.

Triều Nguyễn - cảm nhận đa chiều (kỳ 1)

Trong hai ngày 18 và 19-10-2008, tại thành phố Thanh Hóa đã diễn ra Hội thảo quốc gia “Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút hơn 400 nhà khoa học trên cả nước và quốc tế tham dự.

Trong lời khai mạc Hội thảo, GS Sử học Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã đề xuất những vấn đề tích cực lẫn hạn chế của Vương triều Nguyễn để các nhà khoa học tranh luận như quan hệ Chúa Nguyễn – Tây Sơn và công lao thống nhất đất nước; Hành động cầu viện Xiêm của Nguyễn Ánh; Trách nhiệm của triều Nguyễn dẫn đến mất nước hoàn toàn vào năm 1885…  Nhân dịp này, nhà sử học Nguyễn Quang Trung Tiến,  Đại học Khoa học Huế đã có bài viết dành riêng cho bạn đọc Báo Đà Nẵng.

Viết về triều Nguyễn, không biết nên bắt đầu từ đâu cho phải nhẽ; bởi mãi đến hôm nay vẫn còn khá nhiều vấn đề liên quan đến họ Nguyễn chưa được nhìn nhận nhất quán trong học giới và trong nhận thức của dân gian.

Vào mùa đông của 450 năm trước (1558), Nguyễn Hoàng khởi đầu việc xây dựng sự nghiệp của họ Nguyễn khi bước chân vào trấn nhậm vùng Thuận Hóa - Quảng Nam. Những mâu thuẫn trong gia tộc về quyền lợi chính trị cá nhân đã biến anh rể - em vợ thành thù địch, để rồi cả đất nước bị cuốn vào cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn tàn khốc, triền miên suốt nhiều năm trời. Hệ quả là từ bắc sông Gianh trở ra thành vương quốc Đàng Ngoài do Chúa Trịnh cai trị; từ nam sông Gianh trở vào cũng một vương quốc riêng với tên gọi Đàng Trong do Chúa Nguyễn cai quản. Hai tập đoàn Trịnh - Nguyễn trở thành tội nhân chia cắt đất nước suốt hai thế kỷ (từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII).

Thế nhưng, trong khi họ Trịnh ít biểu hiện những đóng góp vào lợi ích lâu dài của quốc gia; thì các Chúa Nguyễn lại tỏ ra biết kế tục sự nghiệp của tiền nhân thời Lý-Trần-Lê, đẩy mạnh công cuộc khẩn hoang về phương Nam để lần lượt sáp nhập lãnh thổ Đàng Trong với khu vực cư trú của các cộng đồng dân tộc khác, đem phần đất đai còn lại ở Nam Trung bộ và Nam bộ nhập chung vào cương vực của Xứ Đàng Trong. Việc làm của họ Nguyễn dĩ nhiên xuất phát từ động cơ trước hết vì mình, nhưng động cơ đó lại phù hợp với xu thế của lịch sử và lợi ích lớn lao của cộng đồng các dân tộc Việt Nam về sau; vì thế lịch sử ghi nhận công lao của họ Nguyễn, đồng thời cái nhìn của lịch sử về Chúa Nguyễn cũng dần không còn khe khắt như trước.

Cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn tưởng chừng không có hồi kết thúc, thì Khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ năm 1771 đem đến nguồn sinh khí mới cho dân tộc; kết quả là sông Gianh đã được “lấp bằng”, giang sơn lại quy về một mối dưới triều đại Tây Sơn. Chính sự hợp nhất lãnh thổ kịp thời đó đã thổi bùng sức mạnh của dân tộc, tạo nền tảng vững chắc để nhà Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ - Quang Trung lần lượt đuổi Xiêm trong Nam (1784-1785), phá Thanh ngoài Bắc (1788-1789), bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc.

Trước những đóng góp của Tây Sơn cho sự thống nhất lãnh thổ (xin nhấn mạnh là chỉ mới thống nhất lãnh thổ), sự vẹn toàn nền độc lập của quốc gia; họ Nguyễn từ chỗ có công lao mở đất phương Nam lại tự mình dựng lên một hình ảnh nhỏ nhen, ích kỷ với lịch sử dân tộc khi tiến hành cuộc chiến chống Tây Sơn bằng mọi giá [Nguyễn Ánh đã trực tiếp cầu viện quân Xiêm (1784) và thông qua giáo sĩ Pigneau de Béhaine ký Hiệp ước Versailles (1787) với triều đình Pháp do Hoàng đế Louis XVI đứng đầu.
 
Kết quả là 5 vạn quân Xiêm sang xâm lược Việt Nam; còn nước Pháp thì tuy không thi hành hiệp ước do Cách mạng 1789 bùng nổ làm sụp đổ chế độ phong kiến Pháp, nhưng miệng tiếng về sự cầu viện của Nguyễn Ánh không thể chối bỏ]. Đây là mấu chốt của một số đánh giá xưa nay về những tiêu cực của họ Nguyễn và những đóng góp lớn lao của Tây Sơn; từ đó xem sự thắng lợi của họ Nguyễn trước Tây Sơn để dựng nên vương triều Nguyễn từ 1802 là một oan khiên của lịch sử, tiêu cực thắng tích cực (!)

Tuy nhiên, thực tế nội bộ Tây Sơn sau khởi nghĩa thắng lợi đã không đoàn kết, chính sách cai trị không thực thi đồng bộ trên cả nước, quyền lực bị phân chia, 3 bộ máy chính quyền được duy trì ở 3 vùng,  sự cát cứ được tái lập, bộ phận lãnh đạo thiếu người có năng lực trị nước và thoái hóa, biến chất, gây mất lòng dân trầm trọng (nhất là giai đoạn sau khi vua Quang Trung mất năm 1792)...

Đó là những yếu điểm của Tây Sơn trước lịch sử, nên công cuộc phục hưng của họ Nguyễn tuy không xóa nổi tì vết cầu viện ngoại bang, vẫn nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của số đông quần chúng đang khát vọng thống nhất đất nước toàn diện, được ổn định sản xuất và đời sống. Nhờ vậy, họ Nguyễn đã có sự chuyển hóa từ vị thế tiêu cực sang vị thế tích cực trước lịch sử khi nhà Tây Sơn bước vào buổi xế chiều.

Sự nghiệp thống nhất sau hai trăm năm đất nước bị chia cắt, chiến tranh đẫm máu được dấy lên từ khởi nghĩa Tây Sơn năm 1771, để rồi kết thúc có hậu khi triều Nguyễn được thành lập vào năm 1802. Mọi trở lực của sự thống nhất đã bị Tây Sơn phá bỏ, để trên nền tảng đó, nhà Nguyễn đã huy động sức mạnh của cả dân tộc xây nên ngôi nhà chung Việt Nam thống nhất bền vững muôn đời.

Là triều đại nối tiếp Tây Sơn hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước, nhưng suốt thế kỷ XIX, nhà Nguyễn luôn chịu điều tiếng là đã không tạo nên được sự thái bình, thịnh trị cho đất nước ở giai đoạn đầu như nhiều triều đại khác trong lịch sử. Bằng chứng là “khởi nghĩa nông dân” bùng nổ dữ dội và thường xuyên. Định kiến này thật thiếu công bằng với triều Nguyễn, bởi nếu thống kê thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa (như Lê Văn Khôi, Cao Bá Quát, Đoàn Hữu Trưng...) thì sẽ thấy rất nhiều cuộc không phải là khởi nghĩa nông dân thuần túy.

Vậy tại sao “khởi nghĩa” chống Nguyễn nổ ra nhiều đến thế? Đó là do nhà Nguyễn ra đời trong bối cảnh đất nước trải qua hai trăm năm nội chiến, phe phái chính trị xuất hiện liên tục và xác lập thế lực (Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn và cả Tây Sơn), tranh quyền đoạt vị lẫn nhau, tâm lý thống nhất quyền lực bị chống đối; vì thế ngay từ thời Gia Long đã có nhiều cuộc nổi dậy chống triều Nguyễn, rồi các vị vua kế nhiệm gồm Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cũng phải thường xuyên đối đầu với các cuộc nổi dậy.

Chưa có triều đại nào ngay từ đầu phải hứng chịu sự bất phục của nhiều phe phái chính trị lớn như triều Nguyễn, vì thế sự chống đối không đơn thuần chỉ riêng khởi nghĩa nông dân! Bức tranh chính trị phức tạp đó của xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX nếu không được nhận diện đúng mức, rất dễ có những phán xét thiên lệch về những nỗ lực của triều Nguyễn trong ổn định sản xuất và đời sống nhân dân. (Còn nữa)

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN (Đại học Khoa học Huế)
                                                      

;
.
.
.
.
.