vòng vài lượt và siết thật chặt cây cọc gỗ với tấm phên rào lại với nhau.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Buộc xong bờ rào ông đứng nhìn cây đào cổ thụ mà hơn chục năm trước ông đã trồng ngay sát giữa đường biên với nhà hàng xóm, trên cây có một cành hoa đang chúm chím nở vươn sang quá bên kia bờ rào. Ông Pha nhíu mày tỏ vẻ khó chịu, xỏ con dao vào trong bao buộc ngang thắt lưng và thoăn thoắt trèo lên cây, ông với tay vít cành đào rồi lấy sợi lạt buộc cong trở lại bờ rào bên nhà mình. Ông Pha không hề biết ở nhà kế bên, ông Pờ đang đứng phía trong ghé mắt qua tấm liếp vách nhìn ra, khuôn mặt buồn rầu, ông khẽ lắc đầu một mình, buông tiếng thở dài thườn thượt. Cách đây một năm giữa hai nhà chưa có bờ rào đó, Tết năm nào ông Pha cũng ra chọn cành đang nở hoa đẹp nhất cắt xuống mang sang biếu ông Pờ, tối ba mươi, hai ông lại chụm đầu bên chén rượu thơm ngào ngạt cho đến lúc sang canh.

Nhà ông Pha chỉ có một người con trai tên là Chá, Chá học hết lớp mười hai thì ở nhà giúp bố mẹ cày cuốc ruộng nương. Chá với Ny phải lòng nhau lúc nào không hay, đúng như mong muốn của người lớn. Chiều ba mươi năm ngoái ông Pha cùng vợ mang đôi gà sang nhà ông Pờ xin cưới Ny về làm dâu. Ông Pờ chần chừ hồi lâu mới đứng dậy lấy tờ giấy quyết định đi nghĩa vụ quân sự của Chá mà ông mang từ dưới xã về nhưng chưa dám đưa cho ông bà Pha.

- Thằng Chá có giấy gọi đi bộ đội, hay để cháu nó về rồi mới bàn đến chuyện đám cưới.

Ông bà Pha nghe nói vậy thì xuống sắc mặt, thằng Chá đi bộ đội, có nghĩa là nó phải xa nhà, xa ông bà một thời gian dài. Nó là thằng con duy nhất, ông bà thì đau yếu luôn, việc cày, việc cuốc đều trông chờ vào đôi vai của nó, giờ nó đi vắng ai sẽ chăm lo ông bà tối ngày đây? Ông Pha xuống giọng hỏi ông Pờ.

- Ông là trưởng bản, sao không xin hộ nó một tiếng?

Ông Pờ muốn giảng giải cho ông Pha hiểu đi bộ đội là nghĩa vụ, là quyền lợi của đám thanh niêm bản như thằng Chá, nhưng ông không biết phải mở lời như thế nào, mặc cho ông Pha ra sức căn vặn, trách móc, ông chỉ có thể im lặng. Con Ny năm nay cũng đã mười tám tuổi, bằng tuổi này con gái trong bản rục rịch đi lấy chồng cả, chỉ còn sót lại mình nó, tối ngày cắm đầu làm việc giúp bố chăm đám em lít nhít. Ông thương nó đứt ruột, cũng mong nó có nơi có chốn sớm để yên ổn làm ăn. Nếu chúng nó thật lòng thương nhau thì chờ một hai năm cũng đâu có sá gì. Ông là trưởng bản, vận động đám thanh niên đi nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm lớn của mình, thế nên ông đành kiên quyết nói với vợ chồng ông Pha.

- Thằng Chá không đi bộ đội thì đừng có hòng cưới con Ny nhà này.

Không khí căng như sợi chỉ, ông Pha chắp tay sau lưng đi đi lại lại hồi lâu, trong bụng nóng như lửa: “Hay là ông ấy đã nhắm đám tốt hơn khác cho con Ny rồi? Lấy cớ để thằng Chá đi bộ đội rồi không gả con đây mà!”. Càng nghĩ ông Pha càng giận. Cái tức giận dâng ngùn ngụt lên đầu, hóa thành mất khôn.

- Nếu thế thì từ nay hai nhà cắt… Thằng Chá đi bộ đội về cũng đừng mong tôi cho nó lấy con gái ông nữa!

Ông Pha hùng hổ kéo vợ về, suốt cả mấy ngày Tết ông hì hục đào hố chôn những cây cọc gỗ xuống thành một hàng thẳng tắp, chẻ tre đan bờ rào thật dày, kín như bưng dựng lên chắn ngang lối mòn sang nhà bên cạnh.

Chá đi bộ đội cũng đã gần một năm, thỉnh thoảng có gửi theo bưu điện về một bọc quà và thư tay, anh chỉ kể sơ qua sức khỏe, công việc rồi hỏi thăm ông Pờ, Ny và đám em của cô chứ chưa bao giờ nói khi nào sẽ về nghỉ phép. Ông bà Pha cứ vậy lầm lũi như hai cái bóng trong căn nhà nhỏ. Ny thỉnh thoảng vẫn sang quét giúp cánh cửa, đan cái lọng để nhốt gà, nhưng chưa bao giờ nhận được ánh mắt dễ chịu từ phía ông bà. Lâu dần ông Pờ cấm cửa không cho con gái sang đó nữa.

Thấy bố đứng bần thần nhìn qua liếp vách ra ngoài, Ny đứng phía sau bố hồi lâu mới lên tiếng.

- Bố lại nghĩ đến chuyện đấy à?

Ông Pờ quay lại khẽ lắc đầu, buông tiếng thở dài và đi về phía bàn uống nước, mồi một điếu thuốc hút, vòng khói luẩn quẩn rồi loãng ra, tan vào không khí, khuôn mặt đã điểm những nếp nhăn xô vào nhau, ông nói với con gái.

- Gói bánh xong chưa? Đun nồi nước lá cho bọn trẻ tắm gội, sắp hết ngày rồi đấy.

Ny khẽ gật đầu. Ông Pờ nhắc con gái cho có lệ vậy thôi, chứ ông biết những việc đó Ny đã làm xong từ lâu.

- Làm thịt hộ bố hai con gà, xong mang một con sang nhà đấy. Chắc Tết này thằng Chá chưa về đâu!

Nghe bố nhắc đến tên Chá mà Ny ứa nước mắt, đã gần một năm cô không nhìn thấy anh, không biết tin tức gì về anh. Chẳng nhẽ Chá nghe lời bố mẹ bỏ Ny thật rồi sao?

Dạo trước cũng có vài người đến đánh tiếng xin cưới Ny, nhưng ông Pờ không nhận đám nào cả. Ny cũng chẳng ưng người ta, cô chỉ nghĩ đến Chá và kiên quyết đợi anh về.

Làm gà xong Ny bưng thêm cả bánh sang nhà Chá. Ông bà Pha đang buồn rầu bên nồi bánh chưng sôi lục bục trên bếp, thấy Ny sang thì thoáng ngạc nhiên nhưng lại lặng im không tiếp chuyện cô. Ny nhỏ nhẹ lên tiếng trước.

- Bố cháu bảo mang gà sang cho bác Pha cúng Tết.

Bà Pha nhìn Ny mà rưng rưng nước mắt.

- Ny à, cháu đi lấy chồng đi, đừng chờ thằng Chá nữa, chẳng biết bao giờ nó mới về.

- Cháu không lấy ai ngoài anh Chá đâu.

Ny òa khóc, cô chạy ra cửa toan bỏ về nhưng thấy ngoài sân của nhà Chá lá cây rụng đầy chưa ai quét dọn, chần chừ giây lát, cô lặng lẽ cầm cây chổi, lụi cụi quét dồn chúng lại thành đống.

Ông bà Pha ngồi trong bếp, lẳng lặng, buồn rầu nhìn ra cửa, phía trước ngọn núi cao sừng sững chắn ngang tầm mắt đã kèm nhèm của họ.

Đêm ba mươi tối đen như màu chàm. Ny ngồi trong bếp nhìn ngọn lửa bập bùng mà ngực cũng rộn ràng theo, cô nhớ như in những ngày Tết trước, nhà Chá với nhà Ny cách nhau chỉ mấy bước chân nên gần đến giao thừa, khi mà hai ông bố đang gật gù bên mâm rượu mải chúc tụng nhau, Chá lại mang cây sáo ra gốc đào thổi, Ny nghe tiếng sáo nhỏ nhẹ, rụt rè ấy thì nhận ra ngay là của Chá, cô khẽ khàng bước ra tìm anh, hai đứa nắm tay đi xem đám trai gái hát đối, thổi sáo tán tỉnh nhau. Vậy mà Tết năm nay Ny chỉ một mình lủi thủi trong bếp, chân tay bận bịu làm việc mà trong lòng thổn thức theo tiếng sáo gọi tình yêu xa tít ngoài kia.

Ông Pờ bắt đầu châm nhang cắm ở cửa, dưới bếp, trong chuồng lợn…, xong việc ông về ngồi trầm ngâm trên chiếc chiếu trải giữa nhà, ông bày hai chiếc chén ra rót rượu đầy vào chén trước mặt, định nhấc lên miệng thì Ny đi vào.

- Bố có sang mời bác Pha không?

- Không.

Ông Pờ đặt chén rượu lên môi cạn sạch, chép miệng vài cái rồi rót tiếp rượu vào chén bên kia… Mấy năm trước, Tết nào hai ông cũng cùng nhau bên mâm rượu đón giao thừa, bây giờ thì không thể nữa rồi, họ chỉ cách nhau vài bước chân nhưng đã có một bức rào chắn ngang khó mà sang nổi nhà nhau nữa rồi. Ông Pờ lặng lẽ nâng chén rượu còn lại lên, trong sống mũi cay cay.

- Chén này là của ông…

Lúc này, trong ngôi nhà kế bên ông Pha cũng đang ngồi dưới chiếu, mâm cỗ lạnh ngắt chưa vơi miếng nào, hai chén rượu rót ra đầy ắp vẫn chưa uống. Ông Pha tay đã run lắm, khẽ nâng chén rượu lên nhấp một ngụm mà trong lòng nặng trĩu, chưa bao giờ ông cảm thấy chén rượu giao thừa lại nhạt nhẽo đến như vậy.

Tiếng ếch nhái ngoài mương kêu râm ran đón giờ khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Tiếng chó sủa lách nhách, rồi rộ lên từ đầu bản vào qua các con ngõ. Ny nghe rõ là tiếng vó ngựa lọc cọc chạy đến con ngõ chung của nhà mình với nhà Chá thì đi chậm lại, rồi có tiếng người nói chuyện với nhau. Cô rón rén từ cửa đi ra đến sân, trong đêm đen tối có ánh đèn loang loáng rọi vào đường.

Cả ông Pha với ông Pờ không ai bảo ai đều buông chén chạy ra ngoài sân nhà mình đứng nghe ngóng. Hai bóng người cao lớn dắt hai chú ngựa buộc chiếc ba lô thong dong vào trong sân nhà ông Pha. Rõ ràng là tiếng của Chá âm âm phá tan cái lạnh buốt của đêm giao thừa.

- Đến nhà em rồi anh ạ!

- Cũng nhanh đấy, ô, sang canh rồi!

Hai người vừa nói chuyện với nhau vừa buộc ngựa ở phía cầu nước. Chá gọi lớn vào trong nhà.

- Bố mẹ ơi, con về rồi!

Ông bà Pha lập cập bước ra sân, ngỡ ngàng trước hai chàng trai mặc quân phục còn ướt rượt sương khuya. Chá vui mừng đứng nhìn bố mẹ một hồi mới lên tiếng.

- Bố mẹ, đây là anh Thắng, cùng đơn vị với con, nhà anh ở dưới xuôi không kịp bắt xe về nên lên nhà mình đón Tết luôn.

- Cháu chào hai bác!

- Ồ, mừng rồi, tốt rồi! - Ông Pha hồ hởi vỗ vào vai Chá và người bạn đồng hành của anh.

Hai người cùng gỡ chiếc ba lô nặng trĩu xuống khỏi lưng ngựa mang vào trong nhà.

- Đây là quà của đơn vị con gửi về biếu bố mẹ, có rất nhiều bánh kẹo để mời người bản đấy.

- Nhanh nhanh vào nhà không lạnh các con ạ.

Ở bên kia bờ rào, ông Pờ và Ny vẫn đứng đó, những giọt nước mắt mừng vui, nóng hổi chải dài trên má thiếu nữ.

Bà Pha châm thêm lửa vào đèn, căn nhà ấm áp hẳn lên. Ông Pha rót rượu đầy chén khách và chén của con trai.

- Nào, uống cho ấm bụng đi.

Chá nâng chén chưa kịp cạn thì ngẩn người hỏi ông Pha.

- Bố không mời bác Pờ sang đón giao thừa à?

Bà Pha thêm vào lời con trai.

- Phải, ông mời bác ấy sang uống chén rượu giao thừa mới đúng.

Ông Pha lưỡng lự đặt chén rượu vào mâm, xuống bếp lấy con dao đi thẳng đến bờ rào bên cạnh nhà, vung tay chặt đứt tung những sợi lạt mới buộc rồi gọi lớn sang nhà bên cạnh.

Bác Pờ ơi, Thằng Chá nhà tôi về rồi, bác ra hộ tôi một tý, không cần rào nữa.

Ông Pờ đã nghe rõ mồn một nhưng để chắc chắn nên vội vã chạy ra lớn tiếng hỏi lại.

- Bác bảo cái gì cơ?

Ông Pha đạp đổ bờ rào đi sang, hồ hởi nói.

- Thằng Chá về rồi, có cả bạn ở đơn vị về cùng nữa, ông sang nhà tôi uống rượu.

Ny ngồi lì trong bếp, chân tay luống cuống, chẳng đun nấu gì nhưng củi thì cứ chất đống vào, lửa cháy bùng bùng soi rõ khuôn mặt nhòe nước mắt của cô. Chá đã về thật rồi! Ny muốn gặp anh ngay lúc này, cô vùng đứng dậy chạy ra phía gốc đào. Chá cũng vừa ra đến đó. Đôi trai gái tay nắm vào tay, mặt chạm vào mặt rồi ôm chầm lấy nhau trong những giọt nước mắt ấm áp. Cành đào như chờm xuống rất gần, cả hai im lặng đến mức có thể nghe được tiếng mùa xuân đang nở tí tách trên vai.

Truyện ngắn của A KIỀU

.