.

Thỏi thịt khô

.

Đêm ba mươi Tết, cả nhà quây quần bên bếp sưởi. Không khí lạnh buốt. Sương bò qua cửa, lan vào giữa nhà, trèo lên cả giường, chỉ còn chỗ bếp sưởi là không tới được vì lửa cháy to, hơi nóng tỏa ra, và hơn nữa còn có hơi người ấm áp đang bao quanh bếp.

Mấy năm rồi mới có được đêm giao thừa góp mặt đủ anh chị em. Tất cả đều đã thu xếp về nhà cậu út đón giao thừa, để cùng đón cái Tết như thời niên thiếu, chỉ thiếu có hai người là bố và mẹ, nhưng có thêm các con dâu, con rể và các cháu.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cậu út năm nay chủ trì việc lấy nước đêm giao thừa, là làm cái việc ngày xưa bố vẫn làm. Cậu đã là người đàn ông, có gia đình và con trai, con gái. Một người đàn ông chính thống và đủ vị thế mới là người xứng đáng được đi lấy nước đêm giao thừa. Năm nay, cả xóm sẽ để nhà tôi lấy được nước trước. Đã lâu lắm rồi, mới thật trịnh trọng thực hiện truyền thống đi lấy nước đêm giao thừa để xem năm mới thế nào. Không còn quá quan trọng và tin hoàn toàn vào điềm lấy nước nữa, nhưng là nét văn hóa nho nhỏ của dân tộc, của làng bản và trong tiềm thức mỗi người ai ai cũng muốn được làm và được tham dự một lần trong đời. Dẫu có đi xa mấy thì vẫn không quên được điều thiêng liêng vào thời khắc đầu tiên của năm mới.

Trời dẫu có lạnh đến mức nào cũng không thiếu được việc làm đầu tiên trong năm của gia đình. Năm nay nhà cậu út được chọn đi lấy nước đầu tiên là vì làng tôi đã có nhiều điều mới. Là làng văn hóa, làng nông thôn mới và là năm cậu út sinh được con trai, là năm nhớ lại người chủ của phường săn nổi tiếng một thời.

Bên bếp sưởi, dường như không khí có màu hồng và có vị thơm của thảo quả, hạt dổi, hạt tiêu rừng, ai cũng ngửi thấy, nếm thấy. Và mãi cậu út mới lấy ra một thỏi thịt khô vùi trong than nóng. Ấy là mùi thảo quả, hạt dổi, hạt tiêu bay lên từ đó. Lại nhớ miếng thịt nai khô bao nhiêu năm trước. Ngày ấy là những ngày nhiều thịt nhất. Bố và những người đàn ông trong họ đi săn. Thịt về treo đầy giàn gác bếp lò. Những người đàn ông đi săn và những người đàn bà chăm chỉ làm nương, đi rừng. Thảo quả, hạt dổi, hạt tiêu rừng đều được sấy khô để ướp thịt treo.

Một ngày, phường săn lên núi Tò Tú, ba ngày sau mới về, mang theo xác một con gấu đen và một người, là cha tôi. Cả bản vỡ òa. Con gấu được tiễn đưa lên đường để cùng cha tôi về gặp tổ tiên. Từ năm ấy nhà không còn thịt khô để ăn. Những người đàn ông vẫn đi săn, nhưng thú mang về không còn đủ để làm thịt treo từ năm này qua năm khác nữa. Thảo quả và hạt dổi thì ngày càng nhiều vì không nhiều thịt để ướp. Nhà tôi còn duy nhất một thỏi thịt nai khô. Là thịt của con nai bị săn trước cuộc đi săn cuối cùng của cha. Mẹ đã giữ lại miếng thịt nai khô cuối cùng như giữ lại món quà cuối cùng của cha. Nó được treo mãi trên gác bếp sưởi năm này qua năm khác, dẫu có đói đến mấy cũng không ai nỡ ăn. Đó được coi là tín vật cuối cùng, thành quả cuối cùng của cha dành cho mấy mẹ con.

Đến một ngày mẹ ra đi và mang theo thỏi thịt nai ấy. Mẹ về nằm với bố trên mảnh nương xa. Thỏi thịt nai khô là tín hiệu nhận nhau, nối nhau giữa bố và mẹ. Nó đã không còn mùi thịt, mùi muối, thảo quả, hạt dổi hay mùi hạt tiêu nữa, nhưng vẫn là tín hiệu cuối cùng mẹ đã giữ lại để nhớ cha. Nó đã là tín hiệu linh thiêng của cả nhà và là tín hiệu linh thiêng của bố và mẹ ở thế giới bên kia.

Giờ ngồi trước năm mới, trước thỏi thịt khô cậu út đã chủ ý vùi tro nóng, mùi thịt nai khô lại trở về. Tay ngập ngừng muốn giữ lại, giá có thể cất đi để làm của để dành như mẹ ngày xưa. Tự dưng ngẫm thấy đàn bà thật giống nhau, đều muốn gìn giữ, níu kéo những điều nhỏ nhặt mà nặng lòng để sống rồi hy vọng. Nhưng rồi lại thôi, phủi bụi, đập tro nóng và chia cho cả nhà để mừng năm mới.

Than lửa đỏ rực, đượm nồng trong không khí ấm áp đầu xuân. Ngày trước nhiều thịt ăn không hết thì ướp rồi treo để ăn dần. Giờ cũng nhiều thịt, cũng ướp rồi treo nhưng để bán. Cao nguyên của tôi, cái nơi cao hút, xa xôi nhất đã là Công viên địa chất toàn cầu và giờ thịt treo thành đặc sản yêu thích của khách du lịch. Cái món để dành ăn dần ngày trước lại được mọi người thích thú một cách lạ lùng. Bởi nó là món riêng có của chúng tôi. Nơi sương, gió và đá thì nhiều mà nước lại thiếu vô cùng này, nó đã ngấm cả thiên nhiên cùng tính cách con người miền cao. Nó là món không cần nước bổ trợ, thậm trí còn tự tiêu nước trong mình đi chỉ còn giữ lại mùi vị để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt.

Người trên cao nguyên đá không mấy ai đi xa, nhưng món thịt khô đẫm vị núi lại có thể đi khắp thế giới, không chỉ trong bàn rượu, nó ở trong lòng mọi người khi nghĩ đến cao nguyên đá.

Hoa lê nở trắng núi, hoa đào rực hồng rồi và hơi ấm của bếp lửa, của thảo quả, hạt dổi, hạt tiêu, thịt bò núi với tình người đang ấm nóng và lan tỏa trong lòng mọi người.

CHU THỊ MINH HUỆ

;
.
.
.
.
.