.

Bảo đảm an ninh trật tự ở làng nghề

.

Để chủ động ngăn ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm trộm cắp tài sản tại Làng nghề đá mỹ nghệ (LNĐMN) Non Nước, thời gian qua, chính quyền phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở sản suất, người lao động trong làng nghề nâng cao ý thức cảnh giác, chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm an ninh trật tự (ANTT).

Một góc Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.
Một góc Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.

Trộm cắp vặt vẫn xảy ra

Ông Võ Đức Huy, Trưởng Ban quản lý (BQL) Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cho biết, đến thời điểm này, đã sắp xếp được 354 cơ sở sản xuất tập trung vào làng nghề, thu hút khoảng 1.600 lao động đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Cùng với đó, các loại hình kinh doanh dịch vụ ngày càng phát triển đã kéo theo tình trạng phức tạp về ANTT tại đây. Theo ông Huy, mặc dù số vụ trộm cắp xảy ra trong thời gian qua ở làng nghề này chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là trộm vặt, như: trộm máy bơm nước, máy cắt, máy mài, điện thoại di động..., nhưng đây cũng là vấn đề đặt ra cho công tác quản lý, giữ gìn ANTT tại làng nghề trong thời gian đến.

Chủ một cơ sở sản xuất đá tại làng nghề (xin được giấu tên) cho biết: Sau khi kết thúc công việc tại làng nghề, đa số nhân công của các cơ sở sản xuất đá đều ra về và để lại tất cả máy móc, thiết bị, sản phẩm... tại xưởng. Trong khi đó, khu vực làng nghề nhiều đường đi lối lại, lực lượng bảo vệ mỏng chính là kẽ hở cho trộm cắp đột nhập. Tuy giá trị tài sản bị mất không lớn nhưng nếu không sớm có giải pháp hữu hiệu trong công tác giữ gìn ANTT thì dễ dẫn đến tình trạng bất ổn. “Chúng tôi đã đề nghị BQL LNĐMN Non Nước tiến hành lắp đặt camera giám sát ANTT để dễ dàng quản lý và xử lý khi có sự cố. Ngoài ra, mỗi cơ sở cũng tự trang bị camera quan sát tại các xưởng sản xuất để quản lý công việc và tình hình ANTT hiệu quả hơn ngay cả khi chủ cơ sở không có mặt ở xưởng”, chủ cơ sở sản xuất đá này cho hay.

Tăng cường giải pháp bảo đảm ANTT

Chủ tịch UBND phường Hòa Hải Nguyễn Văn Hiền cho biết, trong nhiều năm qua, LNĐMN Non Nước thu hút hàng nghìn lao động, góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội... Tuy nhiên, sự phát triển của làng nghề kéo theo những hệ lụy như ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất ANTT... Và những vấn đề này phải bị loại bỏ, khắc phục, xử lý ngay, nhất là khi thành phố thực hiện chủ trương “Năm văn hóa, văn minh đô thị”.

Theo Thiếu tá Lê Nga, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và Quản lý trật tự xã hội (Công an quận Ngũ Hành Sơn), số đông lao động tại LNĐMN Non Nước đến từ các tỉnh, thành khác nên các chủ cơ sở sản xuất tại đây phải cảnh giác việc bọn tội phạm lợi dụng lôi kéo mua, bán và sử dụng trái phép các chất ma túy.

Để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các chủ cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ tại làng nghề, thời gian qua, Công an quận phối hợp với BQL Làng nghề tổ chức hội nghị nhằm phổ biến đến các chủ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất đá về một số thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, như: đột nhập vào nhà trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, trộm xe máy... Công an cung cấp những hình ảnh về thủ đoạn tinh vi của tội phạm được ghi lại từ camera, đồng thời, nêu lên một số biểu hiện của các đối tượng nghiện ma túy để các chủ cơ sở sản xuất đá tại làng nghề chủ động phòng ngừa.

Hiện nay, việc bảo đảm ANTT tại làng nghề đã được UBND phường Hòa Hải triển khai với nhiều phương án đồng bộ. Theo ông Nguyễn Văn Hiền, UBND phường đã phối hợp với BQL LNĐMN Non Nước bố trí xây dựng 5 chốt trạm; đồng thời chỉ đạo lực lượng công an, dân phòng thường xuyên túc trực 24/24 giờ tại khu vực ra vào làng nghề để nắm bắt, kiểm soát tình hình ANTT. “Chính quyền địa phương luôn xác định công tác giữ gìn ANTT tại LNĐMN Non Nước nói riêng và trên toàn địa bàn nói chung là nhiệm vụ quan trọng nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định, nâng cao đời sống cho nhân dân và người lao động”, ông Hiền khẳng định.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.