.

Bão số 10 gây thiệt hại gần 5.000 tỷ đồng

.

9 người chết, 199 người bị thương

Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ 2.000m3/s

Thời tiết nguy hiểm trên Biển Đông

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, đến chiều 2-10, bão số 10 đã làm 9 người chết (Quảng Bình: 5 người, Thanh Hóa: 2 người, Nghệ An: 2 người), 1 người mất tích (ở Quảng Bình), 199 người bị thương (Nghệ An: 2 người, Hà Tĩnh: 18 người, Quảng Bình: 140 người, Quảng Trị: 37 người, Thừa Thiên-Huế: 2 người).

Thủy điện Đắk Mi 4 xã lũ 2.000m3/s. (Ảnh chụp chiều 2-10). Ảnh: Thanh Tuyền
Thủy điện Đắk Mi 4 xã lũ 2.000m3/s. (Ảnh chụp chiều 2-10). Ảnh: Thanh Tuyền

Mưa, bão làm sập, đổ, cuốn trôi 372 nhà; 25.783 nhà bị ngập; 194.137 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 795 trường học, trụ sở cơ quan, bệnh viện, công trình công cộng bị ngập, hư hại, tốc mái; 816 cột điện cao, trung và hạ thế bị nghiêng đổ, 1 ăng-ten phát sóng bị gãy đổ hư hỏng hoàn toàn.

Thống kê chưa đầy đủ tại 2 tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế, bão số 10 gây thiệt hại 4.915 tỷ đồng; riêng tỉnh Quảng Bình 4.600 tỷ đồng.

Tại thành phố Đà Nẵng, mưa lớn làm 5ha rau màu tại quận Ngũ Hành Sơn bị hư hỏng, ước thiệt hại 20 triệu đồng. Đường 601, đoạn qua xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) bị sạt lở 1 điểm khoảng 180m3; đường Hoàng Sa, khoảng 90m3 đất đá chuồi xuống nền đường.

Khắc phục xong sự cố lưới điện 500kV

Đến chiều 2-10, toàn bộ sự cố lưới điện 500kV và 220kV đi qua các địa phương bị bão đã được Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia khắc phục xong. Lưới điện 110kV tại Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị đã hoạt động bình thường trở lại. Riêng biến áp 110kV E15.17 Hoàng Mai (Nghệ An) cung cấp điện cho 9 xã với 13.500 khách hàng của huyện Quỳnh Lưu vẫn chưa khôi phục được do nước đang lên cao trong phòng điều khiển trung tâm.

Đối với lưới điện phân phối, đến chiều 2-10, các khu vực UBND tỉnh, Tỉnh ủy, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, Nhà máy Nước Bàu Tró, Đài Phát thanh-Truyền hình, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Biên phòng thuộc tỉnh Quảng Bình đã khắc phục xong. Tại tỉnh Quảng Trị, 75% phụ tải tại các khu vực trung tâm thành phố Đông Hà, các huyện Khe Sanh, Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, ĐakRông và thị xã Quảng Trị đã được cấp điện. Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, đã nối điện cho 94% phụ tải trên địa bàn.  Đến chiều 2-10, toàn bộ cây xanh bị ngã đổ trên các tuyến giao thông đã được xử lý, tất cả các tuyến giao thông trên địa bàn vùng bão tàn phá đã thông suốt. Các đơn vị quân đội, dân quân, công an cùng nhân dân địa phương đã lợp lại hàng chục nghìn ngôi nhà bị tốc mái do bão.

Tuyến tàu Đà Nẵng-Hà Nội hoạt động trở lại

Tổng cục Đường sắt Việt Nam cho biết, đến nay hầu hết sự cố trên tuyến đường sắt Hà Nội - Đà Nẵng đã cơ bản khắc phục xong, các vị trí bị ngập nước cũng đã rút, chỉ còn đoạn từ Vinh đi Thanh Hóa là chưa thể thông tàu được. Để phục vụ hành khách có nhu cầu đi tàu, cũng như giải phóng lượng khách bị kẹt trên đường sắt đoạn qua hai địa phương này, ngành Đường sắt đã tổ chức đưa ô-tô trung chuyển.

Tại ga Đà Nẵng, từ ngày 2-10 đã bán vé cho các đoàn tàu đi Hà Nội, khi đến ga Vinh sẽ có ô-tô trung chuyển đến ga Thanh Hóa, sau đó tiếp tục nối chuyến từ Thanh Hóa đi các tỉnh phía Bắc và ngược lại. Lãnh đạo ga Đà Nẵng cho biết, do trung chuyển khách đoạn Vinh-Thanh Hóa nên các tàu Thống Nhất về ga Đà Nẵng trễ hơn dự kiến từ 1 - 2 giờ.

Trong khi đó, các tuyến hàng không đi và đến Đà Nẵng đã trở lại bình thường từ ngày 1-10, trong ngày 2-10, có 10 chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh và 8 chuyến bay từ Hà Nội đến Đà Nẵng.

Thời tiết nguy hiểm trên Biển Đông

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ, do ảnh hưởng dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 12 - 14 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp trên khu vực giữa Biển Đông, từ sáng qua (2-10), xuất hiện vùng thời tiết nguy hiểm trên Biển Đông ở vào khoảng 12,5 - 13,5 độ vĩ Bắc, 110,5 - 111,5 độ kinh Đông. Vùng biển khu vực Trung Trung Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động. Trong cơn giông có lốc xoáy và gió giật mạnh.

Để chủ động đối phó với thời tiết nguy hiểm nêu trên, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng đề nghị: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài thông tin Duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết tin thời tiết nguy hiểm để chủ động phòng, tránh; quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với số tàu thuyền này, thường xuyên cung cấp tình hình về Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ 2.000m3/s

Ngày 2-10, mưa lớn cộng với việc thủy điện Đắk Mi 4 xã lũ khiến nhiều địa phương của huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) bị ngập lũ nặng và bị cô lập do sạt lở núi. Tuyến quốc lộ 14E nối quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh bị ngập sâu đoạn thuộc địa bàn xã Phước Hòa (Phước Sơn).

Trưa 2-10, ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, sau khi các xã Phước Hiệp và Phước Hòa bị ngập sâu, UBND huyện Phước Sơn yêu cầu thủy điện Đắk Mi 4 dừng ngay việc phát điện để giảm gây ngập lụt nhà dân. Khoảng 9 giờ ngày 2-10, thủy điện Đắk Mi 4 ngừng phát điện nên lượng nước về phía thượng nguồn sông Thu Bồn giảm. Trong khi đó, thủy điện Đắk Mi 4 đã mở 5 cửa xả lũ, đổ nước về sông Đắk Mi (thượng nguồn sông Vu Gia) với lưu lượng 2.000m3/s, trong khi nước về hồ là 2.300m3/s. Ông Phạm Thế Quyền cho biết thêm, mặc dù thời gian mưa ngắn nhưng nước lũ về rất nhanh và gây ngập nhiều nơi. Phải mấy chục năm qua mới có một trận ngập như thế này.

Trong khi đó, chiều 2-10, do trên địa bàn không có mưa nhưng nước sông lên rất nhanh nên người dân các xã Đại Hưng, Đại Lãnh (huyện Đại Lộc) loan tin đồn là vỡ đập thủy điện nên nước dâng nhanh. Chính vì vậy, nhiều hộ dân đã hốt hoảng lo sơ tán. Ngay sau đó, UBND huyện Đại Lộc và UBND các xã thông báo đến người dân để sớm ổn định. Đến tối 2-10, ông Nguyễn Khắc Xuyên, Bí thư xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc) cho biết, mặc dù không có mưa nhưng nước sông lên nhanh đang mấp mé ở khu chợ Hà Tân nên rất có thể, sáng nay (3-10) khu vực các xã Đại Hưng, Đại Lãnh sẽ bị ngập lụt.

THANH TUYỀN

N.C-T.S

;
.
.
.
.
.