.

Bình yên trên đảo Song Tử Tây - Bài 2: Canh từng con tàu, đo từng cơn gió

.

Ở Trường Sa, ngoài cán bộ, chiến sĩ (CBCS) ngày đêm canh giữ biển trời, còn có những người miệt mài canh giữ ngọn hải đăng để những chuyến tàu qua lại an toàn và đo từng con sóng, ngọn gió để báo về đất liền chính xác.

Ngọn hải đăng trên đảo Song Tử Tây.
Ngọn hải đăng trên đảo Song Tử Tây.

“Mắt thần” của biển

Chiều muộn, khi con tàu Trường Sa số hiệu HQ 571 cách bờ khoảng 5 hải lý, nhìn về đảo Song Tử Tây chỉ là vùng xanh thẫm nhỏ, thấp nổi lên trên đỉnh đầu muôn vàn con sóng bạc.

Thế nhưng, khi mặt trời dần ẩn xuống ngấn nước tim tím thăm thẳm, Song Tử Tây lại nổi bật với hàng trăm ngọn đèn điện chạy bằng năng lượng gió và năng lượng mặt trời cùng đèn câu trên thuyền đánh cá của ngư dân. Nổi bật hơn cả là ngọn hải đăng của đảo bắt đầu xoay vòng, quét những luồng sáng. Chính ánh đèn ấy định vị cho những con tàu của ngư dân bắt đầu vào ca đánh cá đêm.

Từ lâu, cứ 17 giờ 30, ngọn hải đăng Song Tử Tây được thắp lên và tỏa sáng đến 6 giờ 30 hôm sau mới tắt. Tại nhà đèn giữa đại dương này, CBCS làm việc cần mẫn, chia nhau trực suốt 24 giờ để ánh sáng ngọn đèn khổng lồ ở độ cao 36 mét vươn xa hơn 20 hải lý không bao giờ tắt.

Ông Nguyễn Quốc Tiến (53 tuổi), Trạm trưởng Trạm Hải đăng Song Tử Tây thuộc Công ty Đảm bảo an toàn hàng hải Biển Đông và hải đảo cho biết, ngọn hải đăng hiện chạy bằng năng lượng mặt trời, ban ngày ắc-quy tích điện và đêm lại phát. Hải đăng Song Tử Tây được hoàn thành từ năm 1993 và bảo đảm an toàn cho tàu thuyền qua lại khu vực, giúp tàu thuyền xác định vị trí cũng như báo hiệu cho các tàu tránh bãi đá và đảo.

Nhiệm kỳ công tác trực đèn thường kéo dài từ 9-12 tháng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh em về nghỉ phép rồi lại tiếp tục đến đảo xa. Năm nay là năm thứ 20 ông Nguyễn Quốc Tiến ra đảo. “Chúng tôi là những người làm công tác dân sự nhưng vẫn luôn xác định trách nhiệm bảo đảm chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, ông Tiến nói.

Cũng như ông Tiến, ông Hoàng Xuân Kiên đã hơn 20 năm làm công tác canh giữ “mắt thần”. Cả ông Tiến lẫn ông Kiên đều không nhớ mình đã trải qua bao nhiêu cái Tết xa gia đình, vợ con. “Với tôi, Tết ở đâu cũng vậy. Ở nhà có cái vui ở nhà, ngoài hải đảo có cái vui của hải đảo. Chúng tôi tự hào vì ngọn hải đăng luôn được tỏa sáng hằng đêm, giúp tàu thuyền qua lại an toàn”, ông Tiến bày tỏ.

Đo gió, mưa và sóng biển

Để có những bản tin thời tiết gửi về Đài khí tượng thủy văn Trung ương, cán bộ, nhân viên Trạm khí tượng hải văn đảo Song Tử Tây đã góp phần không nhỏ. Trạm khí tượng hải văn nơi đây có hai nhiệm vụ chính: thu thập khí tượng liên quan đến gió, độ ẩm, nước; với hải văn thì đo độ mặn nước, cấp sóng biển... Các thông tin này được cán bộ hải văn làm công phu, chi tiết và cũng rất khẩn trương, bởi hằng ngày phải gửi về cho đất liền 4 lần: 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 17 giờ.

20 năm làm nghề đo gió, đo mưa, Trạm trưởng Hoàng Trọng Vó đã 2 lần ra đảo để làm nhiệm vụ. Ông Vó chia sẻ: “Ra đảo làm việc là nhiệm vụ thiêng liêng. Là công dân Việt Nam, nơi nào Tổ quốc gọi thì nơi đó mình phải có mặt”. Tuy không cầm súng bảo vệ biển đảo, nhưng với ông Vó, việc đo đạc khí tượng, hải văn là nhiệm vụ nặng nề. Vì vậy, ông luôn dặn dò cán bộ, nhân viên của trạm phải phát huy hết trách nhiệm để góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.

Nhiều cán bộ, nhân viên thuộc cấp của ông Vó cho biết, làm cái nghề này vào những ngày bình thường đã khó nhọc, khi có áp thấp nhiệt đới và gió bão thì sự nhọc nhằn tăng lên gấp bội, bởi phải đo liên tục, tần suất đưa về đất liền dày hơn. Trang thiết bị ngày càng được đầu tư hiện đại hơn nhưng giữa biển đảo trùng khơi, anh em luôn phải bảo quản tốt để các thiết bị hoạt động hiệu quả...

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.