.
Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới

Dấu ấn lãnh đạo

.

(Tiếp theo và hết)

- Lãnh đạo của thành phố Đà Nẵng luôn xem trọng khâu đôn đốc, kiểm tra trong tổ chức thực hiện, kết hợp hài hòa giữa giữ vững kỷ cương, phép nước với tuyên truyền, vận động, thuyết phục đối với cán bộ và người dân, làm cho người dân thành phố phấn khởi, thấy cuộc sống vui tươi hơn, tốt đẹp hơn, tự giác, hăng hái đóng góp cho cái chung và tự hào về quê hương mình.

Đà Nẵng trở nên khang trang nhờ quy hoạch phát triển rõ ràng và có trách nhiệm nhất quán. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Đà Nẵng trở nên khang trang nhờ quy hoạch phát triển rõ ràng và có trách nhiệm nhất quán. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Thường xuyên trực tiếp xuống đối thoại với nhân dân để lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp và giải thích, giải quyết những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư của các dự án đã trở thành phong cách lãnh đạo của nhiều thế hệ lãnh đạo chủ chốt của thành phố.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng không ngừng kiện toàn các kênh tiếp nhận thông tin đóng góp, phản ảnh từ các tổ chức, công dân để kịp thời nắm bắt và xử lý những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Cách làm “Dân vận khéo” của các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tạo ấn tượng tốt, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân trong thực hiện các chủ trương, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố.

Đã có những đúc kết ở đây: Cái được lớn nhất của Đà Nẵng là gì? Là lòng dân trong thống nhất các chủ trương của thành phố, muốn vậy phải có thống nhất trong nội bộ Đảng, từ đó mới thống nhất ra dân. Phương pháp của Đà Nẵng là gì? Là “đối thoại”: với dân, với chức sắc tôn giáo, sinh viên, xích lô, xe thồ, đối tượng tha tù, các ông chồng vũ phu… Kinh nghiệm giải tỏa đền bù, tái định cư của Đà Nẵng là gì? Là người đứng đầu phải xuất hiện, người lãnh đạo phải chịu khó, rồi 20 năm qua thành phố chưa họp về ban đêm - cũng là ấn tượng trong lãnh đạo, chỉ đạo ở Đà Nẵng.

Tất nhiên mọi điều không phải lúc nào cũng thuận lợi một chiều, ngược lại có những thời điểm bất động sản đóng băng, cùng những điều còn bất cập, tiêu cực, nhũng nhiễu, vụ lợi... trong quy hoạch, trong quản lý đầu tư xây dựng mà xung quanh vấn đề này cũng có nhiều ý kiến đánh giá mặt này, mặt khác; hoặc đối chiếu với quy định qua nhiều đợt thanh tra, kiểm tra của Trung ương thì sẽ có nhiều lỗi, tuy nhiên nếu cứ căn cứ và làm đúng như các quy định có thể chậm chạp, không chớp được thời cơ, xét cho cùng cách nào hiệu quả hơn cũng  cần đánh giá một cách toàn diện. Rồi cũng có ý kiến cho rằng, sự phát triển của Đà Nẵng nghiêng về hình thức khi thấy nhiều công trình quy mô lớn, hiện đại ra đời, cũng có ý kiến cho rằng sự phát triển nghiêng về khai thác quỹ đất, phát triển giao thông đô thị mà chưa quan tâm phát triển sản xuất, đó là nhận định chỉ đúng một phần.

Có thể nói, Đà Nẵng đã chọn con đường riêng, kiên trì quan điểm lấy phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông làm khâu đột phá, xem đây là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu và đi trước một bước, chấp nhận sự mất cân đối trước mắt để tạo tiền đề cho sự phát triển tiếp theo, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, sản xuất, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách, và đây là con đường hoàn toàn đúng, đáng ghi nhận -  nhất quán, kiên trì với con đường riêng; đoàn kết vượt qua cái không thuận lợi, những thời điểm khó khăn ngặt nghèo phải chăng cũng là “Ấn tượng Đà Nẵng”.

Thành tựu đến nay có được là nhờ Đà Nẵng đã có một quy hoạch phát triển rõ ràng và có trách nhiệm nhất quán. Đây là bài học lớn cho việc hoạch định các kế hoạch phát triển trong tương lai từ một thực tế: “Đà Nẵng có diện tích nhỏ, đất đai ít, chủ yếu còn lại phía Tây thành phố. Tăng trưởng kinh tế từ năng lực sản xuất nội tại chưa bền vững, quy mô kinh tế còn nhỏ; kinh tế tư nhân chưa phát triển mạnh. Vai trò kết nối, hội nhập, liên kết trong nước và hội nhập quốc tế chưa rõ nét, hạ tầng đối ngoại với quốc tế và khu vực còn nhiều khó khăn. Thành phố chưa phát huy hết vai trò địa phương đầu tàu trong phát triển vùng; chưa có nhiều dự án động lực; thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ viễn thông, tài chính và kinh tế biển. Nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp. Đời sống, việc làm của một bộ phận nhân dân còn khó khăn” (*).

Phát huy những bài học của 20 năm qua và cũng theo như chỉ đạo của Chính phủ, Đà Nẵng cần cái nhìn xa, rộng hơn, chẳng hạn đến năm 2050 và hơn nữa, thành phố sẽ như thế nào? để có một “Chiến lược tổng thể, nhất quán, có chiều sâu về quy hoạch phát triển thành phố, với tầm nhìn Đà Nẵng phải trở thành một thành phố thông minh, một trung tâm giao thương, trung tâm dịch vụ quốc tế, một điểm đến cho các nhà đầu tư, du khách, thu hút nhân tài…; một thành phố cạnh tranh với các thành phố lớn, đẹp của khu vực và thế giới như Singapore và Hồng Kông;  

Quỹ đất của thành phố rất hạn chế, vì vậy làm sao để phát triển không dựa nhiều vào mở rộng quỹ đất mà sử dụng thông minh, hiệu quả quỹ đất là rất quan trọng;

Mô hình phát triển mà Đà Nẵng lựa chọn, đòi hỏi phải là thành phố mở cửa, hội nhập, thu hút, hội tụ nhân tài trong nước và quốc tế; cần quan tâm cả về quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số; hình thành một hệ sinh thái cho dịch vụ giáo dục, nghiên cứu phát triển và khởi nghiệp...” (* *).

Trên cơ sở đó, xác định cho được là sẽ phải làm những gì và vào thời điểm nào cho phù hợp. Chẳng hạn, phải tính được đến năm 2025, 2030 thì  không gian đô thị Đà Nẵng ra sao, các khu vực chức năng về kinh tế, xã hội, quốc phòng sẽ phải sắp xếp và được khai thác như thế nào, người dân đòi hỏi và đòi hỏi người dân những gì... Chẳng hạn cách thức đi lại trong thành phố (đi bộ, xe máy, ô-tô, xe buýt, dưới ngầm, trên cao… thế nào); hệ thống chính trị, nhân lực, cán bộ, thủ tục hành chính không hợp lý... sẽ được cắt giảm so với hiện nay v.v…

Phải chăng, thành phố cần giữ dân số ở mức tầm 2 - 2,5 triệu người để nâng chất lượng dân số, cơ cấu dân số. Tiếp tục mở rộng không gian phát triển về phía Tây và Tây Nam, khai thác tiềm năng của sông Cu Đê (Nam Ô), cùng với Quảng Nam khơi thông sông Cổ Cò, tạo ra thế liên hoàn hài hòa giữa ven biển, đồng bằng và vùng núi không những về kinh tế mà cả về cảnh quan du lịch sinh thái.

Thành phố phải tập trung phát triển mạnh doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp theo cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Tiếp tục thu hút mạnh các dự án FDI công nghệ cao, công nghệ thông tin thân thiện với môi trường. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, tạo thêm việc làm cho người lao động. Phấn đấu đạt 40.000 - 45.000 doanh nghiệp vào năm 2020.

Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại. Thúc đẩy nhanh hơn một số cơ sở sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu, tạo ra giá trị bền vững của nền kinh tế. Nâng cao chất lượng và số lượng để khẳng định thế mạnh về ngành công nghệ thông tin và truyền thông. Tăng dần tỷ trọng công nghệ cao, nhất là ở các khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung để cùng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trở thành 3 trung tâm công nghệ cao của cả nước. Tập trung đầu tư phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, các chế độ, chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đề xuất chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm y tế, giáo dục, văn hóa chất lượng cao của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tích cực chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai với cơ chế, bước đi thiết thực, hiệu quả lâu dài hơn. Chủ động thiết lập mối quan hệ kinh tế - xã hội sâu rộng và chặt chẽ với các tỉnh trong khu vực, với các trung tâm động lực kinh tế khác trong các miền...

Tổng thể mà nói thành phố cần có tư duy đột phá để thúc đẩy sự phát triển chung, phải đoàn kết, nỗ lực, có khát vọng, tầm nhìn xa, rộng hơn, khai thác tiềm năng, lợi thế để có giải pháp đột phá, thực hiện quyết liệt, sớm đưa Đà Nẵng trở thành thành phố phát triển toàn diện, là điểm đến hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á.

PHẠM QUÝ


(*, **) Thông báo 363/TB-VPCP ngày 4-11-2016 về Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng (làm việc ngày 28-9-2016 tại Hà Nội).

;
.
.
.
.
.