.

Giúp người tâm thần hòa nhập cộng đồng

.

“Người bệnh tâm thần thường có hoàn cảnh rất khó khăn. Họ hầu hết phải sống phụ thuộc hoặc không có thu nhập nhiều. Bởi vậy, người tâm thần và gia đình rất cần sự hỗ trợ sinh kế, nhà ở để ổn định cuộc sống”, bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng nói.

Anh Nguyễn Văn Thạnh (thứ hai, từ trái sang) nhận quà trong căn nhà mới được sửa chữa.
Anh Nguyễn Văn Thạnh (thứ hai, từ trái sang) nhận quà trong căn nhà mới được sửa chữa.

Mỗi ngày, anh Ngô Văn Sáu (48 tuổi, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) chỉ luẩn quẩn trong nhà, thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười một mình. Chị Ngô Thị Tuyết - vợ anh một mình bươn chải ngoài chợ với mẹt dưa cà do chị tự muối để kiếm tiền nuôi sống cả gia đình gồm hai vợ chồng và hai đứa con.

Cuộc sống khá khó khăn, phải chạy ăn từng bữa, ngôi nhà cấp 4 anh chị đang ở cũng đã xuống cấp nhưng chưa đủ tiền sửa chữa. Biết hoàn cảnh của anh, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) hỗ trợ cho gia đình xe bán nước mía cùng các vật dụng kèm theo với tổng trị giá  7 triệu đồng. Từ ngày có xe nước mía, anh Sáu cùng phụ vợ dọn hàng và bưng nước mía cho khách. Nhờ thu nhập từ bán nước mía, cuộc sống gia đình anh chị đỡ khó khăn hơn phần nào.

Còn với anh Nguyễn Văn Thạnh (50 tuổi, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), cuộc sống có lúc tưởng chừng như bế tắc. Anh Thạnh vốn hiền lành nhưng thỉnh thoảng lại lên cơn la hét, đập phá đồ đạc. Bởi vậy, anh sống cùng anh trai chứ không lập gia đình. Khi người anh trai qua đời, anh Thạnh mất chỗ dựa, sống lủi thủi một mình.

Căn nhà của anh xuống cấp nặng, nhiều hạng mục như: nhà vệ sinh, nhà bếp, mái tôn, cửa ra vào mục nát. “Chúng tôi xuống khảo sát nhà mà thấy thương anh quá. Sống một mình đã khổ, mỗi khi trời mưa lại càng khổ hơn, một mình anh loay hoay trong căn nhà ướt nhẹp”, anh Tán Văn Thanh, cán bộ Trung tâm chia sẻ. Sau đó, anh Thạnh được Trung tâm hỗ trợ 20 triệu đồng để gia cố các hạng mục nhà ở. Có nơi ở vững chãi, anh Thạnh vui lắm. Anh nuôi thêm đàn vịt để kiếm thu thập trang trải cuộc sống.

Thực hiện Đề án “Mô hình cơ sở phòng trị liệu rối nhiễu tâm trí, hỗ trợ người bệnh tâm thần hòa nhập cộng đồng” được UBND thành phố phê duyệt, trong hai năm qua, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng trợ giúp xã hội cho 38 người (trên tổng số 174 người bị bệnh tâm thần được khảo sát) về sinh kế và cải thiện các điều kiện nhà ở.

Không chỉ hỗ trợ sinh kế, nhà ở, đơn vị còn phối hợp với Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng tổ chức 2 lớp đào tạo kỹ năng chăm sóc cây cảnh cho người bệnh tâm thần nhằm can thiệp phục hồi cho bệnh nhân, đồng thời tạo cơ hội để họ hòa nhập cộng đồng.

Trung tâm cũng đã tổ chức 24 lớp tập huấn hỗ trợ kỹ năng chăm sóc người bệnh cho các gia đình và người chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Bà Hoa cho biết, nhiều gia đình từng bi quan và suy nghĩ tiêu cực nhưng thông qua các buổi tập huấn, họ đã có cách suy nghĩ, nhìn nhận, đánh giá về người tâm thần một cách tích cực hơn, đồng thời có kiến thức, kỹ năng chăm sóc cho người tâm thần tốt hơn tại nhà.

Theo bà Hoa, việc phòng ngừa bệnh tâm thần cũng quan trọng không kém. Năm qua, Trung tâm cùng cán bộ ngành y tế thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người lớn dựa vào cộng đồng, nhằm cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho người bệnh và gia đình có người mắc bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí, người trầm cảm.

“Chúng tôi tổ chức hoạt động khảo sát người bệnh trầm cảm tại phường Chính Gián, Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), xã Hòa Nhơn, Hòa Tiến (huyện Hòa Vang). Đến nay, qua hơn 2.000 người được khảo sát, đã phát hiện và can thiệp trị liệu cho 50 người có dấu hiệu trầm cảm”, bà Hoa nói.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.