.

Ấn tượng Nhật Bản

.

Trong cuộc đời làm báo của mình, có lẽ, một trong những kỷ niệm khó quên nhất đối với tôi, đó là chuyến công tác tại thành phố Sakai thuộc vùng Osaka của Nhật Bản vào tháng 10-2010 trong khuôn khổ Tuần lễ Sakai-ASEAN 2010, một chương trình hợp tác văn hóa - du lịch thường niên giữa 2 thành phố kết nghĩa Sakai và Đà Nẵng. Lần đầu tiên xuất ngoại, không chỉ là cảm giác ngỡ ngàng trước sự phát triển phồn thịnh của xứ sở Hoa Anh Đào, mà ấn tượng lớn nhất trong tôi chính là tính cách con người Nhật Bản; thể hiện qua ý thức bảo vệ môi trường và tính tự lập của người dân khi còn rất nhỏ.

Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, xin được chia sẻ chút kỷ niệm với nghề.

Tác giả tại Trường tiểu học YuYa, Sakai, Nhật Bản. 		      Ảnh: THANH PHONG
Tác giả tại Trường tiểu học YuYa, Sakai, Nhật Bản. Ảnh: THANH PHONG

Thành phố “xanh”

Đặt chân xuống sân bay Osaka và trên đường về khách sạn tại thành phố Sakai, cảm giác đầu tiên khiến chúng tôi choáng ngợp, đó là một thành phố quá sạch và đẹp. Một thành phố “xanh” đúng nghĩa, ngập tràn ánh nắng và cây xanh, không hề có rác thải dù chỉ một cọng lá, bao ni-lông, vũng nước… trên đường. Cũng không hề thấy bụi. Sau này, lúc rãnh rỗi, chị Thanh Bình (Phó Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng) nói vui với chúng tôi “Chị ở đây một tuần mà chẳng cần gội đầu gì cả…”.

Từ sáng đến khuya, trên đường phố Sakai, trong suốt lịch trình làm việc dày đặc, chúng tôi và các bạn đến từ 5 nước Đông Nam Á đều hết sức ngạc nhiên khi không hề nghe một tiếng còi xe. Tuyệt nhiên không thấy một chiếc xe gắn máy nào. Nhìn dòng ô-tô bình thản chạy trong làn đường của mình tạo cảm giác thanh bình ngay giữa lòng phố xá tấp nập. Vào giờ cao điểm, từng dãy ô-tô xếp hàng dài sau cột đèn giao thông. Khi đèn đỏ chuyển sang xanh, dòng xe bắt đầu chuyển động nhưng vẫn không có bất cứ tiếng còi hối thúc nào từ phía sau. 

Đáng ngạc nhiên nhất là ý thức bảo vệ môi trường của các em học sinh ngay từ lớp 1. Tại Trường tiểu học YuYa, thầy Furni Keiji, Hiệu trưởng dẫn chúng tôi đi thăm một số lớp. Đúng giờ ăn trưa. Tất cả các em đều ngồi ăn trật tự, không hề có tiếng ồn ào. Và tất cả đều ăn hết khẩu phần của mình, vét đến hạt cơm cuối cùng. Quan sát kỹ, chúng tôi thấy sau khi ăn xong, từng em một tự dọn dẹp rác và những đồ bỏ đi của mình. Đặc biệt, các em đều biết phân loại rác thải tại chỗ và bỏ vào đúng nơi quy định. “Lớp 1 mà đã có ý thức bảo vệ môi trường rất cao, ở bất cứ trường phổ thông nào trên cả nước cũng vậy và cái đó đã trở thành một trong những nét văn hóa đẹp đặc trưng của người Nhật Bản”, Nguyễn Thị Bích Vân và Nguyễn Thị Xuân Phương - những sinh viên khoa Tiếng Nhật, Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) cho chúng tôi biết.

Tính tự lập của trẻ em

Cũng tại Trường tiểu học YuYa, một điều khá thú vị là chúng tôi không hề thấy bóng dáng các bậc phụ huynh đưa đón con trong giờ cao điểm, một điều mà ở Việt Nam đã trở thành vấn đề bức xúc về giao thông. Thầy Furni Keiji cho chúng tôi biết thêm: “Các em học sinh ngay từ lớp 1 đã tự đi học bằng xe buýt đến trường, mặc dù có em nhà xa hàng chục cây số. Các em đã được nhà trường trang bị kỹ năng rất kỹ ngay từ khi mới bắt đầu vào trường để rèn luyện tính tự lập, phòng chống tai nạn rủi ro trong cuộc sống. Và điều quan trọng nữa là hệ thống giao thông cũng như an ninh ở Nhật Bản rất tốt”.

Và trong lớp học, các em cũng đã biết tự chăm lo cho mình từ việc ăn uống cho đến nghỉ ngơi. Hết giờ học, từng lớp xếp hàng trật tự xuống căng-tin nhận thức ăn và mang về lớp phân chia cho từng người. Ăn xong, từng em tự về chỗ quy định nghỉ trưa. Không hề ồn ào mà tất cả đã đi vào guồng máy một cách trật tự, tự nhiên.

Và còn rất nhiều điều ngạc nhiên khác không thể kể hết…

Đó là những cảm nhận của chúng tôi trong rất nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn diễn ra suốt Tuần lễ Sakai-ASEAN 2010 cũng như thăm thú khá nhiều danh thắng nổi tiếng, tiếp xúc với nhiều người dân xứ sở Hoa Anh Đào.

Mười ngày công tác ở thành phố Sakai Nhật Bản đã cho chúng tôi nhiều trải nghiệm thực tế. Cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á, lại có nhiều nét văn hóa tương đồng, song thành thực mà nói, chúng ta vẫn cần phải học hỏi Nhật Bản rất nhiều, ngay từ những việc nhỏ nhất. Trước tiên, đó là ý thức bảo vệ môi trường và tính tự lập của người dân. Sẽ không khó khăn gì nếu mỗi chúng ta đều có ý thức tự giác vì cộng đồng. 

Qua những thước phim phóng sự thực hiện được trong chuyến đi và cả những trải nghiệm thực tế tại Sakai, chúng tôi - những người làm báo càng thấy mình phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc tuyên truyền quảng bá những cái hay cái đẹp của đất nước và con người Nhật Bản nói riêng, và các quốc gia tiên tiến khác nói chung. Bỏ qua mặc cảm, tự ti, vận dụng những kinh nghiệm hay của nước bạn, và phải tự nỗ lực bứt phá, chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện được mơ ước về một Đà Nẵng - Thành phố môi trường trong tương lai không xa… 

THANH PHONG

;
.
.
.
.
.