.

Lắng nghe, giải quyết nguyện vọng cử tri

.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố khóa VIII, cử tri thành phố đề đạt và mong mỏi thành phố nhanh chóng giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan đến cuộc sống dân sinh nhằm tạo niềm tin mới vào các cấp chính quyền thành phố.

Cần cây xanh cho những phố chuyên doanh

Cử tri đồng tình và hưởng ứng tích cực việc triển khai thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” của thành phố, tuy nhiên vấn đề mấu chốt để tạo chuyển biến là các chế tài xử phạt các nhóm vi phạm vẫn chưa triển khai nghiêm túc. Các quảng cáo trái phép nội dung: khoan giếng, khoan cắt bê-tông, hút hầm cầu, dạy kèm trên tường, trụ điện… chưa xử phạt nghiêm túc.

Vì vậy, cử tri Mai Hùng (quận Ngũ Hành Sơn) đề nghị thành phố cần kiểm tra, giám sát, xử phạt các hành vi vi phạm ở cơ sở. Cử tri Đoàn Xuân Văn (quận Hải Châu) phản ánh, việc người dân rải vàng mã trên đường đưa tang gây mất mỹ quan đô thị. Không ít người dân đốt vàng mã trong các lễ, cúng không theo quy định (phải có thùng đốt) nhưng chưa được nhắc nhở, chấn chỉnh.

Đặc biệt, việc thực hiện tháo dỡ mái hiên di động tại trước cửa nhà dân chưa được triển khai đồng bộ ở các tuyến đường cũng như chưa có giải pháp thay thế mái hiên di động cho hợp lý và đảm bảo mỹ quan đô thị.

Cử tri Nguyễn Văn Tiến ở đường Lê Duẩn cho biết, việc dẹp mái che di động sẽ tạo cảnh quan đẹp hơn cho tuyến đường, tuy nhiên, bất cập xuất hiện là thời tiết nắng nóng nhưng không có mái che ảnh hưởng đến kinh doanh và chất lượng hàng hóa của các hộ dân.

Cử tri Huỳnh Bá Mai lo lắng, từ ngày vận động tháo dỡ dù bạt, mái che, có thể thấy các con đường trung tâm rất thoáng đãng, hiện đại như: Trần Phú, Bạch Đằng, Lê Duẩn. Tuy nhiên, nắng nóng gay gắt thì mới thấy nhiều cảnh không đẹp mắt khi người dân làm đủ cách: che cửa hàng bằng rèm, màn và cả bằng mền; đậy xe bằng áo mưa, bìa carton…, trông rất nhếch nhác.

Tháo dỡ mái che để trả lại bộ mặt mỹ quan thành phố nhưng lại để xuất hiện tình trạng che nắng, che mưa bằng nhiều hình thức nhếch nhác cũng chính là làm mất mỹ quan, gây phản cảm cho người dân và du khách.

Người dân sống trên đường Lê Duẩn kiến nghị, con đường này không có cây xanh che mát, trong khi vào mùa hè thì trời nắng gắt, gây nhiều phiền toái trong buôn bán, sinh hoạt. Đây là vấn đề thành phố cần nghiên cứu sớm.

Nên bỏ thu phí đường bộ

Quy định thu phí đường bộ trong thời gian qua khiến nhiều cử tri bức xúc bởi bộc lộ những bất cập, nhất là đối với gia đình nhiều xe máy phải đóng khoản phí lớn.

Hiện nay, Nhà nước có chủ trương thu phí bảo trì đường bộ và đã triển khai thu trong nhân dân, thực tế trong quá trình thu có nơi nộp, nơi không, người nộp, người không nộp, rất không công bằng nhưng chưa có chế tài nào xử lý việc này, để đảm bảo ai cũng có nghĩa vụ như nhau.

Cử tri đề nghị lãnh đạo thành phố và ngành chức năng xem xét quy định cụ thể. Cử tri Nguyễn Văn Sơn (quận Hải Châu) nêu, có thông tin cho rằng, việc thu hay không thu phí bảo trì đường bộ sẽ do HĐND tỉnh, thành phố quyết định.

Nếu đúng như vậy, ông đề nghị trong kỳ họp này, HĐND thành phố nên ra quyết định bỏ thu phí bảo trì đường bộ. Theo cử tri Sơn, thực chất việc thu phí bảo trì đường bộ hiện nay gặp nhiều rắc rối từ cơ sở, người đi thu phí phải đi lại nhiều lần, có người nộp, có người không nộp.

Cử tri Võ Khắc Mai, quận Sơn Trà đề nghị cần phải trả lời dứt khoát, đừng để sự việc kéo dài, cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Cử tri các quận của thành phố bày tỏ lo ngại đối với những bất cập trong việc thực hiện thu phí đường bộ, chưa có chế tài xử phạt, do đó gây ra mất công bằng giữa người nộp và người không nộp.

Ô nhiễm, ngập úng, đường xuống cấp

Cử tri quận Thanh Khê kiến nghị, hệ thống xử lý nước thải trên sông Phú Lộc bốc mùi hôi rất nặng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân sống xung quanh và ô nhiễm bãi tắm biển tại khu vực này.

Cử tri đề nghị UBND thành phố sớm có biện pháp để giải quyết triệt để, tạo điều kiện để người dân trong khu vực yên tâm với môi trường sống…

Được biết, hiện tại, sông Phú Lộc bị ô nhiễm mùi do nước thải lưu vực Yên Thế - Bắc Sơn, Khe Cạn, tuyến cống Ba Huấn, khu vực cầu Đa Cô, tuyến cống đoạn đầu hồ Bàu Sấu chưa có hệ thống thu gom về Trạm xử lý nước thải Phú Lộc; cửa xả của sông bị bồi lấp ảnh hưởng đến dòng chảy của sông, làm nước tù đọng gây phát sinh mùi hôi.

Để giải quyết dứt điểm mùi hôi và chất lượng nước thải đầu ra Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, HĐND thành phố đã đưa công trình nâng cấp, cải tạo, đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải Phú Lộc và cải tạo môi trường kênh thoát nước Phú Lộc vào nhóm 11 công trình trọng điểm của thành phố năm 2015.

Tuy nhiên, việc chậm triển khai dự án vốn là điểm nóng ô nhiễm môi trường nhiều năm nay khiến người dân bức xúc.

Cử tri các quận Thanh Khê và Liên Chiểu đề nghị cần nâng cấp tuyến đường Nguyễn Tất Thành hiện đã xuống cấp, đồng thời trang bị các biển báo an toàn giao thông tại một số tuyến đường kiệt, hẻm nhằm bảo đảm an toàn giao thông và an ninh trật tự cho khu dân cư.

Cử tri Mai Ngọc Sương (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) bày tỏ bức xúc khi đã nhiều lần kiến nghị đại biểu HĐND thành phố về vấn đề 3 tuyến đường Nguyên Hồng, Nguyễn Biểu, Thân Nhân Trung không có hệ thống cống thoát nước, hệ thống cống trên đường Huỳnh Ngọc Huệ thì bị bùn lầy che lấp dẫn đến tình trạng hôi thối khi trời nắng nóng, ứ đọng nước khi trời mưa làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân xung quanh.

Xử lý cá nhân, doanh nghiệp báo cáo đất tái định cư chưa chính xác

Từ năm 2011 đến tháng 10-2014, thành phố phải chi hàng chục tỷ đồng cho các hộ thuộc diện nợ đất tái định cư để trả tiền thuê nhà; trong khi đất thì bỏ trống. Đây là điều gây bức xúc. Từ cuối năm 2014, sau khi lãnh đạo thành phố rà soát tất cả dự án bố trí tái định cư trên địa bàn thành phố thì phát hiện hơn 17.000 lô đất còn thừa.

Cử tri đề nghị lãnh đạo thành phố cần xử lý nghiêm khắc vì vụ việc “báo cáo chưa chính xác” gây thiệt hại về tài chính và uy tín vì thành phố phải bỏ tiền để thuê nhà cho người dân nợ đất tái định cư, trong khi đó, người dân thì nóng lòng có đất để sớm xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống mới.

Cử tri Phạm Đăng Học (quận Sơn Trà) đề nghị phải làm rõ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm; công khai hình thức kỷ luật để cử tri được biết. “Do thiếu trách nhiệm, báo cáo không kịp thời và chưa chính xác nên từ trước năm 2014, mỗi năm thành phố phải bỏ số tiền hàng tỷ đồng để thuê nhà ở cho người dân tái định cư, số tiền này ai phải chịu trách nhiệm?”, ông Học bức xúc.

Một số cử tri quận Hải Châu bày tỏ, thành phố đã và đang chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ chương trình “5 xây”, “3 chống” trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Cử tri đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng trả lời công khai về kết quả xử lý những người vi phạm và gây thiệt hại về ngân sách.

Hầu như tại các điểm tiếp xúc, cử tri đều đề nghị lãnh đạo thành phố phải làm rõ trách nhiệm của các ban quản lý dự án, xử lý kiên quyết những cán bộ, công chức làm trái với chủ trương của thành phố, để xảy ra tình trạng “dân chờ đất, đất chờ dân” trong khi hằng năm thành phố phải chi ngân sách hàng chục tỷ đồng cho các hộ dân giải tỏa thuê nhà ở chờ bố trí đất tái định cư, gây thất thoát, lãng phí tiền của nhân dân.

Đồng thuận khi Bệnh viện Ung thư chuyển sang công lập

Sau phản ánh của một số cơ quan báo chí về những khó khăn trong quản lý, vận hành Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng thời gian gần đây, hầu hết cử tri các quận, huyện đều bày tỏ sự ủng hộ khi Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng chuyển từ hình thức quản lý hiện nay sang bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế thành phố. Cử tri Lê Văn Phước (huyện Hòa Vang) mong muốn Bệnh viện Ung thư tiếp tục thực hiện chính sách nhân văn là cứu chữa cho bệnh nhân khó khăn.

Cử tri Vũ Tiến Dũng  (quận Sơn Trà) lý giải, kinh phí xây dựng Bệnh viện Ung thư phần lớn từ ngân sách Nhà nước, do vậy việc quản lý phải theo mô hình bệnh viện công lập là điều hoàn toàn hợp lý. Quan trọng là cần tiếp tục phát huy chính sách nhân văn, đặc biệt là sử dụng, khai thác hiệu quả hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại được trang bị tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng.  

Việt Dũng

;
.
.
.
.
.
.