.

Hồ Chí Minh và việc khen - chê trên báo

.

Trong lần nói chuyện tại Đại hội lần thứ hai của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16-4-1959, Hồ Chí Minh nhận mình “là một người có nhiều duyên nợ với báo chí”. Với khoảng hơn 2.000 bài báo bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau trong thời gian nửa thế kỷ hoạt động cách mạng cùng với việc sáng lập, đồng sáng lập nhiều tờ báo nổi tiếng, Hồ Chí Minh xứng đáng là nhà báo kiệt xuất. Di sản tư tưởng, tấm gương báo chí của Người đang soi sáng sứ mệnh báo chí hôm nay.

Tại Đại hội lần thứ 3 những người viết báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén”. 							(Ảnh: tư liệu)
Tại Đại hội lần thứ 3 những người viết báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén”. (Ảnh: tư liệu)

88 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Cùng với sự phát triển về số lượng, chất lượng báo chí được nâng lên đáng kể, và điều này góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Một trong những nét nổi bật là báo chí đã phản ánh kịp thời cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội, chống “diễn biến hòa bình”, cũng tức là báo chí đã bắt mạch đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Có thể khẳng định rằng, nếu không có sự nhiệt tâm, trình độ nghiệp vụ và cả việc dám hy sinh của đội ngũ những người làm báo thời gian qua, thì nhiều vụ việc tiêu cực không thể lôi ra ánh sáng; nhiều gương người tốt việc tốt không được nhân dân biết đến, thì cũng không có nhiều thành tựu của cách mạng như hôm nay.

Trước yêu cầu mới hiện nay, báo chí phải đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động là hết sức cần thiết. Để làm được những điều đó, mọi chỉ dẫn của Hồ Chí Minh vẫn vô cùng quý báu cho những người làm báo. Chẳng hạn, trong việc “khen, chê”, cũng phải có lập trường vững vàng: ta, bạn, thù thì viết mới đúng. Hồ Chí Minh dạy: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên không cần phải bịa đặt ra. Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành đúng đắn; chứ không phải để địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền” (1). Hiện nay, bên cạnh những ưu điểm, có thể nói chúng ta chưa làm tốt sự liên kết chặt chẽ ba bước sau đây theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh. Bước đầu là bạn đọc đề nghị và báo nêu lên. Ý kiến bạn đọc là những ý kiến đấu tranh. Cái mới đấu tranh với cái cũ, cái tốt đấu tranh với cái không tốt. Nhưng chỉ dừng lại ở bước đầu thì vô ích. Đấu tranh thì phải đấu tranh đến kết quả thắng lợi. Như thế ý kiến bạn đọc mới thật có ích. Vì vậy, phải tiếp tục có bước thứ hai, tức là những người hoặc những cơ quan phụ trách phải thực hiện những điều báo đã nêu ra. Bước thứ ba là kiểm tra. Nhà báo, bạn đọc và nhân dân kiểm tra xem những việc ấy đã làm chưa? Làm đến đâu? Nếu làm được chu đáo, thì báo phải có lời khen ngợi. Nếu làm không chu đáo, thì nhà báo và nhân dân phải tiếp tục phê bình, đấu tranh. Bởi vì, “phê bình không phải để có phê bình mà cần phải đi đến sửa chữa những khuyết điểm đã nêu ra nếu những khuyết điểm đó đúng... Mong rằng các cơ quan hay địa phương có những vấn đề báo đã nêu lên nên phát biểu ý kiến, nói rõ chỗ nào báo phê bình đúng, chỗ nào sai, và có khuyết điểm thì phải sửa chữa như thế nào. Có như thế thì phê bình mới có ích” (2).

Bảo vệ và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh thì trước hết chúng ta phải làm đúng chỉ dẫn của Hồ Chí Minh. Trong những lời dặn dò báo chí, Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc tới nhiều khuyết điểm báo chí cần phải sửa chữa. Căn cứ vào nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn của báo chí, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đối với các ngành hoạt động nêu các thành tích - thế là đúng; nhưng rất ít phê bình các khuyết điểm - thế là không đúng. Có khi phê bình, thì cũng “đánh trống bỏ dùi”, không đi sâu xét kỹ tận gốc rễ vì sao có khuyết điểm ấy? Và sau khi phê bình, những cơ quan và những người bị phê bình đã thật thà tự kiểm thảo và sửa đổi chưa? (3). Phê bình nghiêm khắc, phê bình triệt để, đi đến tận cùng theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh chính là để tạo nên “một không khí công chúng công phẫn và tẩy chay về mặt đạo đức” (4).

Thăm lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người (13-9-1958). (Ảnh: tư liệu)
Thăm lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người (13-9-1958). (Ảnh: tư liệu)

Trước đây, khi thực hiện lời kêu gọi Thi đua ái quốc, Hồ Chí Minh có những đánh giá về báo chí. Bên cạnh những tiến bộ, báo chí vẫn còn nhiều khuyết điểm cần phải sửa chữa. Chẳng hạn, với phong trào thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, tham ô, lãng phí thì “báo chí ta chưa làm trọn nhiệm vụ như: nghiên cứu tỉ mỉ, nêu lên rõ ràng và bày cách áp dụng rộng rãi những kinh nghiệm tốt. Chưa lắng nghe những lời phê bình và những điều đề nghị của anh em lao động trong các ngành. Chưa phê bình nghiêm khắc những cách làm việc thủ cựu  và những cái gì nó ngăn trở bước tiến trong các công tác. Chưa khen ngợi một cách đúng mức (không thổi phồng) những thành tích đã thu được, đồng thời nhắc nhở những việc còn phải làm để tiến bộ hơn nữa” (5).

Hiện nay, lượng thông tin ngày càng lớn và có tính phổ cập qua Internet, thì món ăn tinh thần của quần chúng - khi dân trí ngày càng cao - không thể chỉ là chính trị suông quá nhiều, đăng những tin vịt, tin tức chậm không kịp thời như Hồ Chí Minh đã chỉ ra; ngược lại, quần chúng cần những món ăn nóng hổi, lời lẽ thiết thực, thể hiện được tư tưởng và lòng ước ao của họ. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn những người viết báo rằng phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy. Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, nói có sách, mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung, không chịu trách nhiệm. Mọi người - bất kỳ ở địa vị nào - và những cơ quan được phê bình phải có thái độ thật thà, khiêm tốn. Phê bình đúng, thì phải đăng báo nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Nếu phê bình sai, thì đăng báo giải thích. Quyết không được phớt lờ phê bình và “trù” người phê bình. Có một vài cán bộ và cơ quan, vì sợ phê bình mà chẳng những không giúp đỡ người viết báo lại còn có thái độ không tốt với họ, thậm chí đi kiện họ trước tòa án. Những hành động như vậy cần phải chấm dứt.

Lời Bác dạy cách đây gần nửa thế kỷ nhưng hôm nay ta làm chưa được bao nhiêu. Theo lời Bác dạy, báo chí phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội, thì rõ ràng nhân dân giờ đây đang rất cần những người viết báo phải có bản lĩnh đưa ra ánh sáng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp; những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm với dân, tranh công, đổ lỗi, giấu giếm và không dám nhận khuyết điểm. Bút sắc giờ đây không phải là chĩa vào kẻ thù ngoại xâm mà là tập trung vào kẻ thù nội xâm, loại giặc trong lòng. Tâm sáng, lòng trong hôm nay là không bị vật chất cám dỗ làm tha hóa, rồi bẻ cong ngòi bút hoặc viết một cách nhạt nhòe, mà phải đứng về phía nhân dân, về phía cái thiện để hoàn thành bản án những kẻ thiếu nhân cách, thiếu tâm, dưới tầm như trước đây Bác Hồ viết Bản án chế độ thực dân Pháp. Một xã hội văn minh không cho phép những kẻ hư hỏng hành hung báo chí mà không bị dư luận lên án và pháp luật trừng trị. Chúng ta đang cần một lối ứng xử văn hóa mà một nội dung quan trọng là các cơ quan và cá nhân được phê bình phải có tiếng nói trên báo chí, xem báo chí phê bình đúng hay sai. Đúng thì phải nhận, tìm cách  sửa chữa và phải chịu kỷ luật. Nếu sai thì báo phải xin lỗi.

Nâng cao chất lượng tư tưởng và tính cách mạng của báo chí từ những việc nêu trên. Tính hấp dẫn của báo chí là ở đó. Mở rộng đối tượng độc giả cũng chính là ở đó. Và đó chính là hiệu quả hoạt động của báo chí trước yêu cầu mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

BÙI ĐÌNH PHONG


(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t7, tr 118.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t8, tr 10.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t7, tr 271.

(4) Xem Vũ Duy Thông (Chủ biên): Mác-Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh bàn về báo chí xuất bản, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr360.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t7, tr271.

;
.
.
.
.
.