Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Du lịch (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, Luật Du lịch đã tạo ra bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức về quản lý và phát triển du lịch. Ảnh: TTXVN |
Báo cáo trước UBTVQH, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sau 10 năm thực hiện cho thấy, Luật Du lịch đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và sự phát triển của ngành du lịch. Luật Du lịch đã tạo ra bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức về quản lý và phát triển du lịch. Từ chỗ du lịch chỉ được xem là hoạt động phục vụ nghỉ dưỡng đơn thuần, đến nay đã được xác định là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và được định hướng phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Luật Du lịch đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để tập trung nguồn lực đầu tư của xã hội, góp phần hình thành hệ thống sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư lớn vào một số khu vực trọng điểm của du lịch Việt Nam.
Bên cạnh những tác động tích cực, Bộ trưởng nhấn mạnh quá trình triển khai Luật Du lịch đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng hoạt động và sự phát triển của ngành. Một số nội dung quy định trong luật chưa rõ ràng, tạo ra cách hiểu khác nhau, hoặc thiếu tính khả thi, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật, triển khai trên thực tế.
Phát triển du lịch không thể tách rời văn hóa
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, việc xây dựng Luật Du lịch (sửa đổi) nhằm bảo đảm tính minh bạch và khả thi, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013; đồng bộ với các bộ luật, luật mới được ban hành; thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động du lịch, nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, tạo cơ sở pháp lý nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
UBTVQH nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Du lịch để tiếp tục thể chế hóa đường lối của Đảng về phát triển du lịch; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013; nội luật hóa các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành làm cơ sở thúc đẩy du lịch phát triển nhanh và bền vững.
Luật Du lịch (sửa đổi) phải khẳng định vai trò du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính xã hội cao; phát triển có trọng tâm, trọng điểm đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan ở Trung ương và chính quyền các cấp ở địa phương.
Các ý kiến cho rằng Đảng và Nhà nước có chính sách xây dựng du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Chủ trương này đòi hỏi ngành du lịch trong thời gian tới phải có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô cũng như chất lượng. Theo đó, cần xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, tạo động lực, môi trường thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển.
Đánh giá du lịch của đất nước chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của đất nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, biển, rừng của Việt Nam không thua kém nước nào nhưng khách du lịch nước ngoài ít đến Việt Nam hoặc đến một lần rồi đi. Luật sửa đổi phải giải quyết được vấn đề sau khi luật sửa đổi ra đời phải thu hút được đông khách đến và quay lại đất nước mình. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải quảng bá về du lịch của đất nước thông qua văn hóa, phát triển du lịch không thể tách rời với văn hóa thì mới thành công được.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Mai Bộ nhận xét, dự thảo luật nghiêng về việc quản lý công dân nước ngoài vào Việt Nam và người Việt Nam đi du lịch ở nước ngoài. Hàm lượng quy định đối với việc người Việt Nam đi du lịch ở trong nước không nhiều. Trước hết, về khái niệm “du lịch” (thể hiện tại khoản 1 Điều 3 về giải thích từ ngữ) là “các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tham dự hội nghị, hội thảo hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”.
“Nếu với tư cách luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh, với khái niệm luật như này, tôi sẽ khẳng định Trịnh Xuân Thanh đi du lịch (chứ không phải đi trốn mà phải truy nã - PV). Vì chuyên xét xử án hình sự, phân tích ngôn ngữ thể hiện tại khoản 1 Điều 3 dự thảo luật này, tôi sẽ trả lời thế”, ông Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh và nói rằng, khái niệm đưa ra không thể hiện được bản chất của hoạt động du lịch.
Bản chất của du lịch là các hoạt động rời khỏi nơi cư trú của mình nhưng phải hợp pháp. Quy định trong dự thảo luật không nêu được hai yếu tố bản chất đó, dẫn tới việc áp dụng khái niệm này trong lĩnh vực hình sự thì có thể giải thích sự vắng mặt ông Trịnh Xuân Thanh là… đi du lịch. Ông Nguyễn Mai Bộ đề nghị xem lại khái niệm này, thể hiện cho đúng bản chất những hoạt động cần điều chỉnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng nhận định, dự luật được trình vẫn tiếp nối quan điểm cũ về hoạt động du lịch - một người ra khỏi nhà trong vòng 1 năm để nghỉ ngơi, thư giãn… đều được coi là đi du lịch. Theo ông Định, điều đó không còn đúng với tình hình thực tế, bởi du lịch hiện tại là lĩnh vực kinh tế tổng hợp, phải gắn với hoạt động đầu tư, làm ăn. Ông Định cũng kêu gọi thay đổi khái niệm “du lịch” đưa ra trong dự thảo luật.
Bộ nào Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo?
Chiều 19-9, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, việc quản lý nhà nước về tín ngưỡng đến nay chưa phân công rạch ròi. Quản lý nhà nước về tôn giáo được giao cho Ban Tôn giáo Chính phủ, còn quản lý nhà nước về lễ hội tín ngưỡng giao cho Bộ VH-TT&DL đảm nhận. Quản lý nhà nước về tín ngưỡng còn lấp lửng, để trống, chưa giao cơ quan nào.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Điều 62 dự thảo Luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước. Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Việc quản lý nhà nước sẽ được phân định theo hướng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về tôn giáo, Bộ VH-TT&DL quản lý nhà nước về lễ hội, tín ngưỡng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cùng cho rằng tín ngưỡng và tôn giáo là hai vấn đề gắn bó mật thiết với nhau. Bộ Nội vụ - cơ quan soạn thảo và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - cơ quan thẩm tra dự án Luật cũng đã đánh giá việc giao chức năng quản lý tôn giáo cho Bộ Nội vụ chưa thực sự phù hợp vì mới chỉ dựa trên sự tiếp cận theo góc độ quản lý tổ chức mà chưa chú trọng việc bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần. Do đó, hoạt động quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo còn phân tán, thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đưa ra 3 loại ý kiến nhưng cuối cùng lại tán thành giao Chính phủ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Nhìn nhận vấn đề này cũng giống việc phân định chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề trước đây, tranh cãi nhiều nhưng rồi lại giữ nguyên, hay việc chuyển thi hành án phạt tù sang Bộ Tư pháp mãi không ngã ngũ, bà Lê Thị Nga đề nghị cần phân tích rõ các ưu, nhược điểm của các phương án để có cơ sở cho đại biểu quyết định. Bà Nga đề nghị Chính phủ phải có quan điểm dứt khoát về vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích, không thể theo phương án có một cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo độc lập bởi cơ cấu Chính phủ đã được Quốc hội quyết định. Việc đưa chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cho Bộ VH-TT&DL là chưa nên. Chủ tịch Quốc hội nói rằng, nên thống nhất theo Điều 62 là giao Chính phủ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước và Chính phủ sẽ tính toán cân nhắc phân công.
B.T tổng hợp