.

Cải thiện môi trường đầu tư, phát triển doanh nghiệp

.

Ngày 10-6, đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Kinh tế Trung ương có buổi làm việc với Thường trực Thành ủy về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố và Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI).

Đồng chí Trương Quang Nghĩa trò chuyện với các hộ dân đã di dời nhà, giao đất cho nhánh trục I Tây Bắc. Ảnh: THANH SƠN
Đồng chí Trương Quang Nghĩa trò chuyện với các hộ dân đã di dời nhà, giao đất cho nhánh trục I Tây Bắc. Ảnh: THANH SƠN

Dự buổi làm việc có Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ; Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí; Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ; Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết.

Báo cáo của Thường trực Thành ủy cho biết, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, thành phố tập trung làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 và đã được Chính phủ phê duyệt; thường xuyên rà soát, cập nhật và khớp nối các đồ án quy hoạch cũng như hủy các dự án không khả thi. Lãnh đạo thành phố luôn thực hiện chủ trương công khai, minh bạch mọi quy hoạch để người dân, nhà đầu tư có thể nắm bắt được.

Trong giai đoạn 2012-2014, thành phố đã hoàn thành hàng loạt công trình giao thông trọng điểm; mạng lưới vận tải được đầu tư đáp ứng nhu cầu của xã hội. Hiện thành phố xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng giao thông quan trọng như mở rộng Cảng Tiên Sa (giai đoạn 2), Cảng Liên Chiểu theo hình thức PPP; hệ thống xe buýt nhanh BRT...

Bên cạnh đó, công tác xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và các tiện ích xã hội khác được đầu tư đồng bộ, cân đối giữa các khu vực trên địa bàn thành phố; tăng năng lực cung cấp nước sạch, xây dựng thêm nhà máy xử lý nước thải, tăng độ bao phủ cây xanh; triển khai Đề án “Xây dựng Đà Nẵng-Thành phố môi trường”...; mở rộng không gian đô thị về phía Tây, Tây Nam, Tây Bắc, tạo quỹ đất đáp ứng nhu cầu của người dân.

Về hạ tầng du lịch, thương mại và công nghệ thông tin, đến nay thành phố thu hút được 75 dự án du lịch đã và đang triển khai với tổng vốn đầu tư 8,7 tỷ USD; xây dựng nhiều trung tâm du lịch, vui chơi, giải trí tầm cỡ khu vực như khu du lịch Bà Nà-Suối Mơ, Công viên Châu Á, Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn... Hình thành mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị, sắp xếp nâng cấp lại hệ thống chợ truyền thống  bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân.

Đặc biệt, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) đã được đầu tư mạnh mẽ; các chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT của thành phố luôn ở tốp đầu cả nước. Thành phố hiện có 6 khu công nghiệp và đang tập trung xây dựng Khu công nghệ cao, bước đầu đã có một số nhà đầu tư đăng ký hoạt động.

Kết quả thực hiện Kết luận số 75-KL/TW, thành phố đã xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính-ngân hàng phân cấp quản lý riêng cho Đà Nẵng; xây dựng cơ chế hỗ trợ đặc thù đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng trình Chính phủ phê duyệt để làm cơ sở thu hút nhà đầu tư trong thời gian đến. Đặc biệt, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.

Ban hành Đề án phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Đề án tái cơ cấu kinh tế đến năm 2020... và nhiều đề án khác để giúp doanh nghiệp đầu tư công nghệ nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; ban hành nhiều chính sách hỗ trợ với các nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao, các đề án thu hút nhiều việc làm, phục hồi các sản phẩm truyền thống có thương hiệu...

Thành phố cấp vốn ủy thác cho Quỹ Đầu tư phát triển, thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Mặc dù vậy vẫn còn một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương chưa được phát huy hiệu quả; việc phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách chưa chặt chẽ, còn chồng chéo, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà.

Tiến độ giải ngân vốn vay từ Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Bảo lãnh tín dụng còn thấp. Nhiều doanh nghiệp của thành phố có quy mô nhỏ, chưa hình thành được nhóm mặt hàng chủ lực; thu hút đầu tư nước ngoài gần đây của thành phố còn thấp.

Về một số vấn đề liên quan, Bí thư Thành ủy Trần Thọ cho biết: Thời gian qua, bên cạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, thành phố cũng dành nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế biển. Tuy nhiên, chủ trương của thành phố là ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực du lịch, trong đó du lịch biển là then chốt. Vì vậy, trong thời gian qua thành phố đã quy hoạch sắp xếp cảng cá, khu công nghiệp chế biến thủy sản, nơi trú đậu thuyền về một khu vực nhằm tránh ảnh hưởng đến du lịch biển. Mặc dù vậy, thành phố cũng rất quan tâm và tạo mọi điều kiện cho ngư dân tiếp cận các nguồn vốn vay cải tạo, nâng cấp hoặc đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi vừa đánh bắt thủy sản vừa bám biển bảo vệ ngư trường.

Công tác đầu tư xây dựng các hạng mục công trình trung  hạn theo chỉ đạo của Trung ương cũng được thành phố quan tâm thông qua việc xây dựng danh mục các hạng mục trọng điểm của thành phố, trên cơ sở đó có sự theo dõi, quản lý bảo đảm được tiến độ và chất lượng. Với các công trình được xây dựng theo hình thức BT hoặc BOT, thành phố chủ trương hạn chế, thay vào đó là hình thức sử dụng vốn ngân sách, đổi đất lấy cơ sở hạ tầng. Về chính sách thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao, thành phố sẽ ưu tiên lựa chọn những nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc với điều kiện hiệu quả kinh tế mang lại cao, hàm lượng chất xám trong sản phẩm cao…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Quang Nghĩa đánh giá cao những nỗ lực, những quyết sách rất sáng tạo và cũng rất quyết liệt của lãnh đạo thành phố, nhờ vậy Đà Nẵng đã thực hiện rất tốt các nội dung  Nghị quyết 13-NQ/TW và Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị. Đà Nẵng nổi lên là một địa phương năng động, với nhiều cách làm sáng tạo, nhất là tạo môi trường rất thuận lợi cho các nhà đầu tư là một ưu điểm mà thành phố cần tiếp tục phát huy.

Đặc biệt, thời gian qua, thành phố có sáng kiến xây dựng chủ đề cho từng năm như “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng-2014”, “Năm văn hóa, văn minh đô thị-2015”, cùng với đó là chương trình hành động rất cụ thể, nhờ vậy luôn đem lại kết quả cao, được người dân đồng thuận ủng hộ.

Đồng chí cũng ủng hộ quan điểm của thành phố trong việc chọn du lịch biển là thế mạnh của du lịch thành phố, vì vậy việc bố trí sắp xếp lại hạ tầng cho ngành đánh bắt, chế biến thủy hải sản với quy mô vừa phải là hợp lý. Trong thời gian đến, đồng chí đề nghị thành phố tiếp tục phát huy những mặt tích cực, giữ vững là địa phương có môi trường đầu tư tốt, có những sáng kiến mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

* Trước đó, đồng chí Trương Quang Nghĩa đi thăm và kiểm tra tiến độ công trình Trục I Tây Bắc và Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Tại đây, đồng chí đã biểu dương cách làm của Đà Nẵng trong công tác giải phóng mặt bằng với chính sách tái định cư tại chỗ nên được người dân ủng hộ. Riêng với Khu công nghệ cao, việc tiếp thị nhà đầu tư bằng cách nhờ chính các nhà đầu tư  nước ngoài ở Đà Nẵng giới thiệu lại cho các đồng nghiệp là cách làm rất sáng tạo cần phát huy trong thời gian đến.

T.S

;
.
.
.
.
.