.
Thực hiện đề án giảm nghèo

Giảm nghèo ở Thanh Khê Đông

.

Không chỉ sử dụng nguồn lực hiện có của địa phương, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê còn chú trọng công tác xã hội hóa trong hoạt động giảm nghèo. Nhờ vậy, đến cuối năm 2015, địa phương này giảm toàn bộ số hộ nghèo theo chuẩn thành phố, kết thúc chương trình giảm nghèo trước 2 năm.

Bà Lai (ở giữa) trong căn nhà được Hội Liên hiệp Phụ nữ Công an quận Thanh Khê hỗ trợ sửa chữa.
Bà Lai (ở giữa) trong căn nhà được Hội Liên hiệp Phụ nữ Công an quận Thanh Khê hỗ trợ sửa chữa.

Một mình nuôi con nên cuộc sống của bà Hà Thị Lai (52 tuổi, ở phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) gặp nhiều khó khăn. Bà Lai thức khuya, dậy sớm nấu cháo gánh đi bán kiếm đồng ra đồng vào nhưng cái nghèo cứ đeo bám. Trên cơ sở đề xuất của tổ dân phố, lãnh đạo phường Thanh Khê Đông huy động các nguồn lực giúp mẹ con bà Lai. Từ sự vận động của chính quyền địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Công an quận Thanh Khê hỗ trợ 10 triệu đồng giúp mẹ con bà Lai gia cố căn nhà dột nát. Bên cạnh đó, chị em trong Hội LHPN phường Thanh Khê Đông giúp bà 2 triệu đồng để mổ mắt và 1 triệu đồng mua thêm các vật dụng gia đình. “Nhờ địa phương hỗ trợ nên cuộc sống của mẹ con tôi mới bớt khó khăn hơn”, bà Lai tâm tình.

Với bà Huỳnh Thị Sơn (49 tuổi, phường Thanh Khê Đông), mặc dù có chồng nhưng đôi vai bà vẫn nặng trĩu nỗi lo cơm áo gạo tiền bởi chồng thường xuyên ốm đau. Bản thân bà làm đủ nghề từ rửa chén bát cho đến phụ hồ. Căn nhà ở bao năm giờ xuống cấp nghiêm trọng nhưng bà chẳng biết phải làm sao. Trước tình hình đó, lãnh đạo phường Thanh Khê Đông vận động một doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ cho gia đình bà Sơn 30 triệu đồng sửa chữa nhà. Ngoài ra, UBND quận Thanh Khê còn tặng thêm 3 triệu đồng làm vốn buôn bán nhỏ. “Có nằm mơ tui cũng không nghĩ mình có số tiền 30 triệu đồng sửa nhà. Có nhà cửa ổn định rồi, vợ chồng cố gắng làm lụng kiếm tiền chăm lo cuộc sống và thoát nghèo”, bà Sơn nói.

Ông Lê Hữu Khanh, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông cho biết, những nhiệm vụ trọng tâm về giảm nghèo được phường xác định là hỗ trợ phương tiện sinh kế và giải quyết việc làm. “Hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường và các hội, đoàn thể trên địa bàn đều nhận giúp đỡ các hộ nghèo, tổ chức đối thoại, nắm bắt nhu cầu thiết thực, qua đó tìm giải pháp, hướng dẫn các hộ cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Khanh cho biết.

Theo ông Khanh, vai trò của công tác xã hội hóa đối với công cuộc giảm nghèo là rất quan trọng. Một số mô hình xã hội hóa thu hút đông đảo các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài địa phương chung tay như : “Xây dựng nhà đại đoàn kết”, “Ngày vì người nghèo”, “Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo”, hỗ trợ vay vốn xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, mô hình tín dụng - tiết kiệm, hỗ trợ phương tiện sinh kế.

Ngoài ra, UBND phường thường xuyên vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tạo điều kiện giải quyết việc làm cho gần 50 lao động thời vụ thuộc diện hộ nghèo, hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nếu giai đoạn 2013-2017, phường Thanh Khê Đông có 264 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,8%/tổng số dân cư, trong đó có 22 hộ đặc biệt nghèo còn sức lao động nhóm 1 và 2, đến cuối năm 2015 phường giảm toàn bộ số hộ nghèo theo chuẩn của thành phố. Hiện phường có 171 hộ nghèo theo chuẩn mới, trong đó có 6 hộ không còn sức lao động.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đánh giá: “Khi nguồn lực địa phương còn hạn chế, kinh phí hạn hẹp thì việc huy động xã hội hóa giúp hộ nghèo là cách làm hay, cần được biểu dương”.

Bài và ảnh: HƯƠNG SEN

;
.
.
.
.
.