.

20 năm ấy biết bao nhiêu tình

.

Năm 1964, khi đất nước bước vào giai đoạn khốc liệt để đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, Nguyễn Mỹ - người con của vùng đất Khu 5 kiên cường - đã cho ra đời bài thơ “ Cuộc chia ly màu đỏ”.

Lãnh đạo thành phố vinh danh 20 công dân tiêu biểu trong Lễ kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Lãnh đạo thành phố vinh danh 20 công dân tiêu biểu trong Lễ kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Bài thơ đã trở thành khúc tráng ca thiêng liêng của một thời có hàng vạn con trai, con gái tuổi xuân phơi phới, quyết vượt qua khó khăn, trở ngại, sẵn sàng hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn để lên đường chiến đấu giành lại độc lập, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh...

23 năm sau khi bài thơ của Nguyễn Mỹ ra đời, vào một sáng đầu xuân 1997, trên quảng trường Nhà hát Trưng Vương đã diễn ra cuộc chia ly làm gợi nhớ lại bài thơ của Nguyễn Mỹ, cũng “chói ngời sắc đỏ”, nhưng không phải ra chiến trường mà để Quảng Nam-Đà Nẵng trở thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương nhằm xây dựng vùng đất “địa linh, nhân kiệt” này thêm giàu, thêm đẹp.

Lễ đón tiếp các cơ quan của tỉnh Quảng Nam vào tỉnh lỵ Tam Kỳ, ngày 21-2-1997. Ảnh: NHÂN MÙI
Lễ đón tiếp các cơ quan của tỉnh Quảng Nam vào tỉnh lỵ Tam Kỳ, ngày 21-2-1997. Ảnh: NHÂN MÙI

Bởi lẽ, Quảng Nam-Đà Nẵng như “anh em ruột thịt” sâu nặng được tạo dựng theo chiều dài lịch sử của dân tộc kể từ khi cha ông ta mở mang bờ cõi.

Sự gắn bó có chiều dài lịch sử đó đã làm nên diện mạo vùng đất xứ Quảng oai hùng trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Đặc biệt trong suốt thế kỷ XX, Quảng Nam-Đà Nẵng đã trở thành nơi đầu sóng ngọn gió để đương đầu với các cuộc xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Khi đất nước hòa bình, thống nhất, công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ những năm 80 của thế kỷ trước đã mở ra nhiều cơ hội cho Quảng Nam-Đà Nẵng khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển mạnh mẽ kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân.

Vì vậy, câu hỏi lớn được đặt ra cho các nhà lãnh đạo lẫn cán bộ, nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng lúc bấy giờ là giữ nguyên “chiếc áo” mà Quảng Nam - Đà Nẵng đang mặc chung bấy lâu nhưng nay trở nên chật chội, hay làm nên hai “chiếc áo” nhằm tạo ra một sắc thái mới, một diện mạo mới, một cung bậc mới… để cùng dắt tay nhau tiến lên phía trước?

Tuyệt vời thay, cốt cách, tấm lòng của con người xứ Quảng đã thấm đẫm trong chữ tình, chữ nghĩa, đã quyện chặt với nhau từ bao đời và luôn luôn chia sẻ cho nhau những mối quan tâm, sự lo lắng, những đắng cay, ngọt bùi để quê hương ngày càng giàu đẹp, để người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thế mà “cuộc chia ly” ngày ấy, sự kiện Quảng Nam-Đà Nẵng trở thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, đến bây giờ đã tròn 20 năm!

Đôi bờ sông Hàn.  Ảnh: H.Q.TẤN
Đôi bờ sông Hàn. Ảnh: H.Q.TẤN

Riêng đối với Đà Nẵng, bức tranh toàn cảnh được tạo dựng nên suốt 20 năm qua thật ấn tượng không chỉ cho người dân nơi đây mà còn cả bạn bè trong nước và quốc tế.

Từ một thành phố thuộc tỉnh, Đà Nẵng đã nhanh chóng triển khai quá trình chỉnh trang đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, sắp xếp lại dân cư, thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống người dân.

Với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Đà Nẵng tiến hành những bước đột phá được cho là vô cùng lớn nhưng đầy khó khăn, thử thách vì động chạm đến cuộc sống của mọi người, mọi nhà, như: giải phóng hàng trăm nhà chồ dọc hai bờ sông Hàn và mở đường, xây dựng các khu dân cư, khu đô thị mới, khu công nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội. Cuộc sắp xếp, chỉnh trang này trực tiếp liên quan đến hơn 120.000 hộ dân với mấy trăm ngàn nhân khẩu.

Nhưng “ý Đảng, lòng dân” đã hòa quyện tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn, là nhân tố quan trọng để Đà Nẵng bứt phá đi lên. Nhiều chương trình lớn như “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, rồi “Thành phố 4 an”… đã tạo sự đồng thuận tham gia tích cực của toàn dân, góp phần tạo nên thành phố yên bình.

Cùng với cầu Sông Hàn, cầu Rồng đã rút ngắn đôi bờ sông Hàn, tạo ra sự phát triển kinh tế cho vùng đất Sơn Trà.  Trong ảnh: Khánh thành cầu Rồng, ngày 29-3-2013.  Ảnh: ĐẶNG NỞ
Cùng với cầu Sông Hàn, cầu Rồng đã rút ngắn đôi bờ sông Hàn, tạo ra sự phát triển kinh tế cho vùng đất Sơn Trà. Trong ảnh: Khánh thành cầu Rồng, ngày 29-3-2013. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Một trong những biểu trưng của tinh thần cao đẹp về “ý Đảng, lòng dân” đó chính là việc xây dựng chiếc cầu Sông Hàn để “bên ni, bên nớ” gần lại nhau hơn, gắn bó nhau hơn. Rồi cũng từ kết quả đó, Đà Nẵng đã tiến hành xây dựng hàng loạt cây cầu như: cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Tiên Sơn, cầu Cẩm Lệ, cầu Đò Xu, cầu Nguyễn Tri Phương…, để khơi dậy tiềm năng bờ đông sông Hàn phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, nhiều khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp hình thành, thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch khắp nơi về với Đà Nẵng.

Đánh giá cao tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và tầm vóc của Đà Nẵng sau 6 năm chia tách đối với cả nước và khu vực, Bộ Chính trị (khóa IX) đã vào Đà Nẵng chứng kiến sự đổi thay ngoạn mục và có cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố và ngày 16-10-2003 ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW nhấn mạnh:

“Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh của khu vực miền Trung và cả nước…”.

Đấy là động lực mạnh mẽ để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng vận dụng linh hoạt, sáng tạo các cơ chế, chính sách của Trung ương; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực của địa phương, lựa chọn đúng và chỉ đạo thực hiện có kết quả những vấn đề lớn, mang tính đột phá trong công tác tổ chức thực hiện trong suốt những năm qua và những năm tiếp theo.

Không dừng lại ở những kết quả đạt được, Đà Nẵng muốn tiếp tục vươn lên mạnh mẽ hơn nữa.  
Và tín hiệu vui lại đến vào cuối năm 2016 vừa qua, nhân chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Chính phủ ban hành Nghị định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố. Đó chắc chắn sẽ là chìa khóa cho Đà Nẵng tháo gỡ những “nút thắt” trong quá trình xây dựng và phát triển, để có thêm nguồn sức mạnh về nhân lực, trí lực, tài lực…, nhanh chóng làm nên một Đà Nẵng đầy màu sắc và ấn tượng trong thời gian không xa.

Sau 20 năm phát triển, đô thị Đà Nẵng ngày càng khang trang, hiện đại. Trong ảnh: Vệt đô thị ven biển đường Trường Sa. Ảnh: Đỗ Hữu Tiến
Sau 20 năm phát triển, đô thị Đà Nẵng ngày càng khang trang, hiện đại. Trong ảnh: Vệt đô thị ven biển đường Trường Sa. Ảnh: Đỗ Hữu Tiến

Đặc biệt, ngay trong năm 2017, Đà Nẵng sẽ là nơi đại diện Việt Nam đón tiếp các nhà lãnh đạo kinh tế hàng đầu thế giới cùng hàng ngàn quan chức cấp cao dự Hội nghị cấp cao lần thứ 25 Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đây là dịp Đà Nẵng thể hiện sự năng động, sáng tạo, là thành phố sự kiện với cơ sở hạ tầng phát triển, những con người thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế một cách sâu sắc nhất.

Như nắng sớm xuân về với quê hương ta vậy! Đà Nẵng giờ đây như bức tranh đầy quyến rũ và những người dân nơi đây đang góp công góp sức để cùng Đảng bộ và chính quyền thành phố tiếp tục vẽ nên những nét chấm phá cho từng con đường, góc phố, từng làng nghề ven biển, từng xóm quê xa xôi, hay trong mỗi căn nhà ấm cúng… thêm đẹp, thêm xinh.

…Và cũng chừng ấy thời gian, cùng với người anh em Đà Nẵng thắm thiết, Quảng Nam đã phát huy tiềm năng vốn có, từng bước đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm, không ngừng chăm lo cải thiện đời sống người dân, xây dựng thế trận quốc phòng-an ninh vững chắc.

…Và “cuộc chia ly” ngày ấy giữa Quảng Nam và Đà Nẵng thấm thoát đã tròn 20 năm, nhưng trong mỗi người dân trên vùng đất này vẫn gắn bó, vẫn chia ngọt sẻ bùi cho nhau và vẫn tươi nguyên cảm xúc như “không hề có cuộc chia ly”!

… Và đó cũng là cách để “cuộc chia ly” ngày ấy càng thêm “nắng vàng lên rực rỡ” trên quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng anh hùng!

Thế mà “cuộc chia ly” ngày ấy, sự kiện Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, đến bây giờ đã tròn 20 năm!

Riêng đối với Đà Nẵng, bức tranh toàn cảnh được tạo dựng nên suốt 20 năm qua thật ấn tượng không chỉ cho người dân nơi đây mà còn cả bạn bè trong nước và quốc tế.

“Cuộc chia ly” ngày ấy giữa Quảng Nam và Đà Nẵng thấm thoát đã tròn 20 năm, nhưng trong mỗi người dân trên vùng đất này vẫn gắn bó, vẫn chia ngọt sẻ bùi cho nhau và vẫn tươi nguyên cảm xúc như “không hề có cuộc chia ly”!

LÊ MINH HÙNG

;
.
.
.
.
.