.

Phải cắt bỏ "cái đuôi" của nhóm lợi ích

.

Sáng 1-11, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội. Nhiều đại biểu ghi nhận những kết quả đã đạt được của quá trình tái cơ cấu, góp phần thay đổi, ổn định nền kinh tế, song vẫn còn nhiều tồn tại.

 

Cần “bình mới, rượu mới”

Theo đại biểu Nguyễn Thị Khá, tiến độ tái cơ cấu DNNN còn chậm so với yêu cầu. Mặc dù trong những năm qua, DNNN đã giảm mạnh từ 12.000 xuống còn hơn 1.000 doanh nghiệp nhưng “với việc hình thành các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước với các công ty con, công ty cháu đã làm tỷ trọng GDP của khu vực này vẫn ở mức cao, chiếm 32%. Một số khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, thua lỗ, không bảo toàn được giá trị đầu tư ban đầu.

Đại biểu Khá cũng chỉ ra một trong những hạn chế trong cơ cấu kinh tế, trong ngành công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng thấp. 

“Cơ cấu kinh tế chưa phát huy tiềm năng khu vực kinh tế tư nhân. Trong kinh tế lao động, hiệu suất năng suất lao động Việt Nam thấp hơn với năng suất lao động các nước trong khu vực”, đại biểu Khá nhấn mạnh.

Theo bà Khá, những nguyên nhân chính của những hạn chế đó là tác động khủng hoảng kinh tế chung, trong chỉ đạo điều hành cũng chưa thực sự quyết liệt của một bộ phận người đứng đầu của các cơ quan chức năng và DNNN; chưa hiểu đúng ý nghĩa của việc cổ phần hóa và sắp xếp lại DNNN.

“Để quá trình tái cơ cấu kinh tế phải thực sự hơn, phải là “bình mới, rượu mới” thì đã đến lúc cần phải mạnh dạn cắt đi cái đuôi của nhóm lợi ích”, vị đại biểu Quốc hội kiến nghị.

“Nhưng không buông lỏng chức năng kiểm tra, giám sát việc phân bổ, sử dụng vốn; phải gắn kết giữa trách nhiệm và quyền hạn, tăng tính chủ động, tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Người đại diện vốn Nhà nước phải là ông chủ thực sự chứ không phải ông chủ hờ, thụ động, chờ đợi, đi xin kế hoạch, xin vốn”, đại biểu Khá thẳng thắn nói.

Bà Khá nhấn mạnh cần làm rõ những gì Nhà nước không cần chi phối nắm giữ. DNNN phải là cốt lõi chỉ huy nắm đầu ra để đảm bảo các sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Không nên tự động đầu tư từ đầu đến chân. 

“Cái gì xã hội làm được trong khi việc sản xuất công đoạn nào, công việc gì các thành phần kinh tế khác làm được ta huy động vào. Phải nâng cấp công nghệ, cải thiện, thay đổi hệ thống quản lý cần phải đào tạo và đào tạo lại cho phù hợp ngành nghề, chuyển dịch lao động theo hướng cao hơn, ai làm được thì giữ lại, ai không làm được thì cắt giảm”, đại biểu quốc hội tỉnh Trà Vinh bình luận. 

Bên cạnh đó, cần tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và cá nhân cũng như sự bình đẳng của DNNN, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân. 

Nhà nước phải đóng vai trò then chốt trong những vấn đề cơ bản, đó là ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng chính sách hiệu quả, tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Chính sách đưa ra nhiều, ai tiếp cận được, được đến đâu thì chưa ai đánh giá.

Không nên thoái cho được đầu tư ngoài ngành

Cùng quan điểm trên, đại biểu Thân Đức Nam, cũng cho rằng đối với việc tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước có thể áp dụng biện pháp thay đổi cán bộ nếu trì hoãn cổ phần hóa.

“Tuy nhiên để thực hiện mục tiêu này cần giải quyết 3 vấn đề, đó là: Đối với mô hình Tổng công ty thuộc diện nhà nước, kinh doanh theo Nghị quyết Trung ương 3, sau khi cổ phần hóa, thoái vốn 100%, không nên giữ lại cổ phần, tuy nhiên có thoái vốn theo lộ trình, không thể ngay một lúc. Cổ phần hóa nên thực hiện ở Tổng công ty, không nên làm riêng rẽ từng thành viên”, ông Nam bình luận.

Cũng theo ông Nam, quá trình tái cơ cấu cần phải xây dựng mô hình quản lý nhà nước đối với các DNNN còn lại sau khi cổ phần hóa. Sắp xếp thành lập mới doanh nghiệp sau này phù hợp với lĩnh vực nhà nước đầu tư thành lập. 

Ông Nam đồng tình với kế hoạch sử dụng vốn nhà nước sau khi cổ phần hóa các doanh nghiệp theo tinh thần của kì họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII. Theo đó, Nhà nước không duy trì doanh nghiệp để kinh doanh kiếm lời nhưng phải đầu tư mới vào những lĩnh vực cần thiết cho nền kinh tế khi tư nhân không làm, đầu tư mang tính chất mở đường như công nghệ cao, cơ sở hạ tầng kinh tế biển, công nghiệp quốc phòng… và sử dụng nguồn vốn thu được từ cổ phần hóa để phục vụ cho mục tiêu phát triển nền kinh tế, tăng phúc lợi xã hội để phục vụ cho việc tái cơ cấu.

Tuy vậy, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng cổ phần hóa không cần chạy theo số lượng. Quan trọng hơn là phải tạo ra cơ chế để việc sử dụng, quản lý tài sản, vốn của Nhà nước hiệu quả hơn.

“Nếu chỉ chạy theo cổ phần hóa được bao nhiêu doanh nghiệp thì coi chừng thất thoát tài sản”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng chúng ta cần thay đổi cách quản trị, thay đổi  mô hình quản lý, tách bạch cơ quan quản lý với cơ quan đại diện vốn. Chẳng hạn Bộ Công thương không thể vừa là chủ sở hữu vừa ban hành chính sách. Cơ quan quản lý không thể chỉ lo cho DNNN mà còn phải lo cho nhiều thành phần khác. 

Tách bạch chỗ này thì mới đảm bảo cạnh tranh minh bạch rõ ràng, cơ quan quản lý mới đưa ra chính sách phù hợp cho mọi thành phần. 

Trong khi đó, đại biểu Đoàn Thị Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) cho rằng giải pháp là cần thay đổi quan điểm về sự bình đẳng của doanh nghiệp nhà nước với các thành phần kinh tế khác. 

Tức là không thể để DNNN chiếm ưu thế, ỷ lại vào bảo hộ của Nhà nước chiếm ưu thế so với khu vực khác. Có như vậy, DNNN mới phải cạnh tranh, vươn lên, có thế mới có động lực đổi mới. Đó là sự thay đổi nhận thức mà doanh nghiệp và bộ ngành quản lý phải có.

“Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp phải thay đổi về quản trị, tiếp cận quản trị hiện đại tiên tiến. Cụ thể hơn là tuyển chọn nhân sự lãnh đạo cấp cao và các nhân sự khác trong bộ máy quản lý. Không thể tuyển dụng theo kiểu quen biết phải theo cơ chế  thị trường có sàng lọc, tiêu chuẩn đòi hỏi cao hơn. Đầu vào tốt thì mới có sản phẩm ra tốt, quản trị tốt, quản trị vốn tốt. Từ đó mới có khả năng làm tăng hiệu quả hoạt động doanh nghiệp”, bà Trang bình luận. 

BizLIVE

;
.
.
.
.
.
.