.

Hưởng ứng mạnh mẽ “Tháng hành động vì trẻ em”

.

“Tháng hành động vì trẻ em” năm 2013 được Bộ LĐ-TB&XH xác định là “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số”, được triển khai trên toàn quốc, bắt đầu từ ngày 1-6 đến 30-6.

Thiếu nhi Đà Nẵng tại hội thi vẽ tranh thiếu nhi “Em yêu biển đảo quê hương” vào tháng 3-2013. 									Ảnh: VIẾT THANH
Thiếu nhi Đà Nẵng tại hội thi vẽ tranh thiếu nhi “Em yêu biển đảo quê hương” vào tháng 3-2013. Ảnh: VIẾT THANH

Đây cũng là cơ hội để “Tháng hành động vì trẻ em” tiếp tục trở thành đợt tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật và mục tiêu của Nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em cũng như thực hiện quyền trẻ em; trong đó năm 2013 này sẽ tập trung cho đối tượng trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số, để các em được hưởng quyền lợi bình đẳng như mọi trẻ em khác trên đất nước Việt Nam.

Là thành phố nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, qua hơn 15 năm xây dựng và phát triển, quán triệt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về trẻ em, Đà Nẵng đã tập trung triển khai thực hiện nhiều chính sách đột phá, xây dựng môi trường lành mạnh cho trẻ em; trong đó có việc dành sự ưu tiên chăm sóc, giáo dục cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em vi phạm pháp luật. Đây chính là những giải pháp trong hệ thống các giải pháp đồng bộ để xây dựng Đà Nẵng thành thành phố hài hòa, thân thiện, tạo điều kiện tốt nhất để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Cùng với việc thực hiện các chính sách đồng bộ trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội…, Đà Nẵng đã xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong từng giai đoạn, phù hợp với thời điểm và đối tượng, đạt hiệu quả cao, đem lại môi trường lành mạnh, bảo đảm cho sự phát triển toàn diện của trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em đặc biệt khó khăn… Đó là các chương trình: ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm; chương trình trợ giúp trẻ em khuyết tật; chương trình giúp đỡ trẻ em hư, trẻ em bỏ học và thiếu niên hư vi phạm pháp luật… Trẻ em dân tộc thiểu số Cơtu luôn nhận được sự quan tâm chăm sóc chu đáo, từ đời sống vật chất đến tinh thần, bảo đảm sự phát triển ngang bằng với trẻ em ở các vùng khác của thành phố.

Nhờ đó, 100% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật được chăm sóc, giúp đỡ từ chính sách của Nhà nước, cộng đồng và các tổ chức quốc tế; 98% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, việc ban hành Đề án giảm nghèo giai đoạn 2013-2017 với chuẩn hộ nghèo cao hơn mức trung bình của cả nước và xây dựng nông thôn mới là những tiền đề quan trọng, góp phần tích cực vào việc thực hiện các chính sách đột phá, tạo điều kiện cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, so với tốc độ phát triển của thành phố và nhu cầu được bảo vệ, chăm sóc của trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, thì vẫn còn những vấn đề cần tập trung giải quyết một cách mạnh mẽ, đồng bộ và sáng tạo hơn nữa. Đặc biệt, vẫn còn một khoảng cách nhất định trong đời sống vật chất và tinh thần giữa đối tượng trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số với các trẻ em khác. Một số cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể thành phố chưa thật sự quan tâm tạo điều kiện để chăm sóc cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số.

Học sinh Trường tiểu học Trần Bình Trọng (quận Liên Chiểu) tham dự một buổi lễ tại trường. 							                                   Ảnh: TÚ PHƯƠNG
Học sinh Trường tiểu học Trần Bình Trọng (quận Liên Chiểu) tham dự một buổi lễ tại trường. Ảnh: TÚ PHƯƠNG

Thực hiện “Tháng hành động vì trẻ em” năm nay với chủ đề “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số”, điều quan trọng trước tiên, đó chính là các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động sâu rộng trong toàn xã hội nhận thức một cách đúng đắn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, gia đình, xã hội trong việc thực hiện các mục tiêu về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, góp phần phòng ngừa, hạn chế những tác động tiêu cực đến trẻ em; thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình đối với trẻ em; đẩy mạnh phong trào toàn xã hội tham gia bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo, trẻ em miền núi, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Trên cơ sở nhận thức đúng đắn, các cấp ủy, chính quyền, các ngành và mỗi gia đình có những hành động kịp thời, cụ thể, có hiệu quả trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em miền núi, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phải được chăm sóc ngày càng chu đáo, toàn diện hơn; được tạo điều kiện để phát triển bình đẳng, ngày càng giảm dần khoảng cách về đời sống vật chất và tinh thần với trẻ em khác, tạo nền tảng phát triển bền vững, hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, rơi vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, bị bóc lột sức lao động do thiếu sự quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ của gia đình, nhà trường, xã hội.

Để thực hiện tốt những mục tiêu quan trọng đó, các cấp, các ngành, các địa phương cần triển khai “Tháng hành động vì trẻ em” sâu rộng, đều khắp; gắn chặt giữa tuyên truyền giáo dục với việc tổ chức các hoạt động thiết thực vì trẻ em. Đặc biệt, cần quán triệt và triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 20 ngày 5-11-2012 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, gắn với việc xây dựng và triển khai Chương trình hành động vì trẻ em thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2020… cùng các chương trình, đề án có liên quan khác trên địa bàn thành phố.

Vì tương lai của trẻ em nói chung và trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng, các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể thành phố, gia đình, nhà trường và toàn xã hội hãy hành động với tinh thần trách nhiệm cao, mạnh mẽ, cụ thể và thiết thực để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; hãy đưa “Tháng hành động vì trẻ em” thành hoạt động thường xuyên và có hiệu quả; góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành nơi có môi trường sống tốt, phát triển bền vững.

Đà Nẵng hiện có hơn 200.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm tỷ lệ khoảng 21,5% dân số, trong đó có hơn 2.500 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 1.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc thù khác, như trẻ em bị chất độc da cam, bị khuyết tật, trẻ em trong các gia đình ly hôn, trẻ em dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Cơtu) sống ở 2 xã miền núi Hòa Bắc và Hòa Phú (huyện Hòa Vang).

VÕ DUY KHƯƠNG

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng
 

;
.
.
.
.
.