.

Se duyên tình hữu nghị

.

Phần lớn người dân đất nước Mặt trời mọc tin rằng, trong suốt cuộc đời, dù chỉ một lần được đến thăm chùa Đông Đại (Todaiji) ở thành phố Nara, ngôi cổ tự bằng gỗ rất đồ sộ, được đứng dưới tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất thế giới sẽ mang lại nhiều may mắn, cuộc sống thêm hạnh phúc và viên mãn. Điều thú vị là những năm qua, các đại đức, chư tăng chùa Đông Đại không quản ngại cách trở địa lý và ngôn ngữ, vượt hàng ngàn kilomet để cùng se mối giao duyên bền chặt với chùa Quán Thế Âm - thành phố Đà Nẵng, tôn lên nét đẹp trong giao lưu văn hóa, góp phần thúc đẩy quan hệ Đà Nẵng-Nhật Bản phát triển toàn diện hơn.

Đại đức Sagawa Fumon (thứ 6, bìa trái) chụp ảnh với đoàn công tác thành phố đến thăm chùa. 		 Ảnh: VIỆT DŨNG
Đại đức Sagawa Fumon (thứ 6, bìa trái) chụp ảnh với đoàn công tác thành phố đến thăm chùa. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thăm tượng Phật ở xứ sở Phù Tang

Cách thành phố Osaka hơn 1 giờ 30 phút đi ô-tô, chúng tôi có dịp đến thăm chùa Đông Đại trong thời tiết Nhật Bản chớm chuyển sang mùa thu, trời se lạnh, lá cây rợp sắc vàng và đỏ trong ánh nắng ban mai. Với tình cảm đặc biệt dành cho những vị khách đến từ Đà Nẵng, Đại đức Sagawa Fumon, trụ trì đời thứ 222 của chùa, cùng môn đệ dẫn đoàn đi thăm tượng Phật tại Đại Phật điện và kể về lịch sử ra đời ngôi cổ tự. Trong tín ngưỡng người dân xứ sở Phù Tang, chùa Đông Đại luôn là chốn Phật pháp rất linh thiêng của Vương quốc cổ Nara. Bởi, bằng đức tin của mình, rất nhiều người dân Nhật Bản đã chung tay ủng hộ và đóng góp công sức, tiền của xây dựng ngôi chùa cách đây đã gần 13 thế kỷ. Để xây dựng Đại Phật điện (Daibutsu-den) và bức tượng Phật Tỳ Lô Giá Na, Thiền sư Gyoki và môn đệ đã chu du khắp Nhật Bản, kêu gọi dân chúng phát tâm cúng dường.

Theo sử liệu còn lưu lại ở Đông Đại tự, đã có 2,6 triệu người Nhật Bản thành tâm cúng dường. Ngôi đại điện được xây hoàn toàn bằng gỗ, có diện tích gần 3.000m2, cao 49m. Điểm nhấn của đại điện có rất nhiều trụ gỗ làm cột rất to và cao chót vót, phải 3 người ôm mới hết. Bức tượng Tỳ Lô Giá Na đặt ngay giữa Đại Phật điện được chia làm tám phần, đúc trong vòng 3 năm, cao hơn 16m. Trong đó, khuôn mặt tượng cao 4,8m, rộng 3m, tai dài 2,4m. Tổng trọng lượng của pho tượng ước nặng khoảng 500 tấn đồng, mặt trước và sau tượng có dát vàng. Trong khuôn viên chùa, trải dài 1 cây số theo suốt trục Bắc-Nam và Đông-Tây tính từ Đại Phật điện là hàng loạt công trình khác, gồm các điện và kho báu, trong đó có bảy công trình là Di sản quốc gia Nhật Bản.

Đại đức Sagawa Fumon kể, lúc đầu việc đúc tượng thực hiện ở tỉnh Shigaraki, nhưng sau vài lần bị hỏa hoạn kèm theo động đất nên đã dời về thành phố Nara năm 745 và hoàn thành vào năm 751. Năm 752, lễ khánh thành và điểm nhãn tượng Đại Phật Tỳ Lô Giá Na được tổ chức linh đình, thu hút hơn 10.000 người tham dự. Chủ lễ điểm nhãn tượng là vị sư Ấn Độ Bodhisena. Phụ trách nhã nhạc và nghi lễ chính là vị cao tăng Việt Nam tên Phật Triết, đến Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ VIII theo lời mời của Thiên hoàng Shomu. Phật Triết sau này được tôn vinh là người đã đưa các nghi lễ Phật giáo ảnh hưởng sâu rộng đến Nhật Bản. Ông cũng chính là người đặt nền móng cho mối quan hệ Phật giáo, giúp kết nối Việt Nam và Nhật Bản từ xa xưa.

Theo ghi chép của các đời cao tăng Nhật Bản truyền lại cho đến ngày nay, chùa Đông Đại được xây dựng vào thời điểm ảnh hưởng của Phật giáo đang ở đỉnh cao, giữ vai trò quốc đạo. Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất và là một thắng cảnh du lịch tuyệt vời của Nhật Bản bên cạnh núi Phú Sĩ hùng vĩ. Bởi khí hậu ở thành phố Nara quanh năm mát mẻ, cảnh đẹp thiên nhiên hầu như được giữ nguyên vẹn và không bị xâm hại. Điều quyến luyến du khách là hàng trăm con hươu sao được nuôi dưỡng, chăm sóc cẩn thận trong khuôn viên chùa, mang lại tâm thế thư thái, gần gũi với thiên nhiên khi khách thập phương đến thăm chùa. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, khi Nhật Bản thúc đẩy phát triển du lịch, với sức thu hút kỳ lạ, chùa Đông Đại trở thành điểm du lịch tâm linh rất lớn của vùng Kansai. Chùa được UNESCO xếp hạng Di sản văn hóa thế giới. Hằng năm, chùa thu hút gần 3 triệu lượt du khách, chủ yếu là người Nhật Bản và các nước châu Á theo đạo Phật.

Thúc đẩy trao đổi văn hóa Đà Nẵng - Nhật Bản

Để tiếp tục nối dài mối quan hệ Phật giáo có lịch sử từ thời Phật Triết cách đây hơn 1.260 năm, những năm gần đây, các nhà sư chùa Đông Đại và chùa Quán Thế Âm thường tổ chức các đoàn hành hương, thăm hỏi để thúc đẩy giao lưu văn hóa Phật giáo giữa hai đất nước. Trong lần thứ ba đến Đà Nẵng vào cuối tháng 10-2016, 34 chư tôn đức, tăng ni Phật tử của chùa Đông Đại do trụ trì Sagawa Fumon dẫn đầu làm lễ chú nguyện, gia trì và giao lưu với các nhà sư chùa Quán Thế Âm. Đặc biệt, chùa Đông Đại tặng chùa Quán Thế Âm và Công viên Văn hóa Việt-Nhật bức tượng Phật “Thập nhất diện Quan Âm” bằng đồng. Bức tượng này vốn là phiên bản quốc bảo của Nhật Bản.

Nói về kỷ niệm sâu sắc, đánh dấu quan hệ rất tốt đẹp giữa hai ngôi chùa của hai đất nước, Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm cho hay, với tư cách là người chịu trách nhiệm dự án xây dựng chính điện mới của chùa Quán Thế Âm, tháng 9-2010, Thượng tọa cùng Sở Ngoại vụ và ông Masami Nakamura, một người Nhật Bản sinh sống lâu năm tại Đà Nẵng có chuyến hành hương đến thăm các chùa Nhật Bản nhằm học tập nền văn hóa Phật giáo phát triển lâu đời của nước này. Trong chuyến đi này, đoàn đã đến thăm Đông Đại tự và trao đổi Phật học với Đại đức trụ trì Sagawa. “Tôi đã vô ý thất lễ khi đề cập đến chuyện mượn bức tượng Phật “Thập nhất diện Quan Âm” để hành lễ trong lễ khánh thành chính điện mới của chùa Quán Thế Âm. Nói thất lễ bởi bức tượng là quốc bảo của đất nước Nhật Bản!”, Thượng tọa Thích Huệ Vinh chia sẻ.

Theo Đại đức Sagawa Fumon, quy định ở Nhật Bản, quốc bảo chỉ có thể được đặt ở những nơi được quy định trong Luật Bảo tàng Nhật Bản chứ không được đem đi bất kỳ nơi nào khác. Tuy nhiên, đáp lại ý nguyện của Thượng tọa Thích Huệ Vinh và đặc biệt nhằm đáp lại công ơn của Phật Triết, ngày 26-10-2016, trong lần thứ hai thăm Đà Nẵng và chùa Quán Thế Âm, trụ trì Sagawa có ý định tặng bức “Thập nhất diện Quan Âm” đúc tại Nhật để thay thế cho quốc bảo. Qua đó đóng góp thêm một phần vào quan hệ về mặt tinh thần - Phật giáo giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản.

Bảo sao bức tượng “Thập nhất diện Quan Âm” cao 88cm, nặng 33kg, được nhà điêu khắc nổi tiếng Mizushima Iwane đúc từ phiên bản bức tượng “Thập nhất diện Quan Âm” - tượng Phật được vị sư Ấn Độ Bodhisena cùng cao tăng Việt Nam Phật Triết thỉnh từ Ấn Độ sang và trở thành quốc bảo Nhật Bản. Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm cho biết món quà đặc biệt này không chỉ mang tính chất tâm linh mà còn mang ý nghĩa sâu sắc, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các chư tăng, giáo phẩm hai bên. Khi trao bức tượng này, Đại đức Sagawa Fumon nói: “Tôi cầu chúc cho quan hệ giao lưu Phật giáo hai quốc gia thịnh vượng, thế giới hòa bình, chúng sinh mọi sự an bình và cầu chúc mối quan hệ giao lưu Việt-Nhật ngày càng phát triển”.

GS, TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nhật thành phố Đà Nẵng khẳng định, trong những năm qua, hoạt động giao lưu nhân dân giữa Đà Nẵng và các địa phương của Nhật Bản diễn ra phong phú với nhiều hình thức. Ngoài các chương trình “Ngày hội văn hóa Nhật Bản tại Đà Nẵng”, “Giao lưu văn hóa Việt Nam-Nhật Bản”, “Đêm hòa nhạc Việt-Nhật”… việc các nhà sư chùa Đông Đại và chùa Quán Thế Âm tổ chức các đoàn hành hương, thăm hỏi là một trong những hoạt động tạo sự tin cậy, góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị, giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân thắm tình hữu nghị giữa thành phố Đà Nẵng với nhiều địa phương vùng Kansai của Nhật Bản. Đây chính là sợi dây liên kết rất ý nghĩa và bền chặt để thúc đẩy quan hệ Đà Nẵng-Nhật Bản trở nên gần gũi và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, nhất là tạo chất xúc tác để thúc đẩy hợp tác đầu tư phát triển kinh tế, thu hút du khách Nhật Bản đến Đà Nẵng ngày càng nhiều.

VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.