.
Kỷ niệm 140 năm ngày sinh Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng (1-10-1876 - 1-10-2016)

Huỳnh Thúc Kháng vận động xây dựng khối đoàn kết

.

Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa với tư cách Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Quyền Chủ tịch nước, Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, rồi đặc phái viên của Chính phủ trên đường đi kinh lý các tỉnh miền Trung. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành trọng trách của mình, đóng góp xứng đáng vào việc xây dựng Nhà nước mới, khi tình hình đất nước bấy giờ gặp muôn vàn khó khăn: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, lại thêm thù trong do các đảng phái phản động ra mặt chống phá chính quyền cách mạng. Trong khi đó, chính quyền còn non trẻ, quân đội chính quy chưa có, nền kinh tế đã nghèo nàn lạc hậu, lại bị Pháp, Nhật vơ vét thậm tệ, khối đoàn kết toàn dân đang cần được củng cố. Một trong những đóng góp nổi bật của Huỳnh Thúc Kháng là ông đã kêu gọi các tầng lớp nhân dân, thân sĩ, trí thức, đảng phái đoàn kết để cùng nhau thực hiện hai nhiệm vụ bức bách trước mắt là kháng chiến và kiến quốc.

Tháng 8-1946, quyền Chủ tịch Chính phủ Huỳnh Thúc Kháng (thứ sáu từ trái sang) thăm và làm việc với cán bộ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Yên. (Ảnh tư liệu)
Tháng 8-1946, quyền Chủ tịch Chính phủ Huỳnh Thúc Kháng (thứ sáu từ trái sang) thăm và làm việc với cán bộ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Yên. (Ảnh tư liệu)

Đoàn kết vì mục tiêu “độc lập - thống nhất - dân chủ - phú cường”

Với cương vị Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (thành lập ngày 29-5-1946, gọi tắt là Liên Việt), Huỳnh Thúc Kháng đã có những đóng góp tích cực trong việc thực hiện mục đích của Hội là “đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và đồng bào yêu nước vô đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc để làm cho nước Việt Nam: độc lập - thống nhất - dân chủ - phú cường”. Trong thư gửi đồng bào quốc dân ngày 1-1-1947, ông kêu gọi: “Cúi xin đồng bào quốc dân ta/ Nào chú bác cô dì, nào anh em, chị em là những người yêu nước/ Không kể lớn bé, không kể mới cũ, không phân biệt giai cấp, không chia rẽ đảng phái/ Thượng du trung thổ cũng như nhau/ Tăng lữ giáo đồ không có khác/ Năm mươi vạn Hoa kiều yêu quý, há quên nơi làng cũ thứ hai/ Hơn nghìn năm Âu Mỹ bạn buôn, cũng nhận đó thú vui bực nhất…”, hãy cùng nhau đoàn kết thành một khối để “vớt chìm chữa cháy”, “xẻ áo nhường cơm”, quyết không để kẻ thù “diễn lại tấn tuồng nô lệ”. Cuối thư ông còn cổ vũ: “Đại đoàn kết một khối rất mạnh, ta phải khuyên nhau/ Độc lập quốc, muôn thuở vinh quang, gì còn hơn nữa?” (1).

Các đảng phái phản động tự xưng “ái quốc”, “quốc gia” tìm cách lôi kéo Huỳnh Thúc Kháng, vận động ông không ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người cộng sản, nhưng đều thất bại. Vài giờ trước khi Quốc hội nhóm họp, ông tuyên bố với những người đứng đầu các đảng phái: “Quý ngài tuổi trẻ, lòng hăng, lại kiến thức rộng, chắc không gì làm không xong, duy có chủ nghĩa không đồng, tôi chỉ xin quý ngài một điều là tạm dẹp lại một bên các sự tranh chấp vì đảng phái mà lấy nghĩa đồng thuyền gặp cơn sóng gió, cùng nhau ra tay chèo chống để cứu vớt lẫn nhau, cứu cả hai mươi lăm triệu đồng bào. Ấy là điều tôi hết sức mong mỏi” (2).

Đoàn kết xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị anh hùng xuất chúng của dân tộc

Trong khi các đảng phái phản động tìm cách hạ uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xuyên tạc Hồ Chí Minh tự ý ký hiệp định sơ bộ (6-3-1946) cho phép Pháp được đưa quân ra miền Bắc là bán nước thì Huỳnh Thúc Kháng luôn ca ngợi Hồ Chí Minh, kêu gọi toàn dân đoàn kết xung quanh vị Chủ tịch nước. Ông khẳng định, trong lúc nhân dân ta đang bị ba tròng nô lệ (Nhật, Pháp, phong kiến), tình cảnh dân tộc nguy khốn không lúc nào bằng thì chính: “Hồ Chí Minh tiên sinh chúng ta/ Vị chí sĩ chân chính yêu nước/ Nhà cách mạng lão luyện lành nghề/ Chân đạp năm châu/ Mắt nhìn mọi vật/ Nhận rõ toàn cục/ Lắng biết tiên cơ/ Tổ chức quân sinh lực giải phóng/ Lãnh đạo đội cán bộ hùng cường/ Chứa sức lâu năm/ Kịp thời ứng dụng” (3).

Giải thích việc ký hiệp định sơ bộ, Huỳnh Thúc Kháng khẳng định đó là cao kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng đã được thông qua trước trong cuộc họp của Hội đồng Chính phủ và đã được các thành viên của Hội đồng đồng ý ký vào biên bản cuộc họp. Trên đường đi kinh lý, tại tỉnh Quảng Bình, ông giải thích: “Hiệp định ký kết với nước ngoài phải được Hội đồng Chính phủ chuẩn y. Trong hội đồng ấy có tôi… Anh em yên trí. Hội đồng chính phủ không bán nước. Nói cho hết lẽ thì dông dài lắm. Tôi xin tuyên bố vắn tắt với anh em đó chẳng qua là một nước cờ của Hồ Chủ tịch với cả Pháp lẫn Tưởng Giới Thạch. Hồ Chủ tịch là một tay cao cờ”. Ông còn làm một bài thơ ca ngợi Hồ Chí Minh: “Tung hoành bể Sở với non Ngô/ Đảm lược ai hơn Chủ tịch Hồ?/ Mưa gió dãi dầu bao tuế nguyệt/ Nước non gây dựng nỗi cơ đồ/ Sen kia chẳng ngại hôi bùn lấm/ Tùng nọ bao phen ngọn gió xô/ Khắp cả ba kỳ đều tín nhiệm/ Rộn ràng muôn miệng tiếng hoan hô”.

Cho đến lúc bệnh nặng tại Quảng Ngãi, biết không qua khỏi, Huỳnh Thúc Kháng còn kịp đọc cho người thư ký ghi lại di ngôn của mình chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh “sống lâu để dìu dắt quốc dân lên đường vinh quang hạnh phúc”; gửi các chiến sĩ với lời kêu gọi hãy “hăng hái hơn nữa, nhất định không để cho dân tộc ta bị tròng vào ách thực dân một lần nữa”, và gửi các đảng phái, tôn giáo với lời kêu gọi: “Mong anh em thực hiện ngay đại đoàn kết chung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng xuất chúng, vị anh hùng của dân tộc” (4).

Vì quyền lợi quốc gia, đem những kẻ làm điều phi pháp ra trước pháp luật

Kêu gọi các đảng phái yêu nước đoàn kết, Huỳnh Thúc Kháng cũng rất nghiêm khắc đối với những cá nhân, đảng phái không vì đại cuộc của dân tộc,  phá hoại chế độ dân chủ cộng hòa. Ngay trong phiên họp Chính phủ, ông nói thẳng với đại biểu của các đảng này: “Thưa các ngài, tôi nói ngay, tôi dám chê quý ngài dòm gần mà không dòm xa, thấy cái nhỏ mà không thấy cái lớn, biết bộ phận mà không biết toàn thể. Tôi dám chắc tình trạng này mà kéo dài ra nữa thì dân Việt Nam chúng ta trở lại làm nô lệ, mà đảng của quý ngài cũng lại làm đảng lưu vong” (5).

Trong cuốn “Những năm tháng không thể nào quên”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại, trong cuộc họp báo sau khi xử lý vụ đường Đuyvinhô và phố Ôn Như Hầu, Huỳnh Thúc Kháng tuyên bố: “Đoàn kết là cần… để xây dựng nền dân chủ cộng hòa, nhưng không thể vin vào “đoàn kết” mà làm những điều phi pháp. Tôi khuyên mọi đảng phái, mọi phần tử quốc dân đoàn kết. Nhưng cũng vì quyền lợi quốc gia, tôi phải đem ra trước pháp luật những kẻ làm điều phi pháp. Những đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng chân chính được bảo đảm tự do hoạt động trong vòng pháp luật… Những kẻ bắt cóc, tống tiền, ám sát thì phải đem ra pháp luật nghiêm trị” (6).

Với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, lại là Quyền Chủ tịch nước trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp, Huỳnh Thúc Kháng đã xử lý dứt khoát với bọn phản động Quốc dân đảng khi chúng lên kế hoạch khủng bố trong ngày Quốc khánh Pháp (14-7-1946) để Pháp lấy cớ đó đưa quân đội đến đánh chiếm các trụ sở của Chính phủ, đồng thời lưu giữ Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn đàm phán của nước ta đang ở Pháp. Khi quân của Quốc dân đảng gây hấn với quân Chính phủ ở Bạch Hạc (Phú Thọ), ông triệu tập một cuộc họp nghe báo cáo tình hình rồi đi đến kết luận đấy là vụ xung đột giữa quân đội Việt Nam Quốc dân đảng với quân đội Chính phủ, đồng thời giao cho Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Võ Nguyên Giáp trực tiếp giải quyết vụ việc: “Tôi lấy tư cách Quyền Chủ tịch Chính phủ mà giao phó cho ông theo dõi cuộc xung đột này. Ông là Tổng Tư lệnh quân đội quốc gia do Chính phủ đề cử và Quốc hội truy nhận… Tôi giao phó cho ông, nếu dàn xếp yên, tránh được cái nạn “nồi da xáo thịt” thì chúng ta cùng vui mừng với nhau, nếu chẳng yên thì ông cứ dùng mọi biện pháp quân sự mà khôi phục trật tự rồi báo cáo trước Hội đồng Chính phủ” (7). Thực hiện chỉ thị này, chỉ vài ngày sau, quân đội Chính phủ đã đánh bạt quân Quốc dân đảng ra khỏi Bạch Hạc. Từ đó, các đảng phái phản động không còn dám ra mặt chống phá nữa.

 Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, đại đoàn kết toàn dân là nguồn động lực, sức mạnh chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nó không chỉ dừng lại ở “vớt chìm chữa cháy”, “xẻ áo nhường cơm”, quyết không để kẻ thù “diễn lại tấn tuồng nô lệ” như ở thời điểm năm 1946, mà để xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đấy là điểm tương đồng để gắn bó mọi người Việt Nam yêu nước. Và đoàn kết là cần, nhưng vì quyền lợi quốc gia, phải đem ra trước pháp luật những kẻ làm điều phi pháp, phá hoại khối đoàn kết toàn dân, đi ngược lại điểm tương đồng chung ấy của toàn dân tộc.

PGS, TS. Ngô Văn Minh


(1) Huỳnh Thúc Kháng: Thơ của Ủy ban Kháng chiến quân dân chính Chính phủ Việt Nam gửi đồng bào quốc dân, ngày 1-1-1947. Bản dịch của Nguyễn Ngọc Tỉnh. Tác giả bài viết sưu tầm tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia.

(2) Dẫn theo Lê Ấm: Tiểu sử Huỳnh Thúc Kháng. Tài liệu đánh máy, chưa xuất bản, tr59-60.

(3) Huỳnh Thúc Kháng: Thơ của Ủy ban Kháng chiến quân dân chính Chính phủ Việt Nam gửi đồng bào quốc dân, ngày 1-1-1947. Tài liệu đã dẫn.

(4) Di ngôn của Huỳnh Bộ trưởng, ngày 19-4-1947. Tác giả bài viết sưu tầm tại Trung tâm lưu trữ quốc gia.

(5) Nam Sơn: Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, tiểu sử và thi văn. Dẫn theo Nguyễn Q. Thắng: Huỳnh Thúc Kháng con người và thơ văn. Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, 1972, tr220.

(6) Võ Nguyên Giáp. Sđd. Nxb Văn học. H, 1976, tr549.

(7) Theo tài liệu đã dẫn của ông Lê Ấm.

;
.
.
.
.
.