.

10 sự kiện thành phố Đà Nẵng năm 2016

.

Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng; Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”; tái lập HĐND quận, huyện, phường; chuyển Bảo tàng Đà Nẵng về trụ sở HĐND thành phố… là những sự kiện nổi bật của thành phố Đà Nẵng năm 2016 do Báo Đà Nẵng bình chọn.

Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Đà Nẵng trong buổi làm việc ngày 28-9-2016 tại Hà Nội.   Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Đà Nẵng trong buổi làm việc ngày 28-9-2016 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Ngày 1-11-2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2016/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng. Chính phủ quyết định đối với cơ chế huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển, Đà Nẵng được vay vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật; vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho ngân sách địa phương vay lại. 

Thành phố được thực hiện cơ chế hỗ trợ một phần lãi suất cho các tổ chức, cá nhân khi vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế-xã hội quan trọng có khả năng thu hồi vốn trong phạm vi và khả năng của ngân sách thành phố.

Cơ chế đặc thù này giúp thành phố phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng là đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ của miền Trung vào năm 2020.

Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”

Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh ân cần thăm hỏi, động viên hai bệnh nhi mắc bệnh suy thận mãn đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng.Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh ân cần thăm hỏi, động viên hai bệnh nhi mắc bệnh suy thận mãn đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngày 27-12-2016, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Đề án thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội) đến cán bộ chủ chốt từ thành phố đến phường, xã.

Đề án nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả nhất về công tác phòng ngừa, đấu tranh đẩy lùi tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, thúc đẩy an sinh xã hội, tạo động lực và nền tảng vững chắc để xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

Đề án được ban hành đúng dịp kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo thành phố thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI.

Với chủ đề của năm 2017 là “Năm thành phố 4 an”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh yêu cầu cần siết chặt quản lý trên các lĩnh vực an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn giao thông và đẩy mạnh công tác an sinh xã hội. Trong đó, đặc biệt trấn áp kịp thời tội phạm băng nhóm; hạn chế tội phạm ma túy, cướp giật; không để tai nạn giao thông tăng cao…

Tái lập HĐND quận, huyện, phường

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 3, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu.    Ảnh: VIỆT DŨNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 3, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngày 22-5-2016, cử tri cả nước đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, ở 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có Đà Nẵng, thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường từ năm 2009, nay được tái lập HĐND huyện, quận, phường theo quy định của Hiến pháp 2013.

Việc tái lập HĐND quận, huyện, phường tạo điều kiện thuận lợi để người dân phản ảnh kịp thời tâm tư, nguyện vọng và bức xúc chính đáng ở cơ sở để thành phố nhanh chóng giải quyết, mang lại sự phát triển bền vững hơn.

Tổng số cử tri thành phố Đà Nẵng đi bầu cử đạt tỷ lệ 99,8%. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp trên địa bàn thành phố diễn ra an toàn, thành công và đúng quy định. Kết quả, bầu đủ 6 đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng khóa XIV; bầu 49 người trúng cử đại biểu HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021.

Trao giấy khai sinh tại nhà cho người dân

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chúc mừng cháu Ông Phương Khả Di (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) ra đời và trao giấy khai sinh, thẻ BHYT, sổ hộ khẩu đến tận tay người thân của cháu.  Ảnh: PHAN CHUNG
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chúc mừng cháu Ông Phương Khả Di (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) ra đời và trao giấy khai sinh, thẻ BHYT, sổ hộ khẩu đến tận tay người thân của cháu. Ảnh: PHAN CHUNG

Chiều 3-10-2016, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đến tận nhà trao giấy khai sinh, bảo hiểm y tế và hộ khẩu cho trẻ em của 5 gia đình trên địa bàn thành phố. Đây là những gia đình thuộc diện hộ nghèo, khuyết tật, chính sách, mẹ đơn thân, người dân tộc thiểu số.

Trước đó, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đã ký văn bản ban hành Đề án thí điểm trao giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế, hộ khẩu tại gia đình trẻ em với những trường hợp đăng ký thường trú trên địa bàn. Mỗi công dân mới chào đời khi làm thủ tục đăng ký khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế, hộ khẩu bao gồm các trường hợp có yếu tố nước ngoài sẽ được nhận giấy tờ tại nhà.

Việc trao giấy tờ cho các trẻ do cán bộ phường, xã đảm nhận. Đây là một trong những đổi mới về thái độ, phong cách chính quyền phục vụ nhân dân của thành phố, đồng thời thể hiện một chính quyền thân thiện trong nỗ lực cải cách hành chính theo hướng phục vụ.

Xung quanh việc cải cách hành chính, Đà Nẵng lần thứ ba liên tiếp dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013, 2014 và 2015 và lần thứ tư liên tiếp dẫn đầu (2012-2015) Chỉ số cải cách hành chính năm 2015. Đây là điều kiện quan trọng để thành phố tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự minh bạch và thông thoáng trong giải quyết thủ tục hành chính thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, công dân.

Không những thế, Đà Nẵng còn liên tục 7 năm liền (từ năm 2009-2015) được xếp hạng dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT (Vietnam ICT Index), đồng thời được cộng đồng CNTT trong nước nhìn nhận là địa phương triển khai hiệu quả về ứng dụng CNTT.

Thu ngân sách vượt trên 22%

Các doanh nghiệp sản xuất lớn đóng góp tích cực vào thu ngân sách thành phố. 			                 Ảnh: KHÁNH HÒA
Các doanh nghiệp sản xuất lớn đóng góp tích cực vào thu ngân sách thành phố. Ảnh: KHÁNH HÒA

Năm 2016, tổng thu ngân sách trên địa bàn Đà Nẵng ước thực hiện 18.227 tỷ đồng, đạt 122,3% dự toán (vượt trên 22%), trong đó thu nội địa ước 14.977 tỷ đồng, đạt 117,9% dự toán HĐND giao (trong đó, thu tiền sử dụng đất 2.000 tỷ đồng, đạt 100% dự toán) và thu thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện 3.250 tỷ đồng, đạt 147,7% dự toán.

Nguyên nhân dẫn tới tăng thu là do những thay đổi trong thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia, hoạt động chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn diễn ra sôi động đã góp phần đem lại nguồn thu lớn cho địa phương.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2016, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch chống thất thu thuế ở lĩnh vực nhà hàng - khách sạn, qua một năm triển khai thực hiện đã phát huy hiệu quả, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách.

Kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục phát triển ổn định. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố ước tăng trưởng 9,04% so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1,3 tỷ USD. Các ngành dịch vụ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất ước đạt 47.366 tỷ đồng, tăng 9,2%. Sản xuất công nghiệp và nông nghiệp lần lượt tăng 11,3% và 3,6% so với năm 2015…

Ra mắt Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng

Cắt băng khánh thành Vườn ươm Doanh nghiệp thành phố. Ảnh: KHANG NINH
Cắt băng khánh thành Vườn ươm Doanh nghiệp thành phố. Ảnh: KHANG NINH

Ngày 14-1, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) ra mắt với tên gọi Công ty TNHH Đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp Đà Nẵng. Đây là vườn ươm doanh nghiệp đầu tiên hoạt động theo mô hình công - tư kết hợp tại Việt Nam, vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng.

DNES có chức năng tư vấn, đào tạo các dự án khởi nghiệp; hỗ trợ pháp lý, mặt bằng hoạt động, truyền thông; kết nối các nhà sáng lập dự án khởi nghiệp, các chuyên gia tư vấn; kêu gọi đầu tư và tham gia đầu tư các dự án khởi nghiệp có tính khả thi cao.

Trong năm đầu tiên hoạt động, DNES đã triển khai hai khóa ươm tạo cho 16 dự án thuộc các lĩnh vực: công nghệ thông tin, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, giáo dục, chế biến thực phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp… 8 dự án thuộc khóa ươm tạo đầu tiên đều đạt các bước tiến đáng kể trong việc hoàn thiện sản phẩm, trong đó có 1 nhóm đã kêu gọi được vốn đầu tư và 1 nhóm kêu gọi được vốn tài trợ. Nhiều hoạt động khởi nghiệp được triển khai trong sinh viên, thanh niên; thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp trong các trường đại học; tổ chức hội chợ, cuộc thi… về khởi nghiệp.

Đến cuối năm 2016, toàn thành phố có 18.680 doanh nghiệp với tổng vốn điều lệ đăng ký trên 90.600 tỷ đồng; 430 dự án FDI với tổng vốn 3,7 tỷ USD. Trong đó, năm 2016, có hơn 4.000 doanh nghiệp được thành lập với tổng số vốn hơn 13.174 tỷ đồng…

Tàu du lịch lớn nhất châu Á Genting Dream đến Đà Nẵng

Du khách rời tàu Genting Dream để đi tham quan, mua sắm tại thành phố  Đà Nẵng.					      Ảnh: THU HÀ
Du khách rời tàu Genting Dream để đi tham quan, mua sắm tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ

Tháng 11-2016, tàu du lịch lớn nhất châu Á Genting Dream của Tập đoàn Du lịch Tàu biển Genting Dream Hong Kong và Dream Cruise Line được đưa vào khai thác và cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) chuyến đầu tiên. Với 18 boong, sức chứa 3.400 khách được phục vụ bởi 2.000 thuyền viên, Genting Dream đều đặn cập cảng Tiên Sa mỗi tuần một chuyến trong hai năm 2016-2017.

Trong năm 2016, Đà Nẵng đón 58 chuyến tàu biển với 81.271 lượt khách quốc tế, tăng 3,6 lần so với năm 2015. Tổng lượng khách trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch Đà Nẵng ước đạt 5,51 triệu lượt, tăng 17,7% so với năm 2015, ước đạt 107,2% kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,66 triệu lượt, tăng 31,6% so với năm 2015, ước đạt 126,2% kế hoạch; khách nội địa ước đạt 3,84 triệu lượt, tăng 12,5% so với năm 2015, ước đạt 100,6% kế hoạch. Tổng thu du lịch ước đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2015, đạt 107,1% kế hoạch.

Hoàn thành công trình xây dựng trọng điểm

Cung Thiếu nhi Đà Nẵng.
Cung Thiếu nhi Đà Nẵng.

Năm 2016, hai công trình xây dựng trọng điểm được hoàn thành và đưa vào sử dụng: Sân vận động Hòa Xuân 20.000 chỗ ngồi tại Khu liên hợp thể dục - thể thao Hòa Xuân, có tổng vốn đầu tư 381,8 tỷ đồng, khán đài A cao 5 tầng; các khán đài B, C, D cao 1 tầng. Sân vận động Hòa Xuân không có đường piste và là sân thứ hai ở Việt Nam - sau sân Pleiku, Gia Lai - chỉ dùng để tổ chức các trận bóng đá.

Công trình Cung Thiếu nhi Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng, được xây dựng trên tổng diện tích hơn 33.000 m2, mặt tiền hướng ra đường 2 Tháng 9 (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu); quy mô 3 tầng, gồm các khu đa chức năng, vui chơi, giải trí, các phòng học, thư viện, hội trường, sân vườn, khu sinh hoạt chung và các hạng mục phụ trợ khác.

Nhiều dự án, công trình trọng điểm cũng được đẩy nhanh tiến độ, vượt qua thời tiết bất lợi như các dự án Nhà ga hành khách quốc tế sân bay Đà Nẵng, đầu tư hạ tầng Khu công nghệ cao, tuyến đường vành đai Hòa Phước - Hòa Khương và Nguyễn Tất Thành nối dài, Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng, Nhà trưng bày Hoàng Sa, tuyến đường gom ngã ba Huế - Hòa Cầm, nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn, Bệnh viện quốc tế Đà Nẵng…

Nhiều công trình mới cũng đồng loạt khởi công như dự án Trung tâm Huấn luyện và đào tạo vận động viên; các hạng mục công trình phục vụ APEC… Đặc biệt, dự án nút giao thông đường Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ đã khởi công vào ngày 29-12.

Tổ chức nhiều sự kiện thể thao mang tầm quốc tế

Lãnh đạo thành phố chào mừng đội thuyền Đà Nẵng - Việt Nam. Ảnh: BẢO AN
Lãnh đạo thành phố chào mừng đội thuyền Đà Nẵng - Việt Nam. Ảnh: BẢO AN

Năm 2016, Đà Nẵng tổ chức và tham gia hai sự kiện thể thao lớn mang tầm quốc tế là cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race 2015-2016 và Đại hội Thể thao bãi biển châu Á (ABG 5). Clipper Race 2015-2016 là cuộc đua thuyền buồm trên đại dương dài nhất thế giới, với độ dài 40.000 hải lý (khoảng 75.000 km) và hoàn thành trong gần một năm (từ tháng 8-2015 đến tháng 7-2016). Cuộc đua năm nay có sự góp mặt của đội Đà Nẵng - Việt Nam, đại diện đầu tiên của Đông Nam Á tại sự kiện này.

ABG 5 diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 24-9 đến 3-10 với sự tham gia của khoảng 3.100 vận động viên; 1.500 huấn luyện viên; 42 đoàn thể thao của quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á cùng 550 giám sát, trọng tài quốc tế, quan chức kỹ thuật; 900 trọng tài trong nước; 2.200 tình nguyện viên; khoảng 600 nhà báo trong nước và quốc tế cùng lực lượng cán bộ, nhân viên an ninh, y tế, giao thông.

VNG Ironman 70.3 Việt Nam 2016 diễn ra tại Đà Nẵng có gần 1.200 VĐV đến từ 60 quốc gia trên thế giới; trong đó có gần 30 VĐV chuyên nghiệp cùng tham gia.

Cuộc thi Marathon quốc tế Đà Nẵng 2016 (DNIM) thu hút đông đảo VĐV và người dân tham gia. Đặc biệt ở mùa giải năm nay, ở cự ly phong trào 5km, các VĐV đăng ký tham gia đóng góp mức phí từ 50.000 đồng/người đến 200.000 đồng/người để giúp đỡ 10 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hỗ trợ Hội nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng.

Sự kiện “Cocobay - Danang Barefoot Run 2016 - Đôi chân trần trên biển Đà Nẵng 2016” (Cocobay - BFR 2016) diễn ra ngày 26-8, tại khu vực bãi biển Naman Retreat (đường Trường Sa, quận Ngũ Hành Sơn) với sự tham gia của 5.000 vận động viên không chuyên, người dân, du khách.

Chuyển Bảo tàng Đà Nẵng về trụ sở HĐND thành phố

Thành Điện Hải là điểm đến lý tưởng cho học sinh thành phố trong những giờ học ngoại khóa. 			Ảnh: NGỌC HÀ
Thành Điện Hải là điểm đến lý tưởng cho học sinh thành phố trong những giờ học ngoại khóa. Ảnh: NGỌC HÀ

Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương chuyển Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi di tích thành Điện Hải sang số 42 Bạch Đằng (hiện là trụ sở làm việc của HĐND thành phố).

Quyết định này được cho là hợp lòng dân, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đối với di sản văn hóa, phù hợp với quan điểm mà Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh đã đưa ra tại cuộc họp ngày 27-12: Cái gì tốt đẹp thì nên dành cho văn hóa và chúng ta phải biết ưu tiên, hy sinh cho văn hóa.

Lãnh đạo thành phố cũng thống nhất chủ trương giải tỏa 54 hộ dân ở khu vực phía tây thành Điện Hải. Thành phố chủ trương không xây dựng kho lưu trữ của thành phố tại khu đất của Trung tâm Người lớn tuổi, quy hoạch khu đất này thành công viên văn hóa để tạo cảnh quan bao quanh thành Điện Hải, khôi phục không gian văn hóa thành Điện Hải.

Năm 2016, Đà Nẵng đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa. Công trình Bảo tàng Mỹ thuật được khánh thành tháng 12-2016 với tổng kinh phí đầu tư 29 tỷ đồng. Năm 2016 cũng đánh dấu tròn hai năm toàn thành phố thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng văn hóa, văn minh đô thị. Theo đánh giá chung, thành công lớn nhất là công tác tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả, ý thức người dân về văn minh đô thị cải thiện rõ rệt.

Ngày 17-11, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng cùng Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế ký biên bản ghi nhớ về việc khoanh vùng bảo vệ, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích đối với Hải Vân quan. Đây là bước khởi đầu trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Hải Vân quan.

;
.
.
.
.
.