.

Dẹp nạn ăn xin, hàng rong chèo kéo: Cần giải pháp căn cơ

.

Mặc dù ngành LĐ-TB&XH và các ngành liên quan trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã xử lý kiên quyết, liên tục với nạn ăn xin, hàng rong biến tướng, nhưng dẹp bỏ được tình trạng này vẫn là bài toán khó.

Theo phản ánh của nhiều người dân buôn bán và sinh sống tại các chợ và đường phố lớn, nạn “cò” bu bám khách du lịch đang diễn ra.

“Cò” (áo trắng) bám theo du khách để làm giá trên đường Hùng Vương.
“Cò” (áo trắng) bám theo du khách để làm giá trên đường Hùng Vương.

Lại xuất hiện “cò” bám du khách

Với hàng loạt sự kiện văn hóa lớn, Đà Nẵng đã đón hàng chục ngàn lượt khách du lịch. Vì vậy, những người đánh giày, bán vé số dạo trá hình ăn xin có cơ hội “làm ăn”. Tuy nhiên, trước sự ra quân quyết liệt của Sở LĐ-TB&XH và các địa phương trên toàn thành phố, thời gian qua tình trạng ăn xin lang thang, bán hàng rong chèo kéo khách giảm hẳn. Nhưng rồi một bộ phận khi bị đẩy đuổi từ các khu vực chùa Bát Nhã, Linh Ứng, đèo Hải Vân... lại dùng tiếng Anh “bồi” để làm “cò” nhằm đẩy giá lên gấp đôi, “ăn” tiền du khách tại các chợ và cửa hàng trên đường phố lớn.

Chị N.T.P (38 tuổi, bán hàng ở chợ Cồn) cho biết: “Mình đang bán hàng, bỗng dưng có người đưa khách du lịch đến và hỏi giá hàng. Mình nói 100.000 đồng, người kia nói gì đó với khách bằng tiếng Anh, nhận tiền của khách và đưa cho mình 250.000 đồng rồi dẫn khách đi. Một lúc sau, người kia quay lại đòi 150.000 đồng”. Một tiểu thương khác ở chợ Cồn cũng cho hay, có người không trả tiền lại thì bị dọa đánh. Một số tiểu thương vì sợ “cò” không đưa khách đến mua hàng nữa nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, trả lại tiền.

Cũng theo phản ánh của các tiểu thương, những món hàng chưa niêm yết giá là miếng mồi béo bở để “cò” hét giá, hòng móc túi du khách. Thậm chí, có quầy hàng niêm yết giá nhưng bị “cò” dùng tay che giá trên món hàng hoặc bóc giá rồi đưa cho khách xem hàng. Trong đó, gian hàng quần áo bị “làm giá” nhiều nhất. Một tiểu thương bộc bạch: “Bán cả ngày chỉ lời có vài chục ngàn đồng, mấy tay “cò” ở đâu đến nhảy vào kiếm lời vài trăm ngàn. Hơn thế, có khi du khách còn nghĩ mình bán đắt nữa”.

Ông Huỳnh Ngọc Quý, Trưởng Ban quản lý chợ Cồn, cho biết: “Nạn “cò” bu bám du khách đã có từ mấy năm nay. Tuy nhiên, chúng tôi cương quyết lập lại trật tự, xử lý ngay khi có yêu cầu theo số điện thoại nóng của Ban quản lý chợ: 0511.3822277. Nếu có đối tượng hung hãn thì phối hợp với lực lượng Công an để xử lý. Sau lễ hội pháo hoa vào cuối tháng 4 đến nay, tình trạng này không còn. Có thể các tay “cò” đi nhỏ lẻ, rải rác nên chúng tôi chưa phát hiện được”.

Kiên quyết với ăn xin, hàng rong

Sáng 21-5, sau một vòng kiểm tra tại các đường phố lớn và các chùa trong thành phố, tổ 550 thuộc Sở LĐ-TB&XH thành phố phối hợp với lực lượng Công an phát hiện một phụ nữ trạc tứ tuần mặc đồ bệnh nhân giơ tay xin tiền tại chùa Bát Nhã. Khi được lực lượng chức năng đưa lên xe, người phụ nữ này không hiểu nguyên nhân và vẫn cứ than nghèo kể khổ. Kiểm tra túi xách tay mà người này mang theo, lực lượng liên ngành còn tìm thấy có rất nhiều tiền lẻ - kết quả kiếm tiền trong một buổi sáng của “bệnh nhân giả”.

Còn riêng trong ngày 17-5, tổ 550 thuộc Sở LĐ-TB&XH thành phố đã phát hiện và xử lý 2 đối tượng xin ăn ngay tại chợ Cồn. Sau đó, 2 người này tạm thời được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội để chuyển đổi nghề nghiệp... Chiều tối 20-5, khi chúng tôi có mặt tại một quán ăn trên đường Nguyễn Tất Thành, có 3-4 phụ nữ ăn mặc nhếch nhác chào mời mua kẹo, đậu phụng, trứng cút... Dù chúng tôi lắc đầu nhưng họ vẫn nài nỉ, có người còn tỏ thái độ khó chịu.

Ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, khẳng định: “Việc xử lý những kiểu xin ăn trá hình, bán hàng rong, đánh giày không đúng nơi quy định được chúng tôi tiến hành thường xuyên, liên tục chứ không phải chỉ trong đợt cao điểm và đã tập trung hơn 70 đối tượng biến tướng xin ăn, 23 người tâm thần vào Trung tâm Bảo trợ xã hội”. Song, ông Hiệp cũng thừa nhận những khó khăn như: Phần lớn những đối tượng trên là người ngoài thành phố, không có nơi ở nhất định nên khó xử lý. Hiện vẫn thiếu cơ chế, hành lang pháp lý để xử lý những người vi phạm. Bên cạnh đó, sự chỉ đạo của chính quyền ở một vài nơi chưa thật sự quyết liệt, chủ quan, khoán trắng cho ngành chức năng... Đặc biệt, tình trạng ăn xin tại các bệnh viện vẫn tồn tại và khó xử lý nếu các bệnh viện không thật sự hợp tác với ngành chức năng.

Bài và ảnh: K.N

;
.
.
.
.
.