.

Những ngọn lửa nơi đầu sóng

.

Mặc dù làm nhiệm vụ nơi hải đảo xa xôi, đối mặt với cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng những người lính trẻ chưa bao giờ nguôi nhiệt huyết phụng sự Tổ quốc, tiếp tục nhen lên ngọn lửa yêu nước nồng nàn nơi đầu sóng, ngọn gió.

Cán bộ, chiến sĩ Trạm Radar 550 (huyện Lý Sơn) tuần tra quanh  khu vực đảo.
Cán bộ, chiến sĩ Trạm Radar 550 (huyện Lý Sơn) tuần tra quanh khu vực đảo.

4 giờ sáng một ngày cuối tháng 1-2017, chiếc tàu mang ký hiệu KN 363 rẽ sóng, đưa Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân vượt gần 300 hải lý từ Đà Nẵng đến đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) và đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Trong chuyến hành trình ba ngày, thời gian chúng tôi chạm chân trên mỗi đảo trung bình khoảng ba giờ đồng hồ ngắn ngủi.

Ba giờ đồng hồ không kịp để chủ và khách gieo nỗi vương vấn, nhưng đọng lại sâu sắc trong lòng chúng tôi sau chuyến đi vẫn là hình ảnh những chiến sĩ hải quân tuổi đôi mươi như ngọn lửa nơi đầu gió, hừng hực năng lượng.

Khi chúng tôi đến bắt chuyện, chàng lính đảo trẻ tuổi nhất Trạm Radar 540 (huyện đảo Cồn Cỏ) Nguyễn Viết Triều cứ bẽn lẽn gãi đầu, mặt đỏ bừng. Trò chuyện hồi lâu, chàng hạ sĩ quê Quảng Bình mới rụt rè tâm sự: “Em mới công tác tại huyện đảo Cồn Cỏ hơn một tháng. Lúc ban đầu, em bỡ ngỡ lắm, một phần nhớ gia đình, một phần chưa quen cuộc sống mới. Bây giờ, em đã có thêm gia đình mới, đều nhờ các chú, các anh tận tình quan tâm, giúp đỡ em”.

Vậy mà, khác với vẻ nhút nhát khi nói chuyện, lúc chúng tôi đặt câu hỏi về lý do lựa chọn trở thành người lính, chàng chiến sĩ tuổi 20 bỗng dưng đứng nghiêm trang, ánh mắt sáng rực, dõng dạc hô lớn: “Em yêu màu áo lính”. Màu xanh áo lính nhuộm hồng trang ký ức tuổi thơ của Triều trong hình ảnh bình dị, thân thương của ông ngoại, của cha. Màu xanh áo lính từ thân thuộc trở thành niềm đam mê, nuôi dưỡng ước mơ tiếp bước truyền thống gia đình của Triều.

Giống như Triều, khao khát cống hiến tuổi xuân cho đất nước của Trung sĩ Lê Văn Dương (21 tuổi, quê Nghệ An, đang công tác tại Trạm Radar 550, huyện đảo Lý Sơn) cũng bắt nguồn từ niềm yêu thích với màu áo lính. “Một lần, chú của em về thăm nhà, vẫn còn khoác trên người bộ quân phục hải quân. Hồi đó, em còn nhỏ, nhìn thấy bộ quân phục lạ mắt thì rất thích, cứ đi theo chú nằn nì, đòi được mặc. Thương cháu, chú cho em khoác vào thử rồi nhẹ nhàng giải thích ý nghĩa của bộ quân phục. Không những vậy, chú còn kể cho em nghe những câu chuyện về biển, về đảo”, Dương tâm sự.

Màu trắng của mây trời, màu xanh của nước biển, tiếng sóng xô bãi cát, nhịp gió ngoài khơi xa theo lời kể của người chú cứ len lỏi trong từng giấc mơ rồi khắc sâu trong tâm khảm Dương. Cứ thế, tình yêu biển, đảo quê hương lớn dần. Và chàng trai xứ Nghệ đã quyết tâm đi theo tiếng gọi của trái tim.

Mỗi người lính là một câu chuyện nhưng tựu trung đều giống nhau ở sự đơn sơ mà ấm áp. Niềm đam mê hồn nhiên thuở ban đầu dần dần trở thành tình yêu nước đầy trách nhiệm trong mỗi bạn trẻ. Ngọn lửa ấy rực cháy trong ánh mắt quyết tâm của của Trung sĩ Phan Việt Nam (21 tuổi, quê Quảng Bình): “Em sẽ cố gắng để xứng đáng với niềm tin, tình yêu mà ba đã gởi gắm trong cái tên ba đặt cho em”. Và như niềm xúc cảm chân thành của Nguyễn Viết Triều: “Mỗi khi nhớ nhà, em lại càng chuyên tâm hơn trong công việc để không phụ sự kỳ vọng của gia đình, sự yêu thương và sẻ chia của đồng đội”.

Chia tay biển đảo, hành trang chúng tôi mang về đất liền không chỉ là sự quyến luyến giã biệt mà hơn hết còn là niềm tin tưởng, sự cảm phục về khát khao cháy bỏng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc sục sôi trong nhiệt huyết của những ngọn lửa trẻ nơi đầu sóng.

Bài và ảnh: TRÂM ANH

;
.
.
.
.
.