Chính trị - Xã hội

Nhớ thời máy đánh chữ

08:15, 20/06/2015 (GMT+7)

Nếu ai có dịp vào Phòng Tòa soạn Báo Đà Nẵng, để ý, sẽ thấy bàn phím máy vi tính của các chị bộ phận đánh máy mờ, mòn hết các mặt chữ. Có lẽ, dù phóng viên có được hiện đại hóa tới bao nhiêu, thì nghề đánh máy vẫn tồn tại khiêm nhường theo cách riêng của nó.

U
Nhân viên đánh máy Ngọc Duyên và CTV Nguyễn Đình An. Ảnh: M.TRÍ

Đánh máy kiêm “ngẫm chữ”

Về công tác tại Báo Đà Nẵng từ những năm 1976, chị Nguyễn Khoa Diệu Mỹ (nay đã nghỉ hưu) là người đánh máy kỳ cựu, vắt qua cả thời thủ công lẫn thời hiện đại. Ở chị, có sự chiêm nghiệm rất sâu sắc về nghề đánh máy chữ xưa và nay.

Chị kể, việc đánh máy ngày xưa được thực hiện bằng cách đặt 1 đến 3 tờ giấy than xen kẽ vào giữa các lớp giấy, sau đó dùng máy đánh chữ để ghi lên bản chính và từ đó in hằn lên các bản sao. Những bản sao để phía dưới bản chính càng xa thì càng mờ dần và khó nhìn. Vì vậy, muốn bản cuối cùng được rõ chữ, đòi hỏi mười đầu ngón tay của người đánh máy phải gõ mạnh xuống bàn phím. Tối về, 10 đầu ngón tay và hai bả vai của chị và đồng nghiệp Phạm Thị Ngọc Duyên mỏi nhừ.

Ngày trước, nhân viên đánh máy ôm rất nhiều việc của cơ quan, trong đó có cả văn thư. Công việc hằng ngày, ngoài đánh máy tin, bài còn đánh máy cả công văn. Không như máy tính có thể đánh máy và lưu hàng trăm bản, đánh máy thủ công chỉ có thể đánh tối đa từ 3-5 bản. Nhiều hôm đánh 3 bản công văn rồi mà sếp yêu cầu thêm bản khác là phải đánh lại từ đầu.

Khối lượng công việc nhiều, nên việc đánh sai, đánh mất chữ, mất dòng không phải là chuyện hiếm. Nhắc lại chuyện này, chị Diệu Mỹ vẫn tưởng như nó mới xảy ra hôm qua. Một đồng nghiệp của chị khi đánh máy đoạn tin bài “Ông A thấy đau nhức trong hốc mũi 2 ngày nay, khi đến trạm y tế xã thì bác sĩ phát hiện, trong mũi ông có hai con đỉa”. Tai hại làm sao khi đánh từ “đỉa” chị ấy đã đánh rơi mất chữ… “a”. May mắn là bộ phận đọc dò đã phát hiện kịp thời. Dư âm câu chuyện này vẫn thường được nhắc lại mỗi khi chị em đánh máy ngày cũ gặp nhau.

Ngoài việc đánh sai chữ, bộ phận đánh máy còn đau đầu khi đối phó với “nạn” viết chữ khó đọc của phóng viên. Ngày xưa, mỗi phóng viên đều gửi bài bằng bản viết tay. Mỗi người mỗi nét chữ. Nhiều bài của phóng viên khiến người đánh máy phải vừa đọc vừa “ngẫm” chữ. “Có lẽ, nhờ thường xuyên đánh máy tin, bài của phóng viên mà hầu như tôi thuộc làu nét chữ của từng người. Trong đời, tôi chưa thấy ai viết chữ khó đọc của các tác giả như Nguyễn Đình An, Tạ Xuân Linh, Lê Nguyên Khôi và Lê Quang Á. Một người thì chữ như hàng rào kẽm gai giăng mắc từ bên này qua bên kia, một người thì chữ như điện tâm đồ, lên xuống”, chị Mỹ cười.

Bên cạnh việc vắt óc ngẫm chữ, người đánh máy cũng phải căng mắt ra phân biệt đâu là câu chữ ban đầu của phóng viên, đâu là câu chữ đã được các Trưởng phòng, Thư ký tòa soạn biên tập. Mỗi bản bị biên tập nhiều thường có 3, 4 màu mực, chằng chịt những dấu gạch bỏ, dấu móc lên, móc xuống để bổ sung câu từ. Gặp những bản biên tập của Nguyễn Đình Xê hay Phan Tấn Tu là bộ phận đánh máy “ôm đầu” vì hai người này biên tập rất kỹ, đồng nghĩa với việc tờ giấy chằng chịt ký tự. Nếu không phải người trong nghề có lẽ không thể dịch ra.  

“Lạc hậu cũng có cái hay”

Từ khi đồng chí Ngô Quy Nhơn về làm Tổng Biên tập (1992), đến năm 1994, cơ quan đã thay đổi quy trình bài vở, chuyển từ thủ công sang máy móc. Từ đây, bộ phận đánh máy được “giải phóng sức lao động”, không còn gồng mình lên đánh chữ như xưa nữa mà tất cả đều dùng máy tính. Tuy nhiên, giá một máy tính thời đó khá cao, nên phóng viên vẫn phải viết tay. Đến cuối năm 1995, phóng viên P.H.P (Phòng Quảng Nam-Đà Nẵng Chủ nhật) là người đầu tiên thay bản viết tay bằng bản vi tính trên giấy A4 trắng tinh. Mấy chị em đánh máy cầm bản thảo sạch sẽ tần ngần ngắm nghía. Sau này, anh Phan Tấn Tu mới kể: “Tại cái tờ giấy trắng quá, sạch sẽ quá, nên khi biên tập, không nỡ gạch lên bút xanh bút đỏ!”. Sau này mới được biết, để mua được cái máy tính và máy in kim, vợ chồng chị đã vay ngân hàng 15 triệu đồng, trả dần suốt 3 năm… Thế mà hồi đó, mấy chị em đánh máy cứ ngỡ phóng viên có máy tính là “đại gia”!

 Ngỡ như việc áp dụng CNTT sẽ khiến bộ phận đánh máy “rũ” bớt gánh nặng, thế nhưng theo chị Phạm Thị Ngọc Duyên (về báo năm 1990 và làm công việc đánh máy đến tận bây giờ), máy móc có lợi thế của máy móc nhưng thời kỳ lạc hậu ngày xưa vẫn đọng lại trong lòng chị cái đẹp riêng. Mỗi khi cầm bài viết của phóng viên trên tay là chị biết ngay đó là bài của ai, trong đầu chị hiện lên tính cách, “hình dong” người phóng viên đó, thấy dâng lên trong lòng một niềm thân thiết. Mỗi lần đánh máy, phải đọc thật chậm, thật kỹ nên người đánh máy phải toàn tâm, toàn ý vào bài viết, từ đó lặng người, xúc động theo từng câu chữ của phóng viên. Từ khi máy tính thay thế, chị ít nhiều cảm nhận bài viết không còn cái hồn, sức sống như ngày xưa nữa.

Thêm vào đó, người đánh máy ngày xưa rất chủ động trong công việc và không lệ thuộc vào thiết bị như bây giờ. Nếu thời bây giờ đang làm việc mà cúp điện thì bộ phận đánh máy không “rục rịch” gì được, nhưng ngày trước, dù cúp điện thì người đánh máy chỉ cần đem máy ra sát cửa sổ hứng nắng làm việc tiếp, bài vở vẫn chạy ro ro mà không bị động.

Hiện nay, khi vi tính đã được sử dụng hầu như 100% thì bộ phận đánh máy chỉ còn lại hai người là chị Phạm Thị Ngọc Duyên và Đoàn Thị Hoa (về công tác tại báo năm 2001). Công việc hằng ngày của các chị không còn đánh máy tin, bài của phóng viên nhiều như trước nữa mà đánh máy tin quảng cáo, bài vở của cộng tác viên.

Đôi khi, có những cộng tác viên như gợi lại thời xa vắng bằng những bản viết tay dài cả chục trang đầy chăm chút. Ông Nguyễn Đình An, một cộng tác viên đắc lực, thân thiết của Báo Đà Nẵng nhiều năm qua đã ngoài tuổi 80, nhưng ông vẫn thường đem bài lên tòa soạn nhờ đánh hộ. “Trước đây, mỗi khi cầm bản viết tay của bác An là chúng tôi rất… sợ, đọc trầy trật mãi không ra. Sau này, bác thấy chị em vất vả quá, nên đưa bài lên là ngồi bên cạnh đọc giúp luôn. Mỗi lần như vậy, tôi lại nhớ tiếng “cóc cách” của chiếc  máy chữ ngày xưa”, chị Ngọc Duyên nói.

THÀNH VÕ

.