.

Hành trình ở Nhật Bản - Bài 1: Đất nước của màu xanh

.

Chuyến bay của Hãng hàng không Việt Nam đưa chúng tôi rời thủ đô Hà Nội trong một đêm cuối tháng 8-2012 và đến xứ sở hoa anh đào vào buổi bình minh tại phi trường Narita (Tokyo) sau hơn 6 giờ bay, mở đầu cho cuộc hành trình đầy thú vị trên xứ sở Phù tang.

Không gian xanh bên ngoài Sân bay quốc tế Narita (Tokyo).  (Ảnh chụp từ trên máy bay)
Không gian xanh bên ngoài Sân bay quốc tế Narita (Tokyo). (Ảnh chụp từ trên máy bay)

Đã từ lâu, tôi biết đến Nhật Bản với những thành phố hiện đại, những tòa nhà cao tận trời xanh. Nhưng khi máy bay bắt đầu giảm dần độ cao để hạ cánh, hình ảnh đầu tiên của đất nước Nhật Bản hiện ra trong tôi là một dải lụa màu xanh mềm mại bao la tưởng chừng vô tận.

Từ Sân bay quốc tế Narita, chúng tôi hành trình bằng xe buýt trên đường cao tốc để về tỉnh Nagano. Tỉnh Nagano còn gọi là Shinshu, được mệnh danh là mái nhà của Nhật Bản, có địa hình cao, mùa hè mát mẻ, mùa đông giá lạnh, có tuyết phủ. Đây cũng là khu vực có dân số tuổi thọ cao nhất Nhật Bản. Tỉnh Nagano còn nổi tiếng với các loại rau sạch và hoa quả phong phú, là một trong những tỉnh cung cấp nguồn lương thực lớn cho đất nước Nhật. Nhưng khi đi dọc tỉnh Nagano hay thành phố Omachi trực thuộc, mới thấy hết được sự tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ màu xanh của núi rừng. Ở tỉnh Nagano, đất để trồng lúa chiếm diện tích rất nhỏ, nhưng không vì thế mà người ta khai thác tất cả đất để trồng lúa, mà họ phân bố hợp lý để trồng xen kẽ cây xanh có tán lớn và cao.

Theo giải thích của những người dân nơi đây, mục đích chính là để cân bằng hệ sinh thái, mang lại không khí trong lành cho con người. Chúng tôi tiếp tục tham quan công viên tự nhiên Azumino, Tsugaike. Đây là một trong những công viên tự nhiên lớn nhất Nhật Bản, có hệ sinh thái đa dạng và phong phú. Nét hấp dẫn và ấn tượng nhất ở các công viên này là việc thiết kế, xây dựng các công trình rất hài hòa với thiên nhiên. Trong các công viên, người Nhật hạn chế đến mức thấp nhất việc xây dựng các công trình. Trung tâm điều hành các công viên này cũng được xây dựng khá khiêm tốn và rất thân thiện với thiên nhiên (chỉ làm toàn bằng gỗ). Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động dã ngoại đầy thú vị của người dân Nhật Bản.

Giống như người Việt Nam hiện nay, vào những ngày cuối tuần, ngày lễ, người Nhật thường đưa gia đình đi dã ngoại. Người dân rất ít đến những khu resort sang trọng mà thường tìm về những công viên tự nhiên để sống với cỏ cây, hoa lá của núi rừng. Cách khai thác các công viên này cũng thật khác lạ. Họ chỉ xây dựng những con đường uốn lượn qua những cánh rừng. Mỗi đoạn như vậy họ bố trí những khu vực cắm trại cho du khách, có nơi để ô-tô. Mỗi nơi cắm trại có sẵn một bếp nướng và có than, thức ăn, nước uống du khách tự mang theo để tự tay chế biến cho mình những món ăn tùy thích. Ở Việt Nam cấm mang lửa vào những khu rừng sinh thái, nhưng ở những công viên tự nhiên ở Nhật Bản mà chúng tôi đến, việc nấu ăn giữa rừng già là một trong những hoạt động hấp dẫn của người dân và du khách. Vậy mà trong lịch sử của các công viên này chưa từng xảy ra bất kỳ vụ cháy nào mặc dù thảm thực bì ở đây rất dày. Lý giải về điều này, một sinh viên người Nhật cho chúng tôi biết, họ đã được trang bị những kỹ năng sống và ứng xử hòa đồng với thiên nhiên ngay từ những năm tiểu học. Và theo chúng tôi quan sát, sau mỗi lần cắm trại hay tổ chức bất cứ hoạt động gì ở các công viên tự nhiên, cũng có từ 1-3 người trong nhóm ở lại quan sát, khi bảo đảm chắc chắn không còn bất cứ nguy cơ nào dẫn đến hỏa hoạn hoặc ô nhiễm môi trường thì họ mới ra về.

Vì vậy, ở những công viên tự nhiên lớn nhất ở Nhật, hằng ngày có tới hàng nghìn người dân đến vui chơi, nghỉ ngơi nhưng chúng tôi không tìm thấy một mẩu rác thải nào. Điều này lý giải vì sao nơi đất chật người đông như ở đất nước Nhật Bản chúng ta vẫn luôn thấy màu xanh của thiên nhiên hòa quyện bên những công trình to lớn. Rời những công viên tự nhiên trên xứ sở hoa anh đào, chúng tôi bắt đầu một hành trình mới. Nhật Bản trong tôi vẫn là hình ảnh một quốc gia luôn xanh, không chỉ có màu xanh của núi rừng bạt ngàn mà màu xanh ấy luôn hiện hữu trong mỗi con người nơi đây.

(Còn nữa)

 Ký sự: VĂN NỞ
 

;
.
.
.
.
.