.
Chuyện tổ, chuyện thôn

Tình làng nghĩa xóm

Bà Lê Thị Mai (ở tổ 52, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) không cầm được nước mắt, chỉ nghẹn ngào nói cảm ơn khi bất ngờ nhận được chiếc tủ đựng đồ từ tấm lòng của Chi hội Phụ nữ.

Câu chuyện Chi hội Phụ nữ khu dân cư (KDC) 34, 35 Mỹ Đa Đông, phường Mỹ An, góp nhặt phế liệu, bán lấy tiền, cộng với tiền hội viên đóng góp để mua cho bà Mai chiếc tủ đựng đồ được ông Võ Văn Kiềm, Bí thư Chi bộ KDC 34, 35 Mỹ Đa Đông kể lại làm ai cũng xúc động.

Bà Lê Thị Mai là hộ nghèo duy nhất trong 174 hộ của 5 tổ (52, 61, 63, 64, 65) KDC 34, 35 Mỹ Đa Đông. Bà làm nghề buôn bán rau xanh ở chợ, chồng chẳng may bị tai biến nằm một chỗ. Hai đứa con, đứa lớn học hết lớp 12 thì nghỉ, xin đi làm thêm để phụ gia đình; đứa nhỏ đang học lớp 9. “Tôi cũng bất ngờ với món quà của Chi hội Phụ nữ trao vào tối 18-10, nhân dịp chi hội tổ chức gặp mặt mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 cho bà Mai. Thật ý nghĩa, đầy tính nhân văn, thắm đượm tình làng, nghĩa xóm. Giữa thời buổi thị thành, đâu phải dễ duy trì được tình làng như vậy”, ông Võ Văn Kiềm chia sẻ.

Đó cũng là thành quả mà Chi bộ 34, 35 Mỹ Đa Đông gặt hái được từ việc thực hiện Chỉ thị 21 và Chỉ thị 43 của Thành ủy tại KDC. “Từ sự kết hợp các nhiệm vụ trọng tâm của tổ dân phố (Chỉ thị 21) và thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” (Chỉ thị 43), chúng tôi thành lập “tổ 43” riêng, rồi phân công cụ thể từng thành viên trong chi ủy cũng như ban công tác Mặt trận KDC, Chi hội Phụ nữ, tổ trưởng tổ dân phố, chi đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh… bám sát, theo dõi, phụ trách. Từ đó, chủ trương, chính sách từ cấp trên đi vào cuộc sống của người dân theo từng đặc điểm riêng của KDC”, ông Kiềm cho hay.

Sau khi thành lập, “tổ 43” đã phát động người dân đóng góp 15 triệu đồng, đặt 100 khung chắn cây xanh bằng bê-tông, ra quân đặt khung bảo vệ cây xanh với sự chung tay của toàn thể ban, đoàn thể trong KDC. Sau khi thực hiện rào khung chắn cây xanh, người dân nhận thấy việc làm đúng nghĩa, nâng mỹ quan đô thị, môi trường cho KDC lên rõ rệt nên rất phấn khởi. Không những thế, mỗi người dân đều tự ý thức nhặt rác ra khỏi khung bảo vệ cây xanh, bảo đảm mỹ quan đô thị, môi trường luôn được giữ gìn xanh - sạch - đẹp.

“Điều quan trọng là tạo thói quen tích cực cho người dân, thay đổi nhận thức của họ về việc bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị luôn được duy trì thường xuyên. Bên cạnh đó, bản thân tôi cũng thường xuyên đi kiểm tra, theo dõi, nhắc nhở việc thực hiện nói trên để người dân và các đồng chí phụ trách khu vực thấy được trách nhiệm cũng như tinh thần thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”.

Từ những việc làm bé nhỏ, từ “nhìn nhau” mà làm, đến nhắc nhở lẫn nhau đã tạo sự gắn kết giữa mọi người, tình cảm xóm giềng được nâng lên, mọi người sống biết quan tâm, chia sẻ lẫn nhau trong cuộc sống. Hành động của Chi hội Phụ nữ vừa qua tuy bất ngờ nhưng là điều tất yếu của quá trình xây dựng nếp sống văn hóa trong KDC chúng tôi”, ông Kiềm nói.

Ông Kiềm còn cho biết thêm, thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” chỉ là bước đệm ban đầu để duy trì đời sống văn hóa trong KDC lâu dài, bền vững, chứ không chỉ xong “Năm văn hóa” rồi thì không duy trì thực hiện nữa.

TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.