.

Nỗ lực xóa bỏ định kiến giới

.

Gia đình phát triển bền vững không chỉ là niềm hạnh phúc cho mỗi người, mỗi nhà mà còn là nhân tố quan trọng góp phần giữ gìn sự phát triển lành mạnh, an toàn của xã hội và sự ổn định dân số của mỗi quốc gia.

Thi nấu ăn “Khi mẹ vào ca” dành cho nam giới, nằm trong chuỗi hoạt động của “Ngày hội tự hào công nhân Việt Nam” được tổ chức tại Khu công nghiệp Hòa Khánh. Ảnh: Minh Tuấn
Thi nấu ăn “Khi mẹ vào ca” dành cho nam giới, nằm trong chuỗi hoạt động của “Ngày hội tự hào công nhân Việt Nam” được tổ chức tại Khu công nghiệp Hòa Khánh. Ảnh: Minh Tuấn

Đảng và Nhà nước ta luôn đánh giá cao vai trò và tầm quan trọng của vấn đề bình đẳng giới (BĐG) và công tác gia đình; coi đây là một yếu tố để nâng cao khả năng tăng trưởng của quốc gia, xóa đói giảm nghèo, quản lý Nhà nước có hiệu quả và là một trong những mục tiêu của quá trình phát triển đất nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều giá trị mới được tiếp thu, một số giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam đang mất đi trong khi những định kiến lạc hậu trong gia đình vẫn tồn tại. Nhìn từ góc độ xây dựng hạnh phúc gia đình vấn đề giới, bất BĐG là nguồn gốc cơ bản dẫn đến những mâu thuẫn trong các mối quan hệ gia đình. Những nhu cầu, lợi ích cá nhân về mặt kinh tế, tình cảm không được đáp ứng trong hôn nhân, những định kiến, sự thiên lệch về BĐG không những làm tổn hại đến con cái, thế hệ tương lai, sự chênh lệch giữa nam - nữ trong gia đình và ngoài xã hội mà còn kéo theo hậu quả tiêu cực về mặt xã hội, hạnh phúc gia đình bị lung lay.

Bên cạnh đó, một số người trong xã hội hiện nay vẫn còn thể hiện thái độ không chấp nhận vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, rằng công việc nội trợ là thiên chức của phụ nữ, vì vậy, phụ nữ cho dù có tham gia các hoạt động xã hội, làm kinh tế… thì bản thân vẫn phải là người đảm nhiệm, gánh vác công việc trong gia đình như chăm sóc con nhỏ, người già, người đau ốm, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, đi chợ, nấu ăn... Hệ quả, phụ nữ luôn cảm thấy quá áp lực, không đủ sức để gánh vác mọi việc trong gia đình, vai trò của mình bị xem nhẹ… Hay quan niệm về vai trò là người “nối dõi”, sự kỳ vọng vào vai trò “trụ cột” của nam giới; tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”… tồn tại dai dẳng gây áp lực lớn cho người đàn ông, không ít người cảm thấy bất lực, rơi vào tình trạng nghiện rượu, hành hạ vợ con, ly hôn.

Không chỉ nam giới mà ngay chính bản thân nhiều phụ nữ cũng hiểu biết mơ hồ, từ đó có những thái độ lệch lạc và không thể có cách giải quyết đúng đắn các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, hạnh phúc gia đình, có liên quan đến vai trò, vị trí về giới của mình, dẫn đến tình trạng ly thân, ly hôn, ngoại tình, bạo hành gia đình… ngày càng gia tăng. Nhiều chị chia sẻ, công việc ở ngoài xã hội khá áp lực, thế nhưng bao nhiêu năm vẫn một mình cáng đáng việc nhà từ cơm nước, dọn dẹp, giặt giũ đến dạy dỗ con cái, chồng không chia sẻ những vất vả này. Cùng với đó là tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn phổ biến.

Trong nhiều năm qua, công tác gia đình, công tác BĐG, đặc biệt các nội dung về xây dựng hạnh phúc gia đình đã được các cấp Công đoàn đặc biệt chú trọng, lồng ghép tổ chức dưới nhiều hình thức. Các hoạt động lớn như “Ngày hội công nhân”, “Tự hào công nhân Việt Nam” được tổ chức hằng năm trong các khu công nghiệp với nhiều nội dung sôi nổi như các trò chơi vận động, hoạt động tư vấn làm đẹp, cắt tóc, trang điểm miễn phí... nhằm giúp cho công nhân, lao động có kiến thức cơ bản để chăm sóc bản thân, thư giãn.

Hội thi “Bữa cơm gia đình ngày cuối tuần”, hội thi nấu ăn “Khi mẹ vào ca” và các hoạt động dành cho nam giới… nhằm động viên nam công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) chia sẻ công việc gia đình. Bên cạnh đó, các buổi tư vấn pháp luật, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ cũng được tổ chức thường xuyên như “Hạnh phúc gia đình - yêu thương và chia sẻ”, câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, câu lạc bộ “Nữ công gia chánh”... thu hút hàng chục ngàn CNVCLĐ tham gia.

Tuy nhiên, để có sự BĐG một cách thiết thực, một gia đình thật sự hạnh phúc bền vững, các cấp chính quyền, các ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí đặc biệt của gia đình, nhằm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật về hôn nhân gia đình, BĐG, phòng, chống bạo lực trong gia đình, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình. Đề cao trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng nhân cách cho mỗi thành viên trong gia đình nhằm hướng tới những phẩm chất của con người Việt Nam.

Xóa bỏ những định kiến về giới, thực hiện BĐG nói chung và BĐG trong gia đình nói riêng không phải chỉ vì phụ nữ, cũng không phải chỉ là vấn đề của phụ nữ mà còn là vì nam giới.

Minh Tuấn

;
.
.
.
.
.