.
Để Đoàn gần thanh niên hơn

Bài 1: Chuyện giữ "lửa" trong thanh niên

.

Hoạt động Đoàn thanh niên hiện nay đã thực chất chưa khi nhiều năm Đoàn vẫn loay hoay tìm hướng đi mới? Làm sao để giữ lửa nhiệt huyết trong thanh niên? Đó là những vấn đề được đặt ra xung quanh việc thúc đẩy hoạt động của Đoàn thanh niên.

Sân chơi dân vũ là một nội dung hoạt động mới, tạo sự hứng khởi cho thanh niên.
Sân chơi dân vũ là một nội dung hoạt động mới, tạo sự hứng khởi cho thanh niên.

Không thể cứ mãi... dọn vệ sinh môi trường!

Chị Nguyễn Thu Hà (21 tuổi, quận Hải Châu) từng là đoàn viên hoạt động rất năng nổ của phong trào Đoàn tại địa phương nhưng vì “không tìm được điều gì mới mẻ” như Hà nói nên chị rời bỏ sân chơi này.

Chị Hà chia sẻ: “Ngoài tập trung sinh hoạt hát hò, phần lớn thời gian chúng tôi được phân công dọn vệ sinh, ít có thêm chương trình nào mới mẻ như mong muốn của thanh niên. Tôi không phủ nhận ý nghĩa của hoạt động ra quân dọn vệ sinh môi trường nhưng cứ phải làm trong thời gian dài nên thấy nhàm chán”.

Không riêng chị Hà mà khá nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) hiện nay tỏ ra không mấy mặn mà với hoạt động Đoàn - Hội với lý do tương tự, hoặc tham gia với tâm lý gượng ép. Nhiều cán bộ Đoàn tâm sự, không ít lần họ nhận được câu hỏi “Lại đi dọn vệ sinh nữa à?” nhưng không biết trả lời với ĐVTN như thế nào.

Nhìn lại phong trào thanh niên thành phố Đà Nẵng, quanh quẩn chỉ nổi bật vài hoạt động như: hiến máu tình nguyện; dọn vệ sinh môi trường; xóa quảng cáo, rao vặt trái phép... Các hoạt động chủ yếu tập trung từ tháng 3 đến giữa tháng 9.

Hoạt động định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ thanh niên lập thân - lập nghiệp của Đoàn tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn yếu và chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Trong khi đó, đầu tháng 12-2015, nhóm We Group gồm 20 sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Đà Nẵng đam mê hoạt động cộng đồng đã làm dự án “Vút bay” hỗ trợ định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 10 của 5 trường THPT.

Không những thành công, “Vút bay” còn lọt vào top 8 dự án có tính khả thi cao nhất của chương trình “Vườn ươm 100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng khóa 1”, do Trung tâm Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ Đà Nẵng tổ chức. Từ một dự án của một nhóm sinh viên, “Vút bay” hiện được thành phố đầu tư trở thành một doanh nghiệp xã hội độc lập.

Theo anh Phạm Đình Nam, Bí thư Quận Đoàn Sơn Trà, để Đoàn hoạt động đúng chất của thanh niên và vì thanh niên thì “Đoàn chỉ nên đảm nhận công việc, nhiệm vụ nào đó ở một thời điểm, một giai đoạn nhất định. Không nhất thiết thanh niên cứ phải ra quân dọn vệ sinh môi trường, xóa quảng cáo, rao vặt trái phép và hoạt động này cứ lặp lại từ năm này qua năm khác”. Anh Nam còn nhấn mạnh thêm: “Đoàn hiện nay ôm “sô” quá nhiều!”.

Nhiều nơi “trắng” chi đoàn

Mặc dù ở một số địa phương, thanh niên rất đông nhưng tình trạng khu dân cư (KDC) “trắng” chi đoàn không là cá biệt. Nhiều KDC dù nỗ lực kêu gọi, vận động thanh niên tham gia hoạt động Đoàn nhưng cũng chỉ có 3 thành viên nên không thể tồn tại chi đoàn.

Có nơi, 5-6 chi đoàn ghép với nhau để “nuôi” phong trào. Tuy vậy, đánh trống báo danh cũng không quá 15 người, sinh hoạt rất èo uột, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao, không có hoạt động riêng, không có bản sắc. Một Bí thư Đoàn phường tại quận Hải Châu từng nói nửa đùa nửa thật rằng, lực lượng chính của ĐVTN cơ sở mình “là đối tượng thất nghiệp”!

Theo anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Quận Đoàn Hải Châu, một trong những nguyên nhân khiến chi đoàn KDC khó “cầm cự” là do thanh niên thuộc nhóm có công ăn việc làm và đang đi học, lấy lý do đã sinh hoạt tại trường học, đơn vị, nên không thể dành thêm thời gian cho hoạt động Đoàn ở địa phương.

Em N.H.L (học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Hiền) cũng cho biết: “Em chưa hề tham gia hoạt động Đoàn. Lớp em chỉ có bí thư và lớp trưởng tham gia thôi”. Như vậy, để thu hút được những đối tượng còn lại, nhất là đối tượng thanh niên hư hỏng đến với Đoàn càng khó.

Toàn quận Thanh Khê có gần 30.000 thanh niên nhưng chỉ có gần 6.000 ĐVTN do Quận Đoàn quản lý. Năm 2015, Quận Đoàn chỉ có hơn 100 đoàn viên mới là đối tượng thanh niên thất nghiệp, thấp hơn rất nhiều lần so với con số thực tế. Nhưng nếu so ra, quận Thanh Khê còn khá hơn nhiều nơi bởi có địa phương đoàn viên mới thường là học sinh THCS, THPT - đối tượng “hiển nhiên” được kết nạp Đoàn.

Trong khi đó, tội phạm ngày càng trẻ hóa, thanh niên nghiện hút ngày một gia tăng. Theo báo cáo của Công an thành phố Đà Nẵng, năm 2015, trong 2.518 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy, có đến 91,5% thanh niên, người không có nghề nghiệp chiếm 75,8%, số dưới 18 tuổi có 84 trường hợp (tăng 40%), học sinh - sinh viên có 32 trường hợp (giảm 8,5%).

Để cải thiện tình trạng KDC “trắng” chi đoàn, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn Đà Nẵng Trần Vũ Duy Mẫn cũng chỉ có thể nói rằng: “Không phải khó khăn, mà là quá khó khăn!”.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.