.

Một Việt Nam trên đất Nhật

.

Không chỉ đến Nhật Bản để tìm cơ hội làm việc, học tập hay sinh sống, người Việt Nam trên đất nước hoa anh đào còn chứng tỏ năng lực, trí tuệ của mình khi nắm giữ những vị trí quan trọng trong các công ty, cơ quan của nước bạn.

Anh Bùi Nguyễn Toàn (trái) và sản phẩm tàu cứu sinh sóng thần.
Anh Bùi Nguyễn Toàn (trái) và sản phẩm tàu cứu sinh sóng thần.

“Người Nhật đánh giá rất cao bản lĩnh, trí tuệ của người Việt”, chị Nguyễn Ngọc - Chủ tịch Hội người Việt Nam vùng Kansai - cho biết như vậy. Trong khi đó, với chúng tôi, nói về những đồng hương mình có dịp gặp gỡ trên đất Nhật, chỉ có ba từ: rất tự hào!

Chàng trai Việt thiết kế tàu cứu sinh sóng thần

Lần đầu tiên đến xưởng sản xuất của một công ty đóng tàu Nhật Bản, chúng tôi - nhóm phóng viên đến từ các nước ASEAN mang theo cảm giác háo hức khi biết sẽ tận mắt chứng kiến những con tàu có thương hiệu trên thế giới. Thế nhưng, cảm giác hớn hở ban đầu ấy lập tức chuyển sang niềm tự hào dân tộc khó tả.

Công ty Đóng tàu ShiGi hiện sản xuất 5 loại tàu khác nhau. Tuy nhiên, chỉ có một con tàu được chọn để giới thiệu với các phóng viên lần này là “Tàu cứu sinh sóng thần - Tsunami Lifeboat”. Đây được xem là một sản phẩm sáng giá của công ty, khi con tàu đủ “thông minh” và sức mạnh để tồn tại trong môi trường khắc nghiệt như sóng thần. Điều đáng nói, con tàu này lại do chính chàng trai còn rất trẻ đến từ Việt Nam thiết kế.

Anh Bùi Nguyễn Toàn (27 tuổi) đến từ Hải Phòng, tốt nghiệp khoa đóng tàu, Đại học Hàng hải Việt Nam, là người tham gia từ bản vẽ đầu tiên cho đến khi con tàu hoàn tất đầy sống động. Cùng với Toàn còn có một bạn người Việt và trưởng nhóm người Nhật. Sau này, bạn người Việt về nước, còn trưởng nhóm người Nhật nghỉ việc, nên một mình Toàn độc lập giải quyết các phần việc còn lại.

Tàu cứu sinh sóng thần được sử dụng cho trường hợp có thảm họa sóng thần hoặc lũ lụt. Tàu không có động cơ nhưng có thể phát tín hiệu cấp cứu qua GPS. Sức chứa tối đa của tàu là 35 người cùng lương thực, nước uống đủ cho 7 ngày. Xung quanh tàu có hệ thống đệm bảo vệ nên nó có thể chịu được tác động mạnh từ bên ngoài. Đặc biệt nhất, khi bị lật nghiêng, lật sấp hay bất cứ tư thế nào, tàu cũng có thể tự động quay lại trạng thái ổn định ban đầu. Khi đóng hết các cửa, nước không thể tràn vào bên trong nếu tàu bị lật.

Để tìm hiểu kỹ hơn về tàu cứu sinh sóng thần, nhóm phóng viên được mời vào một căn phòng, nơi có thiết bị trình chiếu hình ảnh, đồng thời được nghe thuyết minh về các yếu tố kỹ thuật và tính năng của tàu. Tổng quản lý Công ty Đóng tàu ShiGi - ông Tachibana chỉ đứng bên cạnh, còn Toàn chính là người đảm nhận việc thuyết minh bằng tiếng Anh. Khi biết chàng trai đang giới thiệu về tàu cứu sinh sóng thần chính là một trong những người thiết kế con tàu này, đồng thời lại là một kỹ sư trẻ đến từ Việt Nam, phóng viên các nước quay sang chúng tôi trầm trồ thán phục.

Không chỉ nghe và nhìn, chúng tôi còn được con tàu màu cam sặc sỡ (điểm nổi bật dễ nhận dạng của tàu cứu sinh sóng thần - PV) chở đi một vòng trên biển. Dĩ nhiên, chúng tôi không bị văng lên, nhào xuống hay nghiêng lật đủ tư thế như trong clip trình diễn tàu, bởi nếu thế có lẽ không nhiều người đủ dũng cảm trải nghiệm con tàu đặc biệt này.

Sau buổi tham quan Công ty Đóng tàu ShiGi, chúng tôi còn một dịp khác gặp lại ông Tachibana, Tổng quản lý. Tôi hỏi ông đánh giá thế nào về năng lực của Toàn, ông trả lời rất ngắn gọn: “Tôi rất mong khi hết hợp đồng, Toàn vẫn đồng ý tiếp tục ở lại làm việc với chúng tôi. Kể cả nếu lúc đó Toàn kết hôn, tôi cũng mong đón cả vợ con cậu ấy sang đây làm việc”.

Khách Nhật xếp hàng đợi thưởng thức phở Việt trong chương trình giao lưu văn hóa, ẩm thực.  Ảnh: THU HOA
Khách Nhật xếp hàng đợi thưởng thức phở Việt trong chương trình giao lưu văn hóa, ẩm thực. Ảnh: THU HOA

Có một Việt Nam thu nhỏ

Nói về người Việt ở Nhật, không thể không kể đến các nhóm, hội cộng đồng người Việt đang sinh hoạt tại đất nước mặt trời mọc. Hội người Việt Nam vùng Kansai (bao gồm phủ Osaka và 7 tỉnh phụ cận) tập trung số người Việt lớn thứ hai tại Nhật, sau vùng Kanto (bao gồm thủ đô Tokyo và các tỉnh xung quanh). Với hơn 10.000 người Việt sinh sống, cộng đồng người Việt tập trung tại khu vực Kansai như một Việt Nam thu nhỏ. Mọi người luôn nhiệt tình, cởi mở và nỗ lực thể hiện hình ảnh một Việt Nam thật đẹp trong mắt bạn bè.

Chị Nguyễn Ngọc, Chủ tịch Hội người Việt Nam vùng Kansai, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản là người Việt xa quê lâu năm. Tuy đã có quốc tịch Nhật cách đây hơn 20 năm nhưng từ vẻ ngoài đến giọng nói của chị đều toát lên hình ảnh một phụ nữ Nam bộ đậm đà. Chị Ngọc hiện là chuyên viên tư vấn và thông dịch cho người nước ngoài tại UBND thành phố Yao, thuộc phủ Osaka. Nếu không phải là người gốc Nhật, sẽ rất khó có được một vị trí trong cơ quan nhà nước ở đây. Thế nhưng, chị Ngọc đã làm công việc này trong nhiều năm qua.

Ngoài công việc hành chính, với vai trò đứng đầu hội người Việt Nam trong khu vực, chị Ngọc tất bật với rất nhiều hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Có lúc chị trở thành “bà bán phở” với chiếc tạp dề trước ngực, có lúc chị là cô “bồi bàn” ở quán cà-phê trong các chương trình giao lưu văn hóa, ẩm thực quảng bá món ăn, hình ảnh Việt Nam.

Hơn 6 năm hoạt động, Hội người Việt Nam vùng Kansai thu hút đông đảo cộng đồng người Việt gồm du học sinh, người lao động, các cặp vợ chồng Việt - Nhật tham gia. Hằng tháng, hằng năm, Hội tổ chức nhiều chương trình để không chỉ người Việt có thêm cơ hội hòa nhập cuộc sống nơi đất khách quê người, mà còn là dịp mọi người hiểu nhau, để rồi cùng hướng về quê hương.

Xa quê nhưng Tết thiếu nhi, Tết cổ truyền ở đây đều được tái hiện đầm ấm, đủ đầy. Các chị còn là “nhịp cầu” đưa các chàng rể Nhật trở thành những “diễn viên” chuyên nghiệp nhiệt tình đánh trống, múa lân và múa dân gian Việt Nam “dẻo quẹo”. Sắp đến, Hội sẽ xin phép Tổng lãnh sự quán cho xuất bản ấn phẩm miễn phí nhằm chia sẻ thông tin, hình ảnh quê hương đến với cộng đồng người Việt.

Trong một buổi tiệc có sự góp mặt các kiều bào tại Nhật Bản, tôi nhớ có hỏi nhỏ chị Ngọc điều mà mình canh cánh bao lâu nay rằng, có phải hiện tượng ăn cắp vặt khá phổ biến với một vài người Việt tại Nhật không, bởi những thông tin này vẫn xuất hiện trên báo chí. Chị Ngọc chân thành chia sẻ: “Cộng đồng nào cũng có xảy ra hiện tượng ăn cắp vặt, kể cả người bản xứ. Tuy nhiên, đó chỉ là số rất ít và nhất thời xảy đến ở một vài bạn trẻ mới đặt chân đến Nhật. Thực sự ở Nhật, mọi người không quá chú ý đến một vài hiện tượng nhỏ lẻ như thông tin truyền về. Có lẽ cái xấu dù nhỏ đến thế nào cũng được soi nhiều hơn chăng!”.

THU HOA

;
.
.
.
.
.