.

Đà Nẵng với sứ mệnh thiêng liêng

.

Điểm nổi bật nhất trong năm 2014 ở Việt Nam có lẽ chính là cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và Đà Nẵng là một trong những trọng điểm của cuộc đấu tranh đó.

Bà Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu cá ĐNa 90152 tố cáo hành động phi nhân tính của tàu Trung Quốc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.  (Ảnh: Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp)
Bà Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu cá ĐNa 90152 tố cáo hành động phi nhân tính của tàu Trung Quốc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. (Ảnh: Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp)

1.

Tháng 1-2014, tròn 40 năm ngày Trung Quốc xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (19-1-1974), chính quyền và nhân dân Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động để tưởng niệm sự kiện bi hùng này với một niềm tin “Hoàng Sa mãi mãi là một phần lãnh thổ không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam”. UBND huyện Hoàng Sa tổ chức tọa đàm khoa học chủ đề Hoàng Sa là của Việt Nam; Đài PTTH Đà Nẵng tổ chức tọa đàm trên sóng truyền hình giữa các nhà sử học với lãnh đạo huyện Hoàng Sa và những nhân chứng đã từng tham dự trận “hải chiến Hoàng Sa” đánh trả quân Trung Quốc xâm lược vào tháng 1-1974; nhân dân Đà Nẵng tự nguyện tổ chức đêm thắp nến tri ân ở Công viên Biển Đông để tưởng niệm những người con của Đà Nẵng và của nước Việt đã hy sinh trong trận hải chiến không cân sức ấy…

Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Bảo tàng Đà Nẵng, khẳng định Việt Nam đã chiếm hữu, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong suốt 5 thế kỷ qua.

Các hiện vật triển lãm đã được sưu tầm từ các văn khố, thư viện quốc gia ở Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Italia, Bỉ, Australia… cùng con dân nước Việt ở trong và ngoài nước sưu tầm, hiến tặng, được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thẩm định. Cuộc triển lãm đã tạo tiếng vang lớn trong công chúng và giới truyền thông, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách đến tham quan, tìm hiểu.

2.

Từ ngày 2-5 đến ngày 15-7-2014, Đà Nẵng lại trở thành “mặt trận chính” trong cuộc đấu tranh chống việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khí Hải Dương - 981 vào khoan thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tại vùng biển Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng. Lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư, cùng các cơ quan chức năng của Việt Nam đã kiên trì, khôn khéo và quyết liệt đấu tranh trong suốt 74 ngày gian khổ, buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam, mặc cho các lực lượng hải cảnh, hải giám và lực lượng vũ trang trá hình của Trung Quốc liên tục đe đọa, uy hiếp và tấn công hung bạo.

Sát cánh cùng các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam là hàng ngàn ngư dân miền Trung, trong đó có ngư dân Đà Nẵng, kiên trì bám biển, vừa tiếp tục khai thác các nguồn lợi hải sản trong vùng biển truyền thống để mưu sinh, vừa hỗ trợ lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng ấy, nhiều chiến sĩ và ngư dân Đà Nẵng đã bị tàu Trung Quốc tấn công gây thương tích và thiệt hại.

Đỉnh điểm là vụ tàu cá ĐNA 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa (ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) cùng 10 ngư dân trên tàu đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào ngày 26-5-2014 trong vùng biển Hoàng Sa, khiến dư luận trong nước và quốc tế vô cùng phẫn nộ.

Trong 74 ngày đấu tranh chống lại hành vi bạo ngược của Trung Quốc trong vụ giàn khoan Hải Dương-981, Đà Nẵng là “điểm hẹn” của giới báo chí và truyền thông trong nước và quốc tế. Hàng trăm phóng viên Việt Nam và hàng chục phóng viên, thông tín viên của các hãng truyền thông lớn trên thế giới, từ Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nhật, Canada… đã đổ về Đà Nẵng, theo tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam ra điểm nóng ở vùng biển Hoàng Sa. Họ đã trực tiếp chứng kiến sự hung hãn, phi nhân, bất chấp luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đang “phô diễn” tại hiện trường và đã đưa tin phản ánh và tố cáo những hành động côn đồ của Trung Quốc với công luận thế giới.

Trong những ngày sôi sục ấy, Đà Nẵng giữ vai trò “đầu cầu” trong công tác cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền của Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công gây hư hại, là nơi bảo trì, sửa chữa cấp tốc các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư và tiếp nhận điều trị chiến sĩ, ngư dân Việt Nam bị thương tích; bảo đảm khôi phục sức khỏe và sức mạnh chiến đấu cho con người và phương tiện một cách nhanh nhất, sẵn sàng cho cuộc đấu tranh lâu dài nhằm bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam, buộc Trung Quốc phải nhổ neo, cuốn cờ, rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.

3.

Song song với cuộc đấu tranh trên biển, Việt Nam còn mở cuộc đấu tranh trên lĩnh vực học thuật và pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống lại hành động bá quyền và âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Và Đà Nẵng cũng được chọn làm nơi để các nhà ngoại giao Việt Nam, các học giả trong nước và quốc tế mở “mặt trận học thuật” ấy.

Từ ngày 20 đến ngày 21-6-2014, ngay trong thời điểm Trung Quốc ngang ngược kéo giàn khoan Hải Dương-981 vào khoan thăm dò trong vùng biển Việt Nam, Đại học Đà Nẵng và trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) phối hợp tổ chức cuộc hội thảo quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” tại thành phố Đà Nẵng. Hơn 100 đại biểu trong nước và quốc tế đã tham dự hội thảo, trong đó có những học giả, chuyên gia hàng đầu thế giới về tranh chấp và xung đột trên Biển Đông.

Các học giả đã phân tích mổ xẻ những vấn đề liên quan đến cuộc tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông, đồng thời lên án hành động nguy hiểm và vi phạm pháp luật quốc tế của Trung Quốc khi đưa giàn khoan dầu khí vào khoan thăm dò trong thềm lục địa Việt Nam, lên án hành động vô nhân đạo của Trung Quốc. Các học giả tham dự hội thảo trực tiếp đến tham quan tàu cá ĐNA 90152 đã được tàu cứu hộ của Cảnh sát biển Việt Nam kéo về neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang; tham quan cuộc triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa, phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Những chuyến tham quan ấy đã mang lại cho các học giả tham dự hội thảo này một cái nhìn chân thực nhất về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và dã tâm của Trung Quốc hòng chiếm đoạt chủ quyền thiêng liêng ấy của dân tộc Việt Nam. Cũng từ diễn đàn hội thảo này, các học giả nhất trí kêu gọi Nhà nước Việt Nam nên sử dụng các cơ chế pháp lý quốc tế để khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) hay Tòa án Trọng tài về Luật Biển (ATLS)... để bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư dân và môi trường biển của Việt Nam.

Sau khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 khỏi vùng biển Hoàng Sa, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam vẫn không một phút giây ngưng nghỉ. Trung Quốc không hề ngừng tham vọng độc chiếm Biển Đông, thôn tính biển đảo của Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Trung Quốc đã và đang mở rộng các đảo, đá, bãi ngầm… thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đóng trái phép từ năm 1988 đến nay, biến những thực thể địa lý này thành những căn cứ quân sự kiên cố nhằm chiếm đoạt Biển Đông và kiểm soát tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới đi qua vùng biển này.

Một lần nữa, Đà Nẵng lại trở thành nơi hội ngộ của các chuyên gia pháp lý, các nhà phân tích an ninh hàng hải hàng đầu thế giới. Gần 200 đại biểu quốc gia và quốc tế đã đến Đà Nẵng để tham dự hội thảo quốc tế “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” diễn ra trong hai ngày 17 và 18-11-2014, do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức. Hội thảo lần này còn có sự tham gia của các học giả Trung Quốc. Trong thời gian hội thảo, Đà Nẵng trở thành mặt trận đấu tranh giữa các học giả Việt Nam và quốc tế với các học giả Trung Quốc về những vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Hầu hết các học giả đều cho rằng, Trung Quốc đang thôn tính biển đảo của nước khác và là tác nhân gây bất ổn trong khu vực, ảnh hưởng đến an ninh và hòa bình trên thế giới. Các học giả Việt Nam cũng sử dụng diễn đàn hội thảo để bảo vệ quan điểm của mình về chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và phản bác những luận điểm hung hăng, sai trái và phi lý do các học giả Trung Quốc đưa ra.

Có thể nói, cuộc đấu tranh trên “mặt trận học thuật” để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam thông qua hai cuộc hội thảo quốc tế tổ chức ở Đà Nẵng vào tháng 6 và tháng 11-2014 căng thẳng không hề kém cuộc đấu tranh trên biển trong những ngày Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Đó là nơi để phía Việt Nam cung cấp cho các học giả quốc tế những chứng cứ xác thực về lịch sử xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo của Việt Nam; là nơi mà các học giả quốc tế đã lên tiếng ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời cũng là nơi họ lên án tư tưởng bá quyền và hành động bá đạo của Trung Quốc nhằm “đánh cắp Biển Đông” làm của riêng.

Lịch sử đã hai lần chọn Đà Nẵng làm “mặt trận đầu tiên” trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Năm 2014 vừa qua, lịch sử lại chọn Đà Nẵng làm “mặt trận chính” trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Một lần nữa, Đà Nẵng lại sẵn sàng đảm nhận vị trí tiên phong đó, bởi vì chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và người Đà Nẵng luôn luôn thấu hiểu điều này.

TRẦN ĐỨC ANH SƠN

;
.
.
.
.
.