.

Bình yên trên đảo Song Tử Tây-Bài cuối: Những người gieo chữ, trao y đức

.

Trên đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) có những người thầy hiến dâng tuổi thanh xuân của mình để gieo chữ, ươm mầm xanh; những y, bác sĩ dốc hết tâm lực để khám, chữa bệnh. Với họ, được làm việc trên đảo là nhiệm vụ thiêng liêng.

Thầy giáo và học trò hát vang những bài hát về Tổ quốc.
Thầy giáo và học trò hát vang những bài hát về Tổ quốc.

Đảo là nhà, biển cả là quê hương

Có lẽ những cái tên Lê Xuân Quyết và Lê Quang Mạnh - giáo viên Trường tiểu học Song Tử Tây quá quen thuộc với các nhà báo mỗi lần ra đảo. Đây là hai chàng trai trẻ tình nguyện ra làm nhiệm vụ dạy học tại đảo Song Tử Tây hơn 3 năm nay. Vừa qua, Lê Xuân Quyết được nghỉ phép về đất liền 4 tháng để nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy ở đảo.

Thầy Quyết cho biết, trở về đất liền để nhận phần thưởng cao quý của ngành, cũng là dịp về thăm gia đình, người thân nhưng hơn 3 năm sống và làm việc tại đảo, anh xem đảo là nhà, biển cả là quê hương. Vì vậy, khi xa đảo, anh nhớ đảo và học trò da diết. “Tôi mong trở lại đảo nhưng không có tàu. Chờ mãi đến cuối năm theo đoàn công tác mới ra được. Học trò cứ điện thoại mong thầy Quyết ra đảo”, thầy Quyết chia sẻ.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cách đây 3,5 năm, thầy Quyết cùng thầy Lê Quang Mạnh ra đảo Song Tử Tây để làm nhiệm vụ. Những ngày đầu bỡ ngỡ trên đảo là quãng thời gian không hề dễ dàng. Nỗi nhớ gia đình, nhớ đất liền cứ cồn cào.

Nhưng tình yêu biển đảo, tình yêu trẻ thơ vơi lấp nỗi nhớ nhà. Những đứa trẻ của đảo Song Tử Tây nay đã biết mặt chữ. Suốt mấy năm qua, thầy Quyết và thầy Mạnh không những giúp các em học tốt mà còn thắp lên ngọn lửa tình yêu Tổ quốc, biển đảo trong học trò. Ngày trở lại đảo, thầy Quyết đứng lớp bắt từng bài hát, các em nhỏ với đôi mắt tròn xoe cùng nhau hát vang...

Hỏi về chuyện gia đình, thầy Quyết chia sẻ, vợ cũng là giáo viên giảng dạy ở Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). “Theo kế hoạch, còn 1,5 năm mình mới xong nhiệm vụ, khi đó mới tính chuyện con cái. Còn bây giờ chỉ tập trung vào công việc “trồng người” trên đảo”, thầy Quyết bày tỏ.

Hết mình vì bệnh nhân

Bên cạnh những người thầy hết lòng vì học trò, còn phải kể đến những y, bác sĩ tại bệnh xá đảo Song Tử Tây. Ngoài y sĩ, dược sĩ, trạm xá còn có 2 bác sĩ phụ trách nội khoa và ngoại khoa.

Bác sĩ Đặng Xuân Dũng cho biết, công việc hằng ngày của anh là thăm khám cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Ngoài ra, ngư dân nào ốm đau đều ghé thăm khám và bốc thuốc. Năm 2016, các y, bác sĩ của trạm đã thăm khám hơn 1.200 lượt người; trong đó khám gần 500 lượt ngư dân; cấp cứu 17 trường hợp, phẫu thuật 12 trường hợp.

Thành tích nổi bật nhất của trạm xá đảo Song Tử Tây trong năm 2016 là cứu kịp thời ngư dân Phan Hoàng Dương (SN 1981, trú tỉnh Tiền Giang, thuyền viên tàu BĐ 96886). Đặng Xuân Dũng kể, lúc 21 giờ 15 ngày 5-11-2016, bệnh xá tiếp nhận ngư dân Dương trong tình trạng bị xuất huyết tiêu hóa nặng, mất nhiều máu. Thăm khám khẩn cấp, bác sĩ quyết định tiếp máu cho bệnh nhân.

“Việc cấp cứu, tiếp máu ở đảo khác với đất liền, bởi trên đất liền là kiểm tra máu trước khi cho, còn ở đảo chỉ có dụng cụ thử nhanh. Đối với những bệnh nhân này, nếu đưa máu không hợp sẽ rất nguy kịch. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, sau khi thử máu, bác sĩ quyết định truyền máu. Nhờ sự kịp thời đó, ngư dân Dương đã qua cơn nguy kịch”, bác sĩ Đặng Xuân Dũng nhớ lại. Ngay sau đó, bệnh nhân Dương được trực thăng đưa vào Bệnh viện 175 điều trị.

Việc các y, bác sĩ ra đảo công tác theo nhiệm kỳ là do Viện Quân y 108 phân công. Nhưng thực tế, hầu hết mọi người đều xung phong, mong muốn ra đảo công tác, xem đây là niềm vinh dự lớn lao. Trước khi ra đảo, các y, bác sĩ đều được đào tạo, bổ sung kiến thức về bệnh mà mình ít làm, ít tiếp xúc...

Ở đảo, để bảo đảm việc điều trị, chăm sóc tốt sức khỏe cho quân và dân cần hội tụ cả hai yếu tố con người và thuốc men. Tuy nhiên, trang thiết bị vẫn thiếu và nhanh xuống cấp; thuốc thì theo cơ số nhưng vẫn có cái thừa, cái thiếu so với thực tế bệnh tật thường gặp... “Dẫu khó khăn trăm bề nhưng với khẩu hiệu “lương y như từ mẫu”, chúng tôi đã vượt qua khó khăn để khám, cấp cứu kịp thời cho các bệnh nhân”, bác sĩ Đặng Xuân Dũng tâm sự...

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.