.

Hỗ trợ thanh niên nghèo khởi nghiệp: Nhiều khó khăn, lúng túng

.

So với phong trào ươm tạo doanh nghiệp, khơi gợi ý tưởng kinh doanh đang diễn ra mạnh mẽ trong các trường đại học, cao đẳng thì việc hỗ trợ thanh niên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn lập nghiệp ở Đà Nẵng đến nay vẫn chưa tạo sự bứt phá do các ý tưởng kinh doanh còn non nớt, mang tính nhỏ lẻ.

Nhiều thanh niên nghèo ấp ủ dự định kinh doanh riêng sau khi tham gia các lớp tập huấn nhưng bỏ cuộc giữa chừng vì không có vốn.
Nhiều thanh niên nghèo ấp ủ dự định kinh doanh riêng sau khi tham gia các lớp tập huấn nhưng bỏ cuộc giữa chừng vì không có vốn.

Non về ý tưởng

Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tốt nghiệp THPT, Phạm Văn Thận (ở đường Hàn Thuyên, quận Hải Châu) quyết định đi học nghề bảo trì và sửa chữa điện nước.

Vốn có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên khi tham gia dự án “Kỹ năng thành công cho thanh niên” do Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế phối hợp với Hội LHTN thành phố tổ chức tại Đà Nẵng, Thận đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng mô hình kinh doanh “Dịch vụ bảo trì, sửa chữa điện nước cho các hộ gia đình”.

Theo tính toán của Thận, số vốn dự định cho mô hình này gần 20 triệu đồng, trong đó mua máy hàn 2 triệu đồng, máy cắt 700.000 đồng, kìm đo dòng điện 500.000 đồng cùng một số trang thiết bị khác như: kìm bấm dây, kìm bầu, mỏ quạ, tuốc-nơ-vít…

Cùng với nhiệt huyết tuổi trẻ, Thận đề ra mục tiêu sau 6 tháng đến 1 năm sẽ thu hồi vốn và 2 năm sẽ ổn định cơ sở kinh doanh, tiến hành thành lập công ty để có thể tiếp cận những công trình xây dựng lớn hơn. Tuy nhiên, cũng như nhiều thanh niên có hoàn cảnh khó khăn khác, số vốn ban đầu trở thành rào cản với Thận.

“Khi đề xuất mô hình này, mình mong dự án sẽ hỗ trợ mình vốn ban đầu để mua trang thiết bị và khởi nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hỗ trợ cũng như chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước”, Thận chia sẻ.

Dự án “Kỹ năng thành công cho thanh niên” (Skills to Succeed) vừa tổng kết 3 năm hoạt động. Trải qua 35 lớp sinh hoạt chuyên đề kỹ năng mềm cho 1.651 học viên, hoàn thành các hoạt động đào tạo, kết nối việc làm giữa thanh niên với nhà tuyển dụng, đến nay, dự án này đã hỗ trợ kinh doanh 50 trường hợp, trung bình từ 2-3 triệu đồng/trường hợp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khá nhiều bạn trẻ đã bỏ cuộc giữa chừng do vốn hạn chế và chưa có chiến lược kinh doanh cụ thể.

Chị Dương Thị Tuyết Lệ, cán bộ Hội LHTN thành phố cho biết, dự án “Kỹ năng thành công cho thanh niên” hướng đến đối tượng thanh niên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn hoặc đang học trường nghề, với mục tiêu đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng kinh doanh, kết nối việc làm cho thanh niên độ tuổi 16-25 có việc làm ổn định.

Trong quá trình triển khai dự án, Hội LHTN thành phố đã tổ chức cuộc thi “Ý tưởng kinh doanh” cho học viên tham gia lớp tập huấn kỹ năng kinh doanh và hỗ trợ kinh doanh. Thế nhưng, các ý tưởng được học viên đưa ra thiếu chặt chẽ, mang tính nhỏ lẻ như bán bánh mì, trà sữa, cà-phê vỉa hè…, chưa đủ sức thuyết phục Ban giám khảo để có những hỗ trợ cụ thể.

Khó tiếp cận vốn vay

Trước những khó khăn về nguồn vốn, nhiều thanh niên nông thôn có tư tưởng “khả năng tới đâu làm tới đó” nên chần chừ, không dám nghĩ đến việc đầu tư các mô hình kinh doanh mới. Một thanh niên ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang (xin giấu tên) cho biết, anh từng ấp ủ dự định xây dựng mô hình du lịch sinh thái kết hợp phát triển làng nghề trên quê hương Hòa Tiến, có kế hoạch cụ thể nhưng do không có vốn đầu tư nên đành bỏ ngỏ.

Trước đó, anh cũng từng tìm đến tổ chức Đoàn đề nghị hỗ trợ, hướng dẫn cách tiếp cận nguồn vốn vay. Song, với quy mô đầu tư hàng trăm triệu đồng mà chỉ có thể vay được vài chục triệu đồng nên phương án này của anh hoàn toàn phá sản.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, trường hợp trên ở Hòa Vang không phải hiếm nên không ít thanh niên vẫn tiếp tục bám vào mô hình vườn - ao - chuồng để phát triển kinh tế, trên cơ sở dựa vào nguồn lực vốn có của gia đình, từ đó mới tính đến chuyện mở rộng quy mô (nếu có).

Để hỗ trợ thanh niên, Huyện Đoàn Hòa Vang từng đứng ra tín chấp để vay ngân hàng gần 500 triệu đồng, hỗ trợ hơn 10 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ. Tuy nhiên, những mô hình này đến nay chỉ dừng lại ở quy mô sản xuất nhỏ, lấy công làm lãi, lấy ngắn nuôi dài.

Về công tác hỗ trợ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện phát triển kinh tế, Bí thư Huyện Đoàn Hòa Vang Nguyễn Bá Duân cho biết, đơn vị đang tham mưu, đề xuất lãnh đạo huyện có chính sách hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp.

Tuy nhiên, công tác này cũng đang gặp nhiều khó khăn bởi các mô hình phát triển kinh tế hiện nay của thanh niên còn mang tính nhỏ lẻ, chưa có sự đột phá trong ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp. Bên cạnh đó, đa số thanh niên nông thôn chưa có bằng cấp, đang trong tình trạng thất nghiệp, khó tiếp cận kênh vay vốn như kênh 120 (kênh giải quyết việc làm) khi ngân hàng yêu cầu họ phải bảo đảm thủ tục, chưa kể số tiền vay chỉ giới hạn từ 20-30 triệu đồng.

Muốn vay nhiều hơn, họ cần lập đề án, mô hình sản xuất bài bản nhưng do trình độ hạn chế nên không mấy người làm được. Trong khi đó, bản thân thanh niên chưa có kênh vay vốn nào dành riêng cho mình. Đây cũng là cái khó của tổ chức Đoàn trong quá trình hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế.

Theo Hướng dẫn số 75-HD/TWĐTN-TNNT ngày 24-2-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn hướng dẫn thực hiện cho vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm nguồn vốn kênh Trung ương Đoàn, các cơ sở sản xuất kinh doanh do đoàn viên, hội viên, thanh niên làm chủ được vay vốn từ nguồn vốn kênh Trung ương Đoàn.

Mức vay vốn tối đa không quá 1 tỷ đồng (thay cho 500 triệu đồng trước đây) đối với cơ sở sản xuất kinh doanh và không quá 50 triệu đồng (thay cho 20 triệu đồng) đối với một lao động được tạo việc làm mới.

Bài và ảnh: TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.