.

Một thoáng Côn Minh (Tiếp theo)

.

Cây xanh và lòng biết ơn

Ai đó nói rằng, để tạo ra một chút ngạc nhiên, nhiều khi ta phải lao động vì nó suốt đời. Những nơi tôi đến, nhất là ở Côn Minh và Thâm Quyến cây xanh được đối xử một cách nghiêm túc nhất. Ở Thâm Quyến, để có hệ cây xanh, vườn hoa như hiện nay, thành phố đã mời các chuyên gia hàng đầu của Thụy Sĩ, Mỹ, Nhật Bản đến làm quy hoạch công viên và chọn lựa loại cây. Nhìn chập chùng màu xanh thiết tha trên những đại lộ, càng thấy rõ hơn yêu cầu bức bách việc trồng cây. Hồn của phố chính là những hàng cây. Thật ngạc nhiên là có rất nhiều cây xoài được trồng. Hỏi vì sao lại trồng xoài và trồng như vậy có bị hái quả không? Các bạn trả lời: Thực tế vùng ven biển cây xoài là khá thích hợp, tán vừa, thân khỏe và nhất là thích nghi với thời tiết và phát triển nhanh.

Đường xoài ở Thẩm Quyến.
Đường xoài ở Thẩm Quyến.

Còn việc hái trái họ không đặt thành vấn đề, vì nhân dân nhất là trẻ em được dạy là phải biết tôn trọng, vả lại họ phạt rất nghiêm chuyện phá hỏng cây xanh. Thâm Quyến quy định: Tùy theo cây mà mức phạt có thể từ 500 đến 2 vạn NDT. Phải chăng đây là gợi ý nghiêm túc cho việc trồng cây cho thành phố. Đồng chí Huỳnh Nghĩa, khi khảo sát đã rất tâm huyết về việc chọn và cách quản lý cây xanh, có một nhận xét đáng suy nghĩ: Hai cây trước nhà của anh, đường 2-9 đã qua 3 đời giám đốc công ty cây xanh nhưng hiện vẫn khẳng kheo như cái... cổ tay, nghe buồn cười nhưng thấm thía. Bạn tôi, khi nhìn những hàng cây ở đây, da diết một đề nghị là Đà Nẵng mình, ngoài việc nên trồng nhiều con đường xoài, chọn thêm vài tuyến phố trồng mỗi một loại mai xuân. Tưởng tượng rằng, đến mùa xuân, sẽ có cả một tuyến đường rực rỡ màu vàng thanh khiết của hoa mai mà nao lòng. Ngoài ra, bạn ấy  nói thêm, ta nên khôi phục việc trồng cây mù u, có thể là cả tuyến đường Ngô Quyền, Lê Văn Hiến... Cái cây khỏe mạnh, cần cù mà sự có mặt của nó đối với thành phố này còn như một hoài niệm kiêu hùng của thời đánh giặc. Chợt nhớ cách đây mấy năm, có một câu chuyện hơi khôi hài nhưng có thật. Do bức xúc việc quy hoạch cây xanh nên thành phố đã duyệt cử nhiều đoàn đi nghiên cứu nước ngoài và nhiều đề tài nghiên cứu khoa học. Kết luận đề xuất sau những chuyến tham quan và nghiên cứu này là: Cây cần cho thành phố Đà Nẵng là cây thích hợp. Thế mới biết ý nghĩa sâu xa của việc học tập. Sẽ chẳng có một sự chuyển biến nào trong thực tiễn nếu không có ý tưởng mới, cách làm mới và nhất là phải cụ thể. Khi chưa sáng tạo được thì phải biết phục tùng.

Thật tình cờ và hết sức ấn tượng là trong chuyến đi này, bạn đưa chúng tôi đến thăm Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên. Ai đọc Tam quốc diễn nghĩa đều biết Tứ Xuyên thời Tam quốc là đất Thục của Lưu Bị, Khổng Minh... Nói tình cờ vì trong chương trình không có, nhưng khi ngồi ăn cơm tối với các bạn của Tập đoàn Đằng Trung bên dòng sông đêm, nhìn cảnh sầm uất phố xá, các bạn cho biết đây là vùng ba năm trước còn hoang sơ, nhưng tốc độ đô thị hóa và phát triển nhanh đến không ngờ. Thành Đô còn có khu lưu niệm mà nhân dân ở đây hết sức tự hào: Thảo đường của nhà thơ Đỗ Phủ. Tôi cảm ơn quyết định của trưởng đoàn về việc đến thăm khu tưởng niệm này. Ai đọc sách, đều biết Đỗ Phủ, bậc thi thánh đời thịnh Đường. Trong cuộc đời lăn lộn, tài hoa bậc nhất nhưng tận cùng của đói nghèo, Đỗ Phủ viết hơn 1.400 bài thơ, trong đó có hàng trăm bài được xem là kiệt tác lưu danh thiên cổ. Câu “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” được trích từ bài Khúc giang nổi tiếng được Đỗ Phủ viết trong thời kỳ sống tại Thành Đô. Sau biết bao gian truân sự đời, 48 tuổi ông mới dựng được một mái nhà tranh trên 2 mẫu đất hoang, bên bờ suối Hoãn Hoa, đặt tên là Thảo đường, phía tây quay về Thành Đô, phía bắc trông ra ngọn Tây Lĩnh quanh năm tuyết phủ.

Thảo đường Đỗ Phủ.
Thảo đường Đỗ Phủ.

Ông trồng nhiều đào, trúc, lý, mai... có suối chảy, có tre xanh bốn mùa thong dong phong nguyệt. Trong ngôi nhà tranh ấy, ông đã sống 8 năm được xem là giai đoạn sáng tạo sung mãn nhất. Chính nơi đây, Đỗ Phủ “ngày ngày đánh cờ với bạn, câu cá với con và uống rượu với hàng xóm”. Tôi đi với lòng thành kính, ngôi nhà tranh sau 1.252 năm chắc chỉ là phục chế, nhưng cái bàn đá mà thi nhân ngồi uống rượu, cái giường ngủ, bàn đọc sách... vẫn còn nguyên, cũng như hàng trăm bản thảo và ấn bản qua bao thăng trầm vẫn được giữ gìn cẩn thận. Không biết trong những gốc đào đương khoe sắc kia cội nào do chính nhà thơ trồng còn lưu giữ? Và trong tiếng chim gù kia có ai hiểu được nỗi lòng của người cha nghèo phải đem con đi chôn vì chết đói... Tôi đứng bên tượng đá của Đỗ Phủ, nhìn gương mặt với đôi mắt xa xăm kia, lòng chùng đi khi nhớ lại cảnh chính tại ngôi nhà này, sau khi bị một trận bão lớn bay đi hết, ông đã “ước gì nhà rộng muôn ngàn gian/ che khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo hân hoan”. Xin được biết ơn những khóm trúc, những dòng suối được chăm chút cẩn thận hôm nay, để cho tôi được đắm chìm trong sự tĩnh lặng của lòng biết ơn một bậc thi hào, người đã đau trọn một cuộc đời 58 năm: “Nha môn tửu nhục xú/Lộ hữu đồng tử cốt” (“Cửa son rượu thịt hôi/ Ngoài đường xương trắng buốt”).   

Tôi không thích khi nghe ai đó mỗi lần ra nước ngoài, khi về thường trầm trồ về những con đường thênh thang, về nhà cao, ngựa xe như nước xứ người... trong cái chất phác quê mình đằm thắm những cái mà chẳng nơi nào có được. Mười ngày xa quê, bưng bát mì thơm lựng với trái ớt xanh giòn rụm, tôi chấp hết mọi đặc sản trên đời. Văn minh rồi sẽ đến. Nhưng cái tốt họ làm được sao mình làm quá chậm? Mấy tuần nay cứ lầng quầng mãi chuyện thu phí xe cộ, mà chợt tự hỏi không lẽ dân mình vì mang cái tội chi mà giá và phí ô-tô vào loại cao nhất thế giới? Không lẽ giao thông đất nước này cứ mãi chìm trong biển xe máy? Chợt nhớ hôm đến Thâm Quyến, giữa một khu đô thị sầm uất, họ đúc một cây trụ và một đoạn dây thừng bằng đồng, để cho mọi người nhớ rằng cách đây ba mươi hai năm, cái vùng đất này là một bãi thuyền chài. Thời gian bằng nhau cho tất cả mọi người, và trong các sự thúc bách ở đời, sự thúc bách của thời gian là nghiệt ngã nhất.

MAI CHI MAI

;
.
.
.
.
.