.

Xử lý nạn ăn xin biến tướng, hàng rong: Khó mấy cũng phải làm

.

(ĐNĐT) - Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh khẳng định như vậy tại “Hội nghị sơ kết 1 tháng triển khai đợt cao điểm ngăn chặn, xử lý tình trạng ăn xin biến tướng, bán hàng rong, lang thang đánh giày” do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) thành phố Đà Nẵng tổ chức sáng 13-4.

Không tự mãn với kết quả ban đầu

Tổ..........
Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn của thành phố Đà Nẵng nhắc nhở một trường hợp xin ăn tại khu vực chùa Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) Ảnh: Đ.Mạnh

Theo báo cáo, sau một tháng triển khai kế hoạch ngăn chặn xử lý tình trạng lang thang, xin ăn, biến tướng bán hàng rong chèo kéo khách…,hiện nay tại nhiều điểm “nóng” trên thành phố như khu vực các chùa có đông tín đồ hành lễ như: Chùa Bát Nhã, Phổ Đà, Pháp Lâm, Linh Ứng, Quán Thế Âm… hay một số chợ: Chợ Cồn, Chợ Hàn… tình trạng này đã giảm hẳn.

Đơn cử như trong dịp diễn ra lễ hội Quán Thế Âm vừa qua, tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn (Tổ 550) của Sở LĐTB&XH thành phố Đà Nẵng đã có mặt tại khu vựa này từ 5 giờ sáng, phát hiện 80 người mù đến từ Quảng Nam được lợi dụng đưa đến lễ hội để xin ăn và ngay sau đó số người này đã được đưa lên xe buýt về lại địa phương.

Đồng thời, lực lượng này cũng đã xử lý 10 đối tượng bán hương đèn trá hình để chèo kéo khách và đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội. Ngay sau đó, Hội Người mù tỉnh Quảng Nam lập tức có văn bản gửi các cấp Hội để phối hợp chấn chỉnh tình trạng trên.

Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH thành phố Đà Nẵng, mặc dù kết quả bước đầu đạt được đáng ghi nhận song chưa thể vì đó mà chủ quan, tự mãn. Bởi có thể trước sự ra quân quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng nên một số các đối tượng đã về quê tạm lánh hoặc dạt về các khu vực vùng ven nhưng sau đó lại quay trở lại thành phố vào các ngày lễ, ngày rằm, mồng một…

“Bên cạnh đó, một số trường hợp bệnh nhân các tỉnh đến Đà Nẵng điều trị bệnh dài ngày có hoàn cảnh khó khăn nên đi ăn xin, các bệnh viên chưa có biện pháp xử lý. Việc thực hiện có lúc, có nơi chưa đồng bộ. Nhiều xã, phường chưa tổ chức gặp mặt, vận động các cơ sở kinh doanh, chưa rà soát, phân loại đối tượng. Công an môt số địa phương chưa hiểu rõ nên việc phối hợp trong quá trình tạm giữ, lập biên bản còn khó khăn…”, ông An nói.

Trong tháng cao điểm vừa qua, tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn thành phố đã nhắc nhở, cảnh cáo 588 trường hợp bán hàng rong không đúng nơi quy định, sử dụng người khuyết tật để bán hàng. Trong đó cảnh cáo, nhắc nhở 438 trường hợp, vận động 150 đối tượng về địa phương, phát hiện 66 người xin ăn và biến tướng xin ăn, 14 người tâm thần đưa vào các cơ sở Bảo trợ xã hội.…

Còn ông Nguyễn Văn Bốn, Tổ trưởng Tổ 550 cho rằng: “Có những cơ sở kinh doanh dịch vụ chưa thật sự hợp tác trong việc xử lý đối tượng vì sợ hăm dọa, trả thù nên tình trạng bàn hàng rong, chèo kéo khách ở đỉnh đèo Hải Vân, các chùa, nhà hàng, quán ăn… xử lý chưa triệt để. Không ít khi thông tin đến đường dây nóng nhưng khi lực lượng chức năng đến kiểm tra thì đối tượng đã trốn biệt”.

Khó cũng phải làm!

Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu đáng khích lệ, song điều lo lắng và quan tâm nhất là làm sao để tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” sau khi hết tháng cao điểm ra quân này.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐTB&XH Đà Nẵng, việc quan trọng nhất để duy trì được tốt là phải có sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng chức năng liên quan.

“Có lúc đoàn đi kiểm tra thì có nơi 40-50 người từ các tỉnh khác đến, chen chúc trong căn phòng nhỏ để ăn xin trá hình. Điều này thì lực lượng công an phải phối hợp để kiểm tra quản lý, nắm thông tin các nhà trọ thật tốt để có sự phối hợp đạt hiệu quả”, bà Hưng nói.

Ông Bốn thì mong muốn: “Phương tiện xe thu gom hiện nay đã quá cũ kỹ, anh em trong tổ chủ yếu là “tay không bắt giặc” nên rất nguy hiểm, nhất là với các đối tượng bị tâm thần, bị bệnh. Vì vậy, lực lượng làm công tác này cũng cần được trang bị quần áo, găng tay bảo đảm trong quá trình thực hiện”.

Bà Nguyễn Thị Thừa, Phó chủ tịch UBND quận Hải Châu cho rằng: “Nên bổ sung một số tuyến đường, khu vực chùa, nhà hàng, quán ăn…cấm bán hàng rong. Cần bố trí nguồn nhân lực, kinh phí để địa phương duy trì thường xuyên hoạt động ngăn chặn, xử lý ăn xin biến tướng”.

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong công tác này nên những khó khăn ban đầu là điều không tránh khỏi. “Duy trì lâu dài kết quả đã đạt được là khó nhưng có khó cũng phải làm”, ông Anh khẳng định.

Đây không phải là nhiệm vụ của riêng ngành LĐTB&XH mà cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành liên quan. Do đó, thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu mỗi địa phương cũng nên lập tổ chuyên trách về vấn đề này giống như quận Hải Châu.

Các đơn vị liên quan như Sở Công thương cần sớm tham mưu đề xuất chế tài xử lý đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ để không xảy ra tình trạng xin ăn biến tướng, hàng rong tại nơi mình quản lý. Công an thành phố cũng cần hướng dẫn hệ thống ngành dọc xử lý đối tượng tổ chức “chăn dắt”, lợi dụng trẻ em, người khuyết tật xin ăn. Qua đó góp phần tạo ra hình ảnh Đà Nẵng văn minh, thân thiện trong cách nhìn không chỉ của những du khách mà của mọi người dân.

Đắc Mạnh-Phương Trà

;
.
.
.
.
.