.
Đà Nẵng-Quảng Nam: Liên kết, hợp tác cùng phát triển

Bài 2: Kết nối giao thông huyết mạch

.

“Kết quả đạt được về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông với nhiều công trình giao thông lớn hoàn thành và đưa vào sử dụng, đã góp phần tạo nên hệ thống giao thông huyết mạch, kết nối Đà Nẵng-Quảng Nam với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh về hiệu quả hợp tác hai bên trên cơ sở Kết luận 08-KL/TUĐN-TUQN ngày 1-11-2007 (gọi tắt Kết luận 08) của Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Nam.

Kết nối hạ tầng giao thông giữa Quảng Nam và Đà Nẵng góp phần thúc đẩy liên kết vùng và tạo cơ hội phát triển khu vực. TRONG ẢNH: Tuyến đường từ quận Ngũ Hành Sơn đến thành phố Hội An được nâng cấp tạo điều kiện để kinh tế du lịch ven biển phát triển nhanh.
Kết nối hạ tầng giao thông giữa Quảng Nam và Đà Nẵng góp phần thúc đẩy liên kết vùng và tạo cơ hội phát triển khu vực. TRONG ẢNH: Tuyến đường từ quận Ngũ Hành Sơn đến thành phố Hội An được nâng cấp tạo điều kiện để kinh tế du lịch ven biển phát triển nhanh.

Hình thành trục giao thông huyết mạch

Chia sẻ về kết quả hợp tác phát triển mạng lưới giao thông liên vùng, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, vốn từ một địa phương chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1997) nên quan hệ giữa Quảng Nam và Đà Nẵng có tính chất đặc biệt, gắn bó mật thiết và khắng khít. Do vậy, bám sát Kết luận 08, hai địa phương triển khai nhanh nhiều nội dung hợp tác, đạt được những thành tựu tích cực và quan trọng trên các lĩnh vực về kinh tế-xã hội, tạo mối liên kết, hỗ trợ hợp tác, phát triển lâu dài và bền vững.

Thời gian qua, Đà Nẵng và Quảng Nam đã phối hợp xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông liên tỉnh, kết nối khu vực và quốc tế, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ để phát triển thương mại, du lịch, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của hai địa phương. Hai bên cũng phối hợp nghiên cứu phát triển tuyến xe buýt công cộng BRT Đà Nẵng - Hội An (hiện Đà Nẵng đã triển khai đến Làng Đại học, giáp với tỉnh Quảng Nam).

Ngoài ra, Đà Nẵng phối hợp, hỗ trợ xây dựng đường Mai Đăng Chơn nối dài đến giáp khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam. Phía tỉnh Quảng Nam tiếp tục đầu tư nâng cấp, hoàn thiện tuyến đường ĐT 605, đoạn xã Hòa Tiến-Điện Tiến để kết nối giao thông; sớm triển khai đầu tư, khớp nối hạ tầng tuyến cống thoát nước nối từ hạ lưu tuyến cống trên đường Lê Văn Hiến ra sông Cổ Cò. Các tuyến đường, công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng rút ngắn thời gian, khoảng cách giữa hai địa phương, tạo nên sự giao thương thuận lợi hơn. Đặc biệt, khi đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, với tổng chiều dài 139,52km hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2018 sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nhất là phát triển hạ tầng giao thông của Đà Nẵng và Quảng Nam.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu, có được những kết quả rất lớn về phát triển hạ tầng giao thông là do Đà Nẵng và Quảng Nam đã chủ động phối hợp và tích cực làm việc với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương để tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ đối với các đề án phát triển của hai địa phương và một số dự án, công trình trọng điểm.

Tiêu biểu như: các tuyến đường nối giữa Đà Nẵng và Hội An bao gồm đường Trường Sa và đường Võ Nguyên Giáp; đường Trần Đại Nghĩa và đường Trần Thủ Độ; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A; quốc lộ 14B; cảng Tiên Sa; khởi công xây dựng tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; nâng cấp Sân bay quốc tế Đà Nẵng - tuyến đường hàng không trọng điểm miền Trung, tuyến đường du lịch ven biển, cầu Cửa Đại… Các tuyến đường, công trình trên đã tạo điều kiện và cơ hội để hai địa phương tiếp tục hợp tác, phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.

Phát triển giao thông khu vực và quốc tế

Dẫu kết quả đạt được rất quan trọng nhưng theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam Lê Phước Hoài Bảo, vẫn còn một số nội dung hai địa phương cần tiếp tục triển khai và tìm giải pháp xử lý hiệu quả như: việc khơi thông sông Cổ Cò chưa hoàn thành; một số tuyến đường do Trung ương triển khai còn chậm; đến nay, vẫn chưa đặt tên tuyến đường Đà Nẵng-Quảng Nam để đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân hai địa phương.

Để liên kết vùng mang lại lợi ích cho nhiều địa phương thì hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là Tuyến hành lang Kinh tế Đông Tây 2 cần sớm thông suốt. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng Trần Văn Sơn cho biết, việc nâng cấp cảng Tiên Sa giai đoạn 2 và sắp đến xây dựng mới cảng Liên Chiểu sẽ góp phần giải quyết khối lượng hàng hóa luân chuyển ngày càng lớn của các nước trong khu vực. Trong đó, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng chắc chắn sẽ có nhiều lợi ích phát triển thương mại, vận tải, du lịch…

Về những nội dung hợp tác thời gian đến, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết, hai địa phương sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ phát triển trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch giao thông vận tải (các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, sân bay, cảng...) kết nối giữa hai địa phương.

Để tranh thủ sự đầu tư vốn của Trung ương, hai bên thống nhất kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án: Nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 14B, đoạn Túy Loan - cầu Hà Nha thuộc tuyến đường Túy Loan - Thạnh Mỹ từ 2 làn xe thành 4 làn xe; nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 14D thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây 2 đạt tiêu chuẩn đường từ cấp 3 đến cấp 4, quy mô 2 làn xe, chiều dài toàn tuyến 74,4km; nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 14G, đoạn Túy Loan - thị trấn Prao, quy mô 2 làn xe. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam sớm nghiên cứu xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, giáp với biên giới Việt-Lào, qua đó đẩy mạnh khai thác du lịch  đường bộ sang các nước Lào, Thái Lan, Myanmar và phát triển vận tải cấp khu vực.

Bài và ảnh: Việt Dũng

;
.
.
.
.
.