.

Chủ động ứng phó thiên tai

.

Những tháng cuối năm, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, trong đó có Đà Nẵng đang phải đối mặt với nhiều thiên tai nguy hiểm. Nguy cơ thiệt hại về người và tài sản sẽ rất lớn, nếu các ngành chức năng không chủ động ứng phó.

Trước mùa mưa bão, các đơn vị thi công công trình giao thông cần trả lại dòng chảy nguyên trạng cho các sông.
Trước mùa mưa bão, các đơn vị thi công công trình giao thông cần trả lại dòng chảy nguyên trạng cho các sông.

“Hiệp đồng” phòng, chống thiên tai

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, năm 2016 sẽ có 2-3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực này. Mùa mưa bão năm nay tại miền Trung chủ yếu diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11 và có khả năng kết thúc sớm hơn mọi năm. Dự báo trong những tháng cuối năm, khả năng xảy ra từ 4-6 đợt mưa lớn trên diện rộng. Lũ ở miền Trung có thể bắt đầu từ giữa tháng 9 và kết thúc vào đầu tháng 12, nhưng tập trung chủ yếu vào tháng 10 và 11, đỉnh lũ cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn đỉnh lũ năm 2015.

Trước thực trạng đó, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thành phố cho biết, với những diễn biến phức tạp của thời tiết như dự báo, thành phố Đà Nẵng luôn đặt công tác phòng, chống bão lụt lên hàng đầu. Từ đầu năm, UBND thành phố đã có chỉ thị về công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai; đồng thời kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; rà soát các phương án về phòng, chống bão lũ, trong đó lấy phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) để chỉ đạo phòng chống và khắc phục hậu quả bão, lũ.

Theo ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố - thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN, thành phố đã phân công từng thành viên trong UBND thành phố để chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão, lũ từng địa bàn. Qua đó, chỉ đạo các đơn vị quân đội hiệp đồng chặt chẽ trong công tác phòng, chống và khắc phục thiên tai. Đại tá Lê Tiến Hưng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố cho biết: “Bộ đội Biên phòng luôn đặt công tác quản lý phương tiện, con người lên trên hết. Mỗi khi có thông tin về thiên tai xuất hiện trên biển, công tác thông tin được triển khai đến ngư dân nhanh nhất và thông tin 24/24 giờ để ngư dân nắm bắt, trú tránh kịp thời. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ kiểm đếm phương tiện ra vào một cách chặt chẽ, không để ngư dân đi đánh bắt tại các vùng biển nguy hiểm; đồng thời tiến hành sắp xếp phương tiện trú tránh bão, khi bão có nguy cơ đổ bộ vào thành phố. Chính vì thế, nhiều năm nay, không có ngư dân nào bị thiệt hại do thiên tai trên biển gây ra”.

Khơi thông lòng sông, an toàn hồ đập

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố có hai đơn vị thi công công trình giao thông làm ảnh hưởng đến dòng chảy các tuyến sông, đó là đơn vị thi công tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn Túy Loan - La Sơn). Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, đơn vị thi công đường Hồ Chí Minh đã để đất đá tràn xuống vùi lấp nhiều đoạn lòng sông Cu Đê. Đặc biệt, đoạn từ Trạm Kiểm lâm Sông Nam ngược lên, thuộc Km49, các đơn vị thi công đã đắp 2 con đập chắn ngang 2 đoạn của dòng Sông Nam, mỗi đập chỉ chừa một miệng cống rộng chừng 4m. Theo những người dân ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, tình trạng các đơn vị thi công đường La Sơn - Túy Loan để đất đá vùi lấp vào khu vực nhà cửa, đất đai sản xuất của người dân đã xảy ra từ cuối năm 2015.

Trước thực trạng đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh xử lý khối lượng đất, đá đổ lấn lòng sông Cu Đê tại thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và thôn Quan Nam 3 (xã Hòa Liên) để trả lại nguyên trạng lòng sông. UBND thành phố cũng đề nghị UBND huyện Hòa Vang tổ chức xử lý dứt điểm việc xây dựng, mở rộng các ao và lồng bè nuôi trồng thủy sản lấn chiếm hành lang thoát lũ trên lưu vực sông Cu Đê (khu vực thôn Quan Nam 3 và thôn Trường Định, xã Hòa Liên). UBND thành phố cũng đề nghị Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam chỉ đạo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tổ chức khôi phục lại dòng chảy sông Túy Loan, bảo đảm hành lang thoát lũ do đơn vị đổ đất, đá làm đường thi công cầu qua sông Túy Loan thuộc công trình đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi.

Riêng tại các hồ, đập, ông Hoàng Thanh Hòa cho biết, Ban chỉ huy PCTT&TKCN yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng và các địa phương, đơn vị quản lý các hồ chứa nước tổ chức kiểm tra an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố,  bảo đảm an toàn công trình khi có sự cố bão, lũ xảy ra. Thành phố cũng tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót trong công tác quản lý hồ, đập. “Chính nhờ sự chủ động của chính quyền thành phố, các cấp, các ngành và ý thức phòng, chống bão lũ của nhân dân được nâng cao rõ rệt, những thiệt hại do thiên tai gây ra ngày càng được hạn chế rất nhiều; đặc biệt trong thời gian xảy ra thiên tai, không để xảy ra chết người”, ông Hoàng Thanh Hòa nhấn mạnh.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.