Việc làm là cầu nối giúp người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng. Rất nhiều lớp tập huấn, dạy nghề cho người cai nghiện được triển khai, nhưng để họ có việc làm bền vững là điều không dễ.
Một lớp đào tạo nghề xây dựng cho học viên Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06. Ảnh: NGỌC ĐOAN |
Tâm lý thích hưởng thụ
Quán cà-phê Young ở đường Trần Phú (quận Hải Châu) có hai người từng nghiện đang làm việc. Khi vừa hỏi về những nhân viên này, chủ quán lắc đầu ngán ngẩm: “Vì thương tình nên tôi nhận những người từng nghiện vào làm. Ngờ đâu được dăm bữa nửa tháng thì họ lấy cắp đồ, tôi đành phải sa thải họ chứ biết làm sao!”. Hàng chục cơ sở khác trên địa bàn thành phố tiếp nhận người sau cai nghiện ma túy, chữa bệnh vào làm việc cũng đã gặp những trường hợp tương tự. Chủ một cơ sở sản xuất giày dép ở phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) thở dài: “Bên cạnh một số em sau khi cai nghiện thành công về làm việc ở đây chăm chỉ, lương rất khá, cũng có một số ít lười nhác, gây khó khăn cho chúng tôi”.
Cách đây không lâu, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng phối hợp với Công ty 579 thực hiện mô hình tạo việc làm cho người sau cai bằng cách dạy nghề lái xe ủi và tạo việc làm ngay trong công ty. Tuy nhiên, lớp học có 30 người thì đến khi tốt nghiệp chỉ còn... 6 người. Vì vậy, mô hình này nhanh chóng tan rã.
Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, một số doanh nghiệp vượt qua rào cản kỳ thị, mạnh dạn tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc, mang tính hướng thiện hơn là lợi ích về thương mại. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ về mặt bằng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ tiếp nhận người hoàn lương vào học nghề, giải quyết việc làm hiện chưa được thực hiện đồng bộ, kịp thời khiến doanh nghiệp nản. Bên cạnh đó, không ít người nghiện lại chưa thật sự chuyên tâm vào công việc mà còn tâm lý ỷ lại, lười biếng, thích hưởng thụ.
Xem xét hiệu quả đào tạo nghề
Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06 đang dạy các nghề điện, may, cơ khí... cho người sau cai nghiện. Tháng 2 năm nay, trung tâm phối hợp với Trường Trung cấp Xây dựng miền Trung tổ chức thí điểm lớp sơ cấp nghề ngành Kỹ thuật xây dựng khóa I với thời gian học trong 6 tháng. Chỉ tính trong 3 năm gần đây, trung tâm đã tiếp nhận người nghiện, chữa bệnh, dạy nghề và đưa về hòa nhập cộng đồng hơn 1.000 lượt người. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ đào tạo nghề rồi bàn giao về địa phương, còn mỗi người phải tự tìm kiếm việc làm.
Thực tế, số người sau cai từ trung tâm trở về cộng đồng sống được bằng nghề còn rất ít. Nguyên nhân do khó tìm được việc, nếu có thì chỉ mang lại thu nhập ít ỏi vì họ chủ yếu được đào tạo nghề sơ cấp. Đối với nghề liên quan đến kỹ thuật, họ không thể đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp nên cơ hội tìm kiếm một công việc lương cao là không thể. Qua tìm hiểu, hầu hết những người sau cai nghiện trở về đều làm các nghề bán hàng đêm, trông xe đêm, xe ôm, bảo vệ chợ, lái xe... vì ngại bị ràng buộc bởi quy định do các doanh nghiệp đề ra và ngại sự kỳ thị của mọi người. Cuộc sống bấp bênh, nghề nghiệp không ổn định khiến họ dễ bị lôi kéo sa vào con đường cũ.
Theo ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng: “Để đẩy mạnh tạo việc làm cho người nghiện, cần có chính sách khuyến khích hơn cho những doanh nghiệp trực tiếp tham gia dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Muốn đào tạo nghề cho họ, phải tìm hiểu nhu cầu, hoàn cảnh, khả năng tái hòa nhập cộng đồng của người sau cai... Từ đó, mỗi địa phương, trung tâm có kế hoạch, đào tạo cụ thể. Ngoài ra, cần tuyên truyền để xóa bỏ định kiến của cộng đồng đối với những người từng nghiện, giúp họ có thể hòa nhập sau khi cai thành công”.
PHƯƠNG TRÀ