.

Gần lắm, Trường Sa!

.
“Ra biển, ra đảo chứng kiến những khó khăn, vất vả mà các anh đang trải qua để giữ từng tấc đất quê hương mới thấy những việc mình làm được còn quá nhỏ bé, để dặn lòng phải cố gắng hơn...” - Đó là lời tâm sự rất thật của anh Hà Đức Hùng (33 tuổi, Phó Chủ nhiệm CLB Doanh nhân 20-30 Đà Nẵng) sau khi tham gia Hành trình “Doanh nhân ra biển, sinh viên ra đảo”...

Mô tả ảnh.
Anh Hà Đức Hùng (bên phải) chụp ảnh lưu niệm với chiến sĩ Trường Sa. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Ngay từ thuở nhỏ, cậu bé Hà Đức Hùng đã mơ ước được khoác lên mình bộ quân phục của người lính hải quân. Ba cậu, một doanh nhân khá thành đạt nhưng luôn tôn trọng mong muốn của con, ủng hộ Hùng thi vào Đại học Hàng hải. “Ba thường hay kể cho mình nghe những câu chuyện về kỳ tích của những người lính hải quân ở những con tàu không số trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển. Bởi vậy, mình luôn mơ ước được khoác trên mình bộ quân phục của người lính để canh giữ biển đảo quê hương” - Hùng bộc bạch.
 
Nhưng rồi, ba đau nặng, nhà neo người, anh phải về thay cha quản lý Công ty CP cơ khí Hà Giang Phước Tường, dở dang ước mơ đẹp đầu đời.  Gần 10 năm phụ trách công ty cũng là chừng ấy năm anh tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện. Những năm gần đây, năm nào anh và các bạn trong CLB Doanh nhân 20-30 Đà Nẵng cũng lặn lội gần 200 cây số từ thành phố Đà Nẵng lên huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) để thăm và trao quà cho trẻ em nghèo, và trong anh vẫn không nguôi ước mơ đến với biển, đảo. Năm 2011, nhân đợt kêu gọi tham gia hành trình “Doanh nhân ra biển, sinh viên ra đảo”, Hùng “xung phong” liền.

Nửa tháng lênh đênh trên biển (từ ngày 2 đến 17-5-2011), thăm 12 đảo và 1 nhà giàn ở Trường Sa, Hùng vỡ òa “tưởng lâu nay mình biết nhiều lắm, nhưng ra đến nơi mới thấy chưa biết hết, thấu hiểu hết sự thiêng liêng của biển, đảo quê hương”. “Chứng kiến cuộc sống thiếu thốn, vất vả của anh em trên đảo, sự hy sinh thầm lặng những giây phút gần gia đình, hy sinh những thú vui đời thường… để nhận nhiệm vụ thiêng liêng là canh giữ vùng biển, đảo của Tổ quốc, có khi phải đổi bằng cả máu và nước mắt, mới thấy sự đóng góp của mình lâu nay thật quá bé nhỏ” - Hùng bộc bạch.
 
Anh vẫn giữ trong tim mãi màu xanh ngăn ngắt, xanh đến nao lòng, khác hẳn ở đất liền của những hàng cây, rau do lính đảo trồng. Giữa sóng, gió suốt ngày gầm gào khốc liệt, con người phải gồng mình, chống chọi huống chi là cây cỏ. Vậy mà sự sống vẫn ươm mầm, mãnh liệt như sức mạnh của dân tộc Việt Nam. “Đất nước mình đẹp lắm, mình phải giữ”, câu nói của một anh lính trẻ ngoài đảo theo Hùng suốt chặng đường về. Hùng dự định sẽ làm một việc gì đó thì vừa hay có đợt “Góp đá xây Trường Sa” do Trung ương Đoàn phát động. Vậy là anh và 3 giám đốc trẻ khác đã vận động nhân viên trong công ty cùng “góp đá”, đến nay đã được hơn 150 triệu đồng.

Hùng chỉ là một trong rất nhiều thanh niên của thành phố Đà Nẵng hướng về biển đảo không chỉ bằng lời nói. Đó có thể là những doanh nhân thành đạt góp kinh phí để xây dựng biển, đảo. Đó cũng có thể là những cô bé, cậu bé còn ngồi trên ghế nhà trường với những lá thư đầy yêu thương gửi đến đảo xa động viên các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới của Tổ quốc… Nhiều năm qua, Thành Đoàn Đà Nẵng cũng đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về biển - đảo như: Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố tổ chức thành công cuộc thi “Tuổi trẻ Đà Nẵng với chủ quyền biên giới, biển đảo Tổ quốc”; thực hiện chương trình “Vì nghĩa tình biên giới, hải đảo” do Trung ương Đoàn phát động…
 
Anh Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết: “Việc tuyên truyền cho các bạn thanh niên hiểu về ý nghĩa thiêng liêng của việc bảo vệ chủ quyền biển đảo cần phải làm thường xuyên, liên tục. Những chuyến đi ra biển, đảo sẽ được phối hợp tổ chức nhiều hơn nữa, bởi có đi mới có thấy, có hiểu và thêm yêu biển đảo”. Những tình cảm từ việc góp những viên đá nhỏ hay cánh thư từ tận đáy trái tim đã kết nối đất liền với đảo xa. Như thế, Trường Sa đã không còn xa…

Phương Trà
;
.
.
.
.
.