.

Phố ở ngoại thành

.

Cách đây không lâu, ở đó là làng quê với gần 200 ngôi nhà cấp 4 núp bóng dưới các lũy tre xanh và con đường gồ ghề sỏi đá. Mỗi khi lũ về, nhà nào cũng ngập sát mái.

Mô hình trồng phong lan cắt cành của anh Nguyễn Xuân Hùng ở thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu.
Mô hình trồng phong lan cắt cành của anh Nguyễn Xuân Hùng ở thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu.

Thế mà nay, như có phép mầu, làng quê bên sông Cẩm Lệ ấy biến mất, nhường chỗ cho những khu phố khang trang, sầm uất. Đó là những khu phố của thôn Bầu Cầu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang.

1.

Vượt qua cầu Cẩm Lệ xuôi theo đường Phạm Hùng về phía chợ Miếu Bông chừng cây số, quẹo phải, chạy thêm chừng trăm mét, chiếc taxi màu vàng nhạt đỗ lại bên đường. Xuống xe là cặp vợ chồng còn trẻ và đứa bé chừng 3 tuổi. Đặt hành lý lên vỉa hè, họ nhìn về dãy phố sầm uất  phía trước. Sự ngỡ ngàng hiện rõ trên gương mặt người thanh niên. Ít phút sau, bước đến ngôi nhà 3 tầng, anh dè dặt bấm chuông. Một chặp, từ trong nhà, người phụ nữ chừng ngoài 50 tuổi bước ra. Sau thoáng ngỡ ngàng, cả hai nhận ra nhau. “Thằng Hùng. Có phải thằng Hùng không?”, người phụ nữ hỏi như reo.

“Trời, mày đi biền biệt 4-5 năm, sao bây giờ mới về. Ở nước nào về đó. Sao chẳng thấy thư từ gì cả”, bà trách khéo. “Con  chào dì Tư. Không ngờ dì Tư đổi đời nhanh vậy. Dạo này trông dì mập và trẻ ra”, người thanh niên lễ phép đáp từ.

Khi mọi người đã quây quần bên nhau, Hùng lên tiếng: “Dì Tư trúng số độc đắc hay sao mà giàu nhanh vậy. Xây được ngôi nhà này tốn tiền tỷ chứ đâu ít. Con nhớ, hồi trước nhà dì tường xây, mái tôn thấp lè tè ở sâu trong xóm. Lâu nay, tin từ gia đình cho biết thôn Bầu Cầu giải tỏa, tái định cư tại chỗ, con cứ nghĩ người ta quy hoạch sắp xếp nhà cửa cho quy củ, chứ đâu ngờ chuyển làng thành phố như vậy. Thiên hạ ngợi ca Đà Nẵng có bước đột phá ngoạn mục về phát triển đô thị, quả không ngoa”.

Đặt mấy ly nước xuống bàn, bà Tư thủng thẳng: “Con biết không, nếu không có chủ trương giải tỏa di dời tái định cư của thành phố và chương trình xây dựng nông thôn mới, nằm mơ cũng không dám nghĩ đến việc nâng cấp ngôi nhà cấp 4 hồi trước, chứ đừng nói xây nhà tầng mặt phố như vậy. Nhà dì hồi đó đất rộng, giải tỏa xong được phân 4 lô đất tái định cư. Bán đi 2 lô, cộng thêm tiền đền bù, vừa đủ xây ngôi nhà này. Hiện tại còn một lô nữa ở đường 5,5 mét cách đây không xa. Đâu phải riêng nhà dì mà ở thôn này hộ nào cũng đổi đời như vậy cả.

Có hộ khá giả, tái định cư xây biệt thự ấy chứ. Có thể bây giờ con không thể nhận ra, nhưng chính nơi ta đang ngồi đây hồi trước là mấy thửa ruộng sát đường cái. Sau giải tỏa, người ta đổ đất nâng cao trình lên gần 3 mét để vượt lũ, rồi quy hoạch khu dân cư  như đô thị. Nay nhà tầng mặt phố hết lượt, nhưng chủ nhân là nông dân thôn Bầu Cầu ta cả đấy”.

Gặp lại người thân, ký ức thời đã qua bỗng ùa về trong tâm trí người phụ nữ ở tuổi xế chiều. Trầm ngâm giây lát, như sực nhớ điều gì, bà nhỏ nhẹ: “Cũng may giải tỏa, tái định cư mới có ngôi nhà khang trang để ở. Nay, nghĩ lại hồi ở chỗ cũ mà lạnh sống lưng. Đất vườn rộng, nhưng có làm ra trò trống gì đâu. Khổ nhất là những lúc bão lũ. Có đợt, nước ngập sát mái, may mà chạy kịp. À mà con về đã điện báo với ba mẹ chưa? Nhà con kém chi nhà dì. Hồi bốc thăm nhận đất, ba con bắt trúng lô ở sát ngã tư, nhà xây 3 tầng đẹp lắm”.

Chuyện trò hồi lâu, cả 3 người từ xa về thăm quê từ giã chủ nhà. Bà Tư cùng họ tản bộ trên con đường thảm nhựa phẳng lỳ. Vừa đi họ vừa phóng tầm mắt về những dãy phố mà tại đó toàn nhà cao tầng còn nguyên màu sơn mới.

Tôi may mắn gặp và chứng kiến cuộc hội ngộ giữa những người từ phương xa trở về với chủ ngôi nhà ba tầng tại thôn Bầu Cầu vào một ngày cuối năm 2014. Khi họ đi khuất, tôi chợt nghĩ, nhiều khả năng, cặp vợ chồng trẻ đó được gia đình cung cấp địa chỉ nhà người dì ruột ở gần đường Phạm Hùng, để khi về ghé qua thăm rồi dì đưa về, bởi, tất cả đã đổi thay, thôn Bầu Cầu ngày nào nay đã là phố xá đông đúc.

Phố mới của thôn Bầu Cầu, xã Hòa Châu (Hòa Vang).
Phố mới của thôn Bầu Cầu, xã Hòa Châu (Hòa Vang).

2.

Theo kế hoạch đã định, hỏi dò mãi, rà xe chầm chậm qua 5-6 tuyến phố mà phố nào cũng khang trang bề thế, với những ngôi nhà tầng kiến trúc trang nhã còn nguyên màu sơn mới, tôi cũng tìm được nhà ông Phạm Nhớ, trưởng thôn Bầu Cầu. Đó là ngôi nhà ba tầng nằm trong dãy phố ít còn lô trống. Hóa ra là trưởng thôn tôi đã gặp cách đây 7 năm, hồi ông còn ở trong ngôi nhà gỗ lợp ngói cách đường cái chừng trăm mét.

Hỏi về thành tựu sau 4 năm xây dựng nông thôn mới, người trưởng thôn ngoài 50 tuổi này chỉ vào dãy phố phía trước, nơi có dãy đèn đường thẳng tắp, lên tiếng: “Không nói thì mọi người cũng đã biết. Có lẽ, không ở đâu trên địa bàn huyện Hòa Vang cơ sở hạ tầng hoàn thiện, hiện đại như ở thôn Bầu Cầu này. Hiện 350 hộ đã tái định cư tại khu vực y như đô thị (thực ra trước đây thôn Bầu Cầu chỉ gần 200 hộ, khi tái định cư tiếp nhận thêm nhiều hộ từ nơi khác đến - PV).

Điều trước đây lo ngại nhất đó là việc làm, thu nhập thì nay đã giải tỏa, bởi ai cũng đã mở ra hướng phát triển kinh tế khả thi cho riêng mình. Hiện ở thôn này thương mại dịch vụ rất phát triển. Tuy nếp sống đã dần chuyển sang thị dân, song bà con thôn này vẫn giữ tình làng nghĩa xóm sâu đậm như trước.

3.

Theo tôi được biết, không chỉ Bầu Cầu mà sau 4 năm xây dựng nông thôn mới, ở Hòa Vang nhiều làng quê cũng “lột xác” thành đô thị như ở Miếu Bông (Hòa Phước), Túy Loan (Hòa Phong), An Ngãi Đông (Hòa Sơn), Quan Nam 1 (Hòa Liên)... Những nơi đó là những khu phố ở ngoại thành.

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.