.

Nhớ... cuối năm

.

Nhớ… cuối năm. Hay là, cuối năm… nhớ? Nói sao cũng được: cuối năm, ai mà chẳng nhớ? Những khoảnh khắc của năm tàn luôn hối hả.

 

Như nước, vỡ tan sau khi vượt qua bao thác ghềnh. Để đến lúc lắng lại, lặng lờ trước khi tan hòa vào mênh mang biển. Như tâm thức con người, luôn mong muốn được tắm mình hai lần trong một dòng sông… Tu sĩ thì nói: không nên nhớ - tưởng. Nhưng sống-ở-đời, muốn làm người, thì lẽ nào có thể sống-mà-quên? Không quên, trước hết, là một-quê-nhà: Hội An.

Trước một bức tượng. Đôi lần trở về cái thị xã buồn ngày xưa, thường đứng trước bức tượng bán thân của bậc danh nhân đất Quảng, trong sân trường vắng của ngôi trường mang tên Người, đầy ắp những tháng năm kỷ niệm. Và… thơ bỗng hiện ra. Qua một đoạn đường khổ đau bằng ẩn nhẫn, kiên trì/ Con đường xưa không phải dấu chân xưa/ Con đường xưa không phải tiếng nói xưa/ Vậy là xa xưa. Bài thơ có nhan đề là Lời dặn, in trong tập kỷ yếu Nhớ trường của một số cựu học sinh Trần Quý Cáp (Hội An-Đà Nẵng) nhiều năm trước.

Bên dưới bài thơ, có ghi chú: “theo một số bậc cao niên thuộc dòng dõi họ Trần hiện còn sống, bài thơ này được danh nhân Trần Quý Cáp viết để lại cho con cháu trước lúc qua đời”. Lạ thật! Sao thơ của một bậc túc nho như cụ Trần, viết vào thời điểm hơn một trăm năm trước, lại có thể thấm đẫm phong vị của ngôn ngữ thơ hiện đại đến thế? Xin trích dẫn tiếp: Áo khăn chỉ che được thân người, chứ không phủ kín được tâm hồn/ Đành rằng sống phải lao vào mọi việc mới sống/ Nhưng nên dành một chút thời giờ để lãng quên tục lụy/ Các con sẽ thấy những cái gì cao quí để có thể thấy một cái gì xa xăm…

Mà… thôi! Vào những thời khắc lắng-lòng-đón-xuân, không nên vẩn vơ  truy tìm chứng cứ văn bản. Cứ tạm cho, ấy là do người dịch thơ đã “diễn nôm” như vậy. Để có thể bước tiếp theo câu hỏi, rằng những cái gìcao quí nhất trên đời? Là gì, nếu không là… những cái gì xa xăm? Mà, một trong những cái xa xăm là gì, nếu không là… kỷ niệm?

Soi trước thời gian. Những năm trẻ tuổi. Và những con đường đã đi qua. Đấy là những con đường mất bóng giữa đạn bom. Nhưng như một thứ ánh sáng bền băng qua hồn đêm rách máu, đường đã dẫn con người đi tới. Những con đường ấy là xương trắng và mồ hôi, là giấc mơ về con đường khác. Của cả dân tộc không tiếc máu cho ước mơ hòa bình-thống nhất đất nước…

Và giờ đây, sau bốn mươi năm. Những câu hỏi không phải đã chấm dứt mà ngược lại, vẫn phải tiếp tục được đặt ra. Bởi vì, con đường không bao giờ dừng lại. Bởi vì, muốn tìm về cõi Phật thì phải đi cùng yêu ma, mong đến được chốn Tiên lẽ nào lại không ngụp lặn giữa bụi bặm đời…

Đấy là con đường mà khi bước lên để tìm kiếm miếng cơm, làm sao có thể quên giọt nước mắt thầm của những người mẹ nghèo trong bóng tối hay giọt mồ hôi của những người vô danh? Đấy cũng là con đường của đa số những người trẻ tuổi đất Quảng khi bước vào đời. Của cả những thế hệ trước kia và bây giờ. Làm sao kể cho đầy đủ những tên người đã làm rạng danh cho mảnh đất chưa mưa đà thấm này?

Và nếu giới hạn trong bốn mươi năm này, thì chỉ riêng với những học sinh ra đi từ ngôi trường Nam tiểu học ngày xưa (nay là trường Kim Đồng) và trường Trần Quý Cáp mà người viết đang thơ thẩn… nhớ này, cũng không sao có thể liệt kê đầy đủ. Họ đã thành đạt trên nhiều lĩnh vực. Nhưng thế nào là thành đạt, thì còn phải… định nghĩa. Bởi, có khi sự thành đạt ở thời điểm này thì lại trở thành sự thất bại ở thời điểm khác. Và làm sao không nhắc đến những người không thành đạt? Bởi vì họ là cái đám đông thầm lặng mà nếu không có nó, lịch sử đã không được viết nên. 

Hóa cho nên, phải chăng không thể “đem thành bại mà luận anh hùng”, như người xưa đã từng nói? Nhưng, dù thành hay bại, những con người ấy cũng đã góp đời mình để làm nên tiếng gió tiếng mưa, làm nên những tên đất tên làng, hóa thân vào cái ăn cái mặc bình thường hay ẩn mình sau những nét hoa văn mờ bụi…

Họ, những con người vô danh, còn gửi lại nét cười trong sạch giữa một sáng trời vui hay đôi mắt tối sầm trước điều bạo ngược. Họ không mất đi mà luôn có mặt, khuất sau màu lá rừng sâu thẳm để truyền đi những dấu hiệu không lời, những tín hiệu mà lớp người đi sau tiếp nhận mỗi khi “trở về” với quê nhà yêu dấu, sau những ra đi… Phải chăng sự thành tựu lớn nhất của mọi hoạt động xã hội không thể rời xa cái tiêu điểm đầu tiên và cuối cùng là hạnh phúc của con người?

Nhớ… phía trước. Sau khi nhìn lui, hẳn phải ngóng về ngày mai. Tương lai dường như nằm trong cái vẫy tay của Phạm Hầu: Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai. Cái vô hạn dường như bắt nguồn từ những gì cụ thể: đã có bao nhiêu bàn tay tài hoa của làng gỗ Kim Bồng, làng đá Non Nước… đánh thức giấc ngủ ngàn năm của gỗ - đá để cung hiến cho đời những linh hồn...

Và còn ghi dấu quá nhiều những tên đất - tên người trên suốt những dặm dài lịch sử từ mảnh đất “phên giậu” (*) này của Tổ quốc. Và cái đà sống (elan vital) của một đất nước là gì nếu không là những giấc mơ? Giấc mơ hướng về phía đám đông. Như thế, mọi cố gắng hướng về mùa xuân tương lai chỉ thực sự có giá trị sau khi biết ôn cố để mà tri tân.

Nếu làm được như thế, cái nhìn sẽ được nâng lên một tầm cao khác, để có thể hướng về ngày mai trong một định nghĩa về hạnh phúc có chiều kích rộng hơn. Bởi vì, con người luôn biết rằng, đời sống không phải chỉ đơn thuần là những tiện nghi vật chất. Vẫn thường nghe nói về sự cần thiết của từ “văn hóa” trong nhiều công việc. Văn hóa, không phải là cái xác chữ, mà trên nhiều bình diện, là một thái độ văn minh. Suy cho cùng, thì mọi nghĩ suy- hành động đều phải nhắm đến những lợi lạc của nhân quần, dựa trên nền tảng định nghĩa đúng về khái niệm hạnh phúc.

Nhớ… phía sau. Là điểm lại những được-mất, còn-không. Để nhìn lại những trận gió lịch sử. Để biết rằng, sức sống vẫn thổi về từ bước chân những lưu dân trong cuộc Nam tiến, từ xa ngút thời gian.  
Xa, mà không hề phai nhạt. Bởi vì, đó là những lời chứng. Của lặng lẽ máu. Của nồng mồ hôi.
Để lắng nghe mùa xuân. Đang sống lại…

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT


*): Vùng đất Quảng Nam xưa (Hóa châu) là “phên giậu phía Nam của Tổ quốc” (Dư địa chí - Nguyễn Trãi).

;
.
.
.
.
.