.

60 năm theo nghề tế lễ

.

Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Trần Quang Chánh vẫn được nhiều người mời lo giúp phần nghi lễ trong những sự kiện trọng đại như: lễ hội đình làng, lễ hội cầu ngư, lễ nhà thờ tộc…, bởi họ quý ông ở sự am tường về nghi lễ, về nhạc cụ phục vụ trong lễ. Thi thoảng ông cũng nhận lời làm ở những chỗ gần nhà cho đỡ nhớ nghề.

Phần lễ tại lễ hội đình làng trở thành nét văn hóa đặc sắc, mang giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông. Ảnh: N.H
Phần lễ tại lễ hội đình làng trở thành nét văn hóa đặc sắc, mang giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông. Ảnh: N.H

Say mê nhạc cổ

Nhà có 3 đời theo nghề tế lễ, năm 15 tuổi, ông Trần Quang Chánh đã ở trong đội Học trò gia lễ - phụ trách dâng lễ cúng trong phần nghi lễ. Những năm tháng được ông nội, rồi cha dìu dắt, ông cũng biết ít nhiều về công việc tế lễ.

Ở độ tuổi còn khá trẻ, lại vào cái thời tiếng trống hát bội cứ vang vọng mỗi đêm trong làng, lòng ông cũng nôn nao theo. Sẵn mê nhạc cổ, ông khăn gói đến nhà thầy Tư Châu (cố Nghệ nhân dân gian Nguyễn Châu) học nghề đàn ca.

Trong ký ức của ông Chánh, ngày đó, nhạc cổ, hát tuồng ở Quảng Nam - Đà Nẵng rầm rộ lắm. Bắt nguồn từ việc vùng đất này có nhiều cụ tham gia dàn nhạc cung đình, nhạc tuồng, rồi danh tiếng vang xa như: cụ Tư Nhàn, Tư Nhiên, Tám Hùng từng hòa nhạc chào đón vua Khải Định (1885-1925) trong một lần người ngự du đến đồn Nhất trên đỉnh đèo Hải Vân; được vua ngợi khen, ban thưởng, người thì bát phẩm, người thì cửu phẩm văn giai.

Từ đó, lớp con cháu trong làng tìm đến các cụ học nghề, làm dấy lên phong trào biểu diễn, nhiều gánh hát được thành lập vào những năm 1950.

Thầy Tư Châu lúc bấy giờ phụ trách dàn nhạc ở Hí trường Hòa Phát, truyền nghề cho nhiều học trò, ông Chánh là học trò lứa đầu tiên. Học với thầy Tư Châu được vài năm, ông tinh thông 4 loại nhạc cụ: trống, đàn nhị, đàn sến, kèn và cùng thầy Tư Châu đi theo đàn cho gánh hát, có khi đi tới 1-2 tháng. Đến năm 1968, chiến tranh khốc liệt, hoạt động các gánh hát hạn chế, không nhộn nhịp như trước. Thời gian sau ngày giải phóng đất nước và nhất là giai đoạn bao cấp, sự kiểm duyệt gắt gao, nhiều gánh hát giải thể.

“Tôi cũng phải quay về... Ngờ đâu cái nghề tế lễ của ông, cha truyền lại đã giúp tôi nhiều trong cuộc  mưu sinh. Cũng nhờ những năm tháng đi theo gánh hát, am hiểu nhạc cụ, sau này hỗ trợ tôi trong điều khiển nghi thức tế lễ, vì trong lễ có cả nhạc”, ông Chánh chia sẻ.

Am tường nghi lễ

Theo ông Chánh, nghề nào cũng cần có sự tận tâm. Nhưng đối với nghề tế lễ, sự tận tâm cần hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, nếu không cẩn thận trong từng bài văn tế, từng nghi thức cúng bái thì có “tội” với bậc tiền hiền, thần linh. Mỗi hình thức lễ như: lễ hội đình làng, lễ hội cầu ngư, lễ nhà thờ tộc… đều có văn tế và nghi thức cúng bái riêng.

Khi viết văn tế cho một nghi lễ tại đình làng, ông Chánh phải tìm hiểu rõ sự hình thành làng đó, nắm chính xác các vị tiền hiền, hậu hiền, các vị thần thờ tự; xác minh thông qua các bậc cao niên trong làng, dựa theo sắc phong, hương ước, bia tự… còn lưu lại ở làng.

Đối với các nghi thức cúng bái, ông không khư khư làm theo những gì mà tiền nhân để lại, mà chịu khó tìm hiểu, học hỏi những bậc tiền bối trong và ngoài địa phương để thấy được cái đúng, cái sai mà chỉnh sửa cho hợp lý. “Cái khó là văn tự cúng tế theo cổ truyền đã có từ lâu đời, người trước truyền cho người đi sau, ghi chép theo trí nhớ. Vì thế, xảy ra các trường hợp tam sao thất bản, dẫn đến sai lệch. Tôi thấy nhiều trường hợp lấy nghi thức cúng bái từ lễ cầu ngư sang cho cả lễ đình làng”, ông Chánh than phiền.

Thực hiện nghi thức tế lễ ở các lễ lớn gồm: 12 học trò gia lễ, 6 nhạc công, 3 người đánh chiêng trống, 1 người đọc văn, 1 người đọc xướng, 3 bồi bái… Mỗi người đều có một nghiệm vụ riêng, được điều khiển bởi người đọc xướng. Chẳng hạn, học trò gia lễ bước chân đi như thế nào cho đúng, các vị bồi bái để tay như thế nào, dàn nhạc đánh ra sao, có khớp với từng động tác, nghi thức của lễ… Nếu có sự kết hợp nhịp nhàng của tất cả những người này sẽ tạo nên sự đặc sắc của nghi lễ truyền thống: vừa có xướng, có nhạc, có vũ điệu (động tác, bước đi).

Hơn 60 năm làm nghề tế lễ, ông đúc kết được nhiều kinh nghiệm và cũng vì thế, khi ở cái tuổi gần đất xa trời, ông cảm thấy lo.

Ngày xưa, mỗi xóm đều có đình, có chùa nên lễ cúng diễn ra phổ biến, nhưng hầu như giúp là chính, công cán là phụ. Ngày nay, nghề tế lễ trở thành dịch vụ, cũng hái ra tiền nên người ta học qua loa rồi mở dịch vụ, nhưng lấy ai kiểm soát được họ làm đúng hay sai.

Ông cho rằng, một khi các lễ hội đình làng, lễ hội cầu ngư ngày càng được chính quyền quan tâm, nhằm khôi phục văn hóa truyền thống cha ông thì cần nhìn nhận nghiêm túc về nghi thức tế lễ trong các lễ hội này. Phải tổ chức thu thập, sưu tầm lại những bảng văn tự cúng tế từ xưa đến nay, nghiên cứu để xây dựng nghi lễ mẫu mực, đúng với truyền thống. Đây không chỉ là yếu tố tâm linh mà còn là truyền thống tốt đẹp, từng lời trong văn tế, từng động tác hành lễ đều có dụng ý của cha ông ngày xưa.

Cho chúng tôi xem những trang viết tay ông ngồi cặm cụi ghi chép lại những bài văn tế, những nghi thức, nghi lễ cúng bài, ông nói: “Ngày xưa họ hay giấu “bài”, sợ người khác biết sẽ hơn mình. Nhưng già rồi chết có mang theo được mô. Mình ngày càng lớn tuổi, sợ quên, ghi ra đây, để có ai hỏi thì mình chỉ”, ông Chánh nói.

Âu đó cũng là cái lo thường thấy của người già, cứ đau đáu sợ mất đi những giá trị truyền thống mà cha ông để lại.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.