.

Vẳng tiếng loa xưa

.

Thành Điện Hải, dấu vết quá khứ còn lưu lại sau trận thắng duy nhất của quân dân cả nước ta trong buổi đầu đánh Pháp, sẽ được khởi công bảo tồn, tu bổ, phục hồi trong năm Đinh Dậu – 2017.

Thành Điện Hải trên bưu thiếp thời Pháp thuộc. (Ảnh tư liệu)
Thành Điện Hải trên bưu thiếp thời Pháp thuộc. (Ảnh tư liệu)

Thành Điện Hải là thành trì cuối cùng của quân và dân Đà Nẵng trong chiến thuật cầm chân và gây thiệt hại cho liên quân Pháp – Tây Ban Nha ở trận đầu “chạm trán” với tàu đồng đạn sắt của phương Tây đầu tháng 9-1858.

“Nhân chứng” lịch sử

Thành Điện Hải ban đầu có tên là đài Điện Hải, được đắp ở tả ngạn sông Hàn nhằm kiểm soát tàu thuyền, trấn giữ cửa biển Đà Nẵng. Đến năm Minh Mạng thứ tư (1823), đài được dời vào chỗ di tích hiện nay với thành cao hào sâu, mở 3 cửa, dựng một kỳ đài và 30 pháo đài. Năm Minh Mạng thứ mười lăm (1835), đài được đổi tên thành thành Điện Hải. Đến năm Thiệu Trị thứ bảy (1847), thành được xây dựng lại theo kiểu thành vauban châu Âu, lưu dấu tích cho đến ngày nay.

Rạng sáng 1-9-1858, đại bác từ tàu chiến liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ vang trên cửa biển Đà Nẵng. Trước hỏa lực hùng hậu của quân xâm lược, quân ta dù quyết giữ thành Điện Hải nhưng đành phải rút lui sau khi quân giặc phá được mé thành phía tây và tràn vào. Tuy chiếm được thành, nhưng quân giặc luôn ở thế bị động.

Khi Khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương được triều đình điều vào Quảng Nam làm Tổng đốc quân thứ, ông áp dụng chiến thuật phục binh đánh bất ngờ làm tiêu hao lực lượng quân giặc, ngăn chặn đường tiến binh và bẻ gãy các đợt tấn công với ý đồ “đánh nhanh thắng nhanh” của chúng. Cuối cùng, để tránh “sa lầy” bởi chiến thuật trường kỳ kháng chiến của quân và dân ta, quân giặc đành rút vào Gia Định, bỏ lại “một tháp hài cốt chứa nghìn thánh giá” trên bán đảo Sơn Trà.

Gần 160 năm trôi qua, dấu tích các thành lũy trong trận chiến xưa đã mai một, chỉ còn mỗi thành Điện Hải, nhờ được xây dựng kiên cố nên còn lưu dấu cho đến giờ cùng với 11 cỗ súng thần công trong tổng số “107 cỗ, chia đặt ở đài Điện Hải” vào năm Minh Mạng thứ tư theo ghi chép của sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (Quyển 254, trang 287 - 288). Những cỗ súng ngày nay có tên là đại bác này là “nhân chứng” cho bản anh hùng ca của quân và dân Đà Nẵng trong buổi đầu chống quân xâm lược đến từ phương Tây. Vì vậy, UBND thành phố Đà Nẵng đã có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Bộ sưu tập súng thần công hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng là bảo vật quốc gia.

Ngoài một số di tích vật thể hiếm hoi còn lại, người Đà Nẵng đã biết cách phục dựng chiến công đẩy lùi quân xâm lược bằng máu xương của lớp lớp anh hùng nghĩa sĩ năm xưa qua những cuộc hội thảo khoa học diễn ra ở Đà Nẵng bắt đầu từ mốc kỷ niệm 140 năm trận đầu đánh Pháp (1858-1998). Sự kiện người Đà Nẵng thay mặt cả nước và cùng cả nước đánh Pháp trận đầu đã đi vào tâm thức của con dân Việt bằng niềm tự tôn dân tộc. Riêng với các nhà nghiên cứu, họ đã lật từng trang sách xưa, soi từng viên gạch cũ để cho ra đời hàng trăm tham luận nhằm góp từng nét cọ “vẽ” lại toàn cảnh cuộc chiến “châu chấu đá xe” năm xưa.

Tiếng loa xưa trên thành cũ

Nhìn lại di tích xưa, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng không khỏi ngậm ngùi: “Tiếc rằng, trong một thời gian rất dài, do nhiều nguyên nhân khác nhau, di tích cấp quốc gia Thành Điện Hải chẳng những không được coi trọng mà còn bị xâm hại nặng nề. Điều đáng buồn là không chỉ người dân và cả một số cơ quan Nhà nước cũng xâm hại di tích, xâm hại cả vùng bảo vệ II lẫn vùng bảo vệ I (theo Luật Di sản văn hóa thì vùng bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích; vùng bảo vệ II là vùng tiếp giáp với vùng bảo vệ I ra phía bên ngoài tối thiểu 50m). Điều này làm cho những người nặng lòng với di sản của cha ông để lại, cảm thấy xót xa, đau lòng”.

Giờ đây, với dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi Thành Điện Hải, những ai nặng lòng với di sản của cha ông để lại sẽ không cảm thấy xót xa, đau lòng nữa. Theo Công văn số 4302/VP-QLĐTư ngày 9-11-2016 của Văn phòng UBND thành phố về việc “liên quan đến Bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích Thành Điện Hải và Khu tái định cư phục vụ dự án Thành Điện Hải”, lãnh đạo thành phố thống nhất chủ trương quy hoạch chia lô khu đất Xưởng in của Cục Chính trị (5.000m2 ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu) để xây dựng khu dân cư phục vụ bố trí tái định cư 54 hộ dân trong khu vực di tích; dừng xây dựng công trình Kho Lưu trữ thành phố để trả lại cảnh quan cho di tích.

Dự án sẽ được triển khai từng bước. Năm 2017, tiến hành giải phóng mặt bằng, di dời 54 hộ dân đến địa điểm mới. Năm 2018, xây dựng dự án khôi phục toàn bộ tường thành và hào rãnh theo nguyên trạng (hiện nay toàn bộ tường thành và hào rãnh phía tây và một phần phía bắc bị xâm hại).

Ông Hùng cho biết thêm: “Bên trong nền thành, chúng tôi đề nghị cho phục dựng lại một số công trình thiết yếu khi xưa như nhà chỉ huy, trại lính, tháp canh, vị trí đặt súng thần công... Cùng với đó, đề án cũng tính đến việc phục dựng cảnh sinh hoạt ở thành Điện Hải xưa như: tổ chức canh gác, sẵn sàng chiến đấu của quan quân nội thành trong trang phục đương thời”.

Thành Điện Hải rồi đây sẽ được “hồi sinh”, có thể xem như một “bản sao” của quá khứ, đáp ứng tốt nhu cầu học tập, nghiên cứu của mọi người, kể cả phục vụ khách tham quan, du lịch. Lúc đó, chừng như còn nghe vẳng tiếng hô chỉ huy của các danh tướng Nguyễn Tri Phương, Lê Đình Lý, hay tiếng loa của lính canh trên thành: Trên chòi cao, tự ngàn năm sực tỉnh/ Trong giăng khuya bỗng vẳng tiếng loa mo… Lòng ta là những hàng thành quách cũ/ Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa (Vũ Đình Liên).

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.