1. Hai tiếng chan hòa một tiếng vang!
Một buổi sáng đẹp trời cuối năm 2009, tôi tìm đến thăm giáo sư Lâm Quang Huyên trong một ngôi nhà khá đẹp và yên tĩnh giữa Sài Gòn náo nhiệt. Nghe con dâu báo, giáo sư dừng việc nghiên cứu để tiếp tôi. Khi biết tôi là người cùng quê, lại là một trong những người tham gia biên soạn và xuất bản tập sách “Lâm Quang Thự - Người con xứ Quảng” ông có vẻ rất vui.
Ông Lâm Quang Huyên và các cán bộ lãnh đạo Hòa Vang thời chống Pháp. (Ảnh tư liệu) |
Ai ở Đà Nẵng cũng đều biết tiếng tộc Lâm ở làng Cẩm Toại, thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang - một dòng họ khoa cử, có truyền thống yêu nước và cách mạng. Từ cơ duyên làm sách về Lâm Quang Thự, tôi hầu như biết cả 3 người con trai của cụ là những nhà khoa học lớn: Lâm Quang Huyên, Tiến sĩ Ngữ văn Lâm Vinh và Giáo sư, Tiến sĩ chuyên ngành vật lý Lâm Quang Thiệp. Tuy nhiên, tôi thật sự bất ngờ khi biết Phó Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế Lâm Quang Huyên từng là người trẻ nhất giữ chức Bí thư Huyện ủy Hòa Vang từ 60 năm trước, lúc ông 22 tuổi!
Quê hương trong ông Huyên là những kỷ niệm đẹp thời còn đi học trường Con trai ở Đà Nẵng; là bước đăng trình tại trường Quốc học Huế; là cuộc đi bộ lịch sử từ Huế về Đà Nẵng cho kịp dịp vận động cướp chính quyền tại Hòa Vang vào tháng Tám năm 1945 cùng các anh Lê Hoàng, Lê Đình Siêu, Ngô Phú… Khi nghe tôi đùa: “Bác là người giữ kỷ lục lâu nhất: Bí thư Huyện ủy trẻ nhất của Đảng bộ Hòa Vang cho đến lúc này!” thì ông cười và nói: “Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, mình làm Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc Hòa Vang kiêm Phó Ban bình dân học vụ. Năm 1948, lúc mình tròn 20 tuổi thì được bầu Huyện ủy viên, năm 1949 là Phó Bí thư huyện. Đại hội Đảng bộ Hòa Vang tháng 5 năm 1950, được bầu làm Bí thư Huyện ủy Hòa Vang!”. Trong khi nói chuyện, ông luôn nhắc về Hòa Vang như cách nói của ông: “Hai tiếng chan hòa một tiếng vang!”.
Lâm Quang Huyên làm Bí thư trong thời kỳ khó khăn nhất, nhân dân mất mùa, tình trạng đói kém diễn ra nhiều nơi, nhất là vùng Trung của Hòa Vang; lại thêm thực dân Pháp tiến hành dồn dân và đánh phá ác liệt phong trào cách mạng tại đây. Vì vậy, “Chúng tôi vừa vận động nhân dân nhường cơm xẻ áo cho nhau, vừa đề nghị tỉnh cứu trợ. Để giữ vững phong trào, tôi và anh Đinh Lư vẫn bám trong dân để hoạt động. Tôi nhớ, lúc bấy giờ, tại Hòa Vang có Tiểu đội du kích xã Hòa Tiến do anh Đặng Điền phụ trách. Anh Điền có sáng kiến làm hầm bí mật có nắp bằng khung gỗ vừa 1 người rúc, rất tiện lợi và địch khó phát hiện. Thấy hay, tôi chỉ đạo các cấp ủy địa phương làm nhiều hầm bí mật loại này để cán bộ và du kích có thể bám trong dân tiếp tục hoạt động.
Hầm bí mật đó của Hòa Vang, sau được nhân rộng khắp tỉnh!”. Giáo sư Huyên say sưa nói về quê hương, về những người nông dân chân chất thường nhường cơm, xẻ áo cho nhau lúc khó khăn; về những cánh đồng kháng chiến dưới bom cày, đạn xới ở tây bắc Hòa Vang; về những trận phục kích trên đèo Hải Vân làm lật nhào một đoàn xe quân sự của Pháp; là sự rút quân “vào lòng dân tây bắc Hòa Vang” thần kỳ của Nguyễn Bá Phát… Đau đáu một lòng với quê, anh em ông đã có nhiều hoạt động thiết thực như: xây dựng khu lưu niệm hai cụ Lâm Nhĩ, Lâm Quang Tự - những nhân sĩ yêu nước trong phong trào Duy Tân. Mới đây, ông vui mừng báo với tôi gia đình vừa nhận được quyết định của UBND thành phố Đà Nẵng cho đổi tên Trường tiểu học Hòa Phong thành Trường Lâm Quang Thự - một đại biểu Quốc hội đầu tiên của Quảng Nam-Đà Nẵng, người có những trước tác đặc sắc về văn hóa Quảng và Quốc hội Việt Nam, nhất là về Bác Hồ và Quốc hội.
2. Một lòng với ruộng đất và nông dân
Trò chuyện với GS Huyên, ngoài nỗi lòng hoài hương, tôi thấy ông luôn nói về “ruộng đất và nông dân”. Có thể nói, giáo sư Lâm Quang Huyên một đời vì nông dân. Này nhé, xưa ông cùng nhân dân đánh Pháp là để đòi quyền sống và đòi ruộng đất; được Đảng đưa ra Bắc sau năm 1954, rồi sang Trung Quốc học, ông đã chọn cho mình hướng đi “ruộng đất và nông dân”, khi quyết định không sang Liên Xô mà học tại Đại học Bắc Kinh với chuyên ngành nông nghiệp. Khi về nước, ông lại làm cán bộ tại Viện Kinh tế ở miền Bắc cũng chỉ nghiên cứu ruộng đất và… nông dân. Ông kể: “Năm 1960, tôi về nước và làm tại Viện kinh tế do cụ Bùi Công Trừng làm Viện trưởng.
Ông Lâm Quang Huyên và vợ. (Ảnh tư liệu) |
Để nâng cao kiến thức cho mình, trong hoàn cảnh đất nước hết sức khó khăn tôi tự học hỏi, nghiên cứu là chính. Lúc bấy giờ, Đảng chủ trương giao cho Viện Kinh tế tổng kết thực tế để tham mưu các đường lối, chính sách phù hợp trong phát triển kinh tế, nhất là nông nghiệp. Vì vậy, tôi đi gần khắp cả miền Bắc. Chúng tôi tham mưu cho Đảng thông qua đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Thời kỳ đó, Ban nghiên cứu Kinh tế gắn bó chặt chẽ với Trung ương Đảng, kịp thời tổng kết và nhân rộng các điển hình kinh tế. Có lần, tôi đi thực tế ở Thanh Hóa thì gặp đồng chí Nguyễn Chí Thanh cũng đi, ông cải dạng bộ đội để đi cùng anh em! Từ năm 1965 đến năm 1975, tôi được đưa về Nam và làm việc tại Ban Nông nghiệp của Trung ương Cục miền Nam!”.
Sau năm 1975, khi Viện khoa học xã hội miền Nam được thành lập ông về làm Viện phó của Viện này, cụ Ca Lê Thỉnh làm Viện trưởng. Năm 1983, ông bảo vệ thành công đề tài luận án tiến sĩ “Cách mạng ruộng đất ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước” sau đó được phong hàm Phó giáo sư. Từ đó đến năm 2000, “ông Bí thư Huyện ủy Hòa Vang” ngày xưa ấy, giảng dạy tại Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, hằng ngày ông vẫn miệt mài đọc sách, vẫn nghiên cứu báo Đảng, vẫn dậy sớm đạp xe đạp khắp phố, vẫn cà-phê sáng và gặp gỡ mọi người “để bổ sung cho mình nhiều thông tin bổ ích” như ông thổ lộ với tôi. Ngoài việc giảng dạy, ông được mời hướng dẫn cho hàng trăm nghiên cứu sinh, cao học chuyên ngành kinh tế khắp cả nước. Khi được hỏi: “Giáo sư nghiên cứu về kinh tế, vậy ruộng đất và nông dân nước ta hiện nay thì sao?”. Ông nói: “Nhà nước hiện giải quyết chưa tốt vấn đề ruộng đất và quyền lợi của nông dân.
Đâu đó, đất nông nghiệp đang bị biến thành sân gôn là một cái sai. Nông dân - người làm ra sản phẩm để đáp ứng nhu cầu xã hội và xuất khẩu song bản thân họ không được gì. Bởi, lợi ích đáng lẽ họ được hưởng lại rơi vào tay các đối tượng trung gian, hạt gạo làm ra 10 đồng thì người nông dân chỉ được 3 hoặc 4 là điều không thể chấp nhận được, đừng quên nước ta hiện có đến 70 đến 80% dân số là nông dân. Theo tôi, nếu không làm tốt chính sách nông nghiệp, không bảo đảm quyền lợi của nông dân thì rất khó để phát triển đất nước. Tôi thấy Quốc hội vừa rồi có bàn về điều này song vẫn chưa tới đâu!”.
Mãi vui chuyện, ngoài kia bóng nắng trên sân đã ngã về chiều, ông giáo sư già nheo mắt nhìn tôi “Còn hỏi chi nữa không? Gần Tết này anh em mình sẽ về quê để dự lễ công bố tên Trường Lâm Quang Thự! Hẹn gặp lại tại quê nhà!”. Chia tay vị giáo sư khả kính, tôi chợt nhận ra: việc học luôn là “tự thân” và rất khó để có được một ông Bí thư Huyện ủy 22 tuổi có tinh thần hiếu học trong hoàn cảnh hiện nay như giáo sư Huyên!
Ghi chép của LƯU ANH RÔ