.

Góp sức thực hiện "Thành phố 4 an"

.

Ông Lê Minh Hùng (ảnh), Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng cho biết, năm 2017, Đà Nẵng thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”, trong đó công tác phòng chống tệ nạn xã hội đóng vai trò rất quan trọng nhằm bảo đảm tiêu chí “an ninh trật tự” của thành phố.

Nhiều người nghiện hoàn lương sau khi được cắt cơn và học nghề tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng. TRONG ẢNH: Một buổi học của học viên tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng.
Nhiều người nghiện hoàn lương sau khi được cắt cơn và học nghề tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng. TRONG ẢNH: Một buổi học của học viên tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng.

* Những hoạt động chi cục sẽ triển khai trong năm 2017 nhằm góp phần xây dựng “Thành phố 4 an” thưa ông?

- Năm 2017, Đà Nẵng thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”, bao gồm an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội. Trước hết, phải nói rằng tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy, mại dâm ít nhiều đều trực tiếp ảnh hưởng đến cả 4 mục tiêu này.

Vì vậy, là cơ quan tham mưu giúp việc cho lãnh đạo thành phố, chúng tôi đã tham mưu hoàn thiện và đồng bộ hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện. Bên cạnh đó, năm nay chúng tôi sẽ duy trì và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú ý hướng tới đối tượng đích, đối tượng có nguy cơ sa vào tệ nạn ma túy, mại dâm; đồng thời kiện toàn tổ chức, bộ máy, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội từ thành phố đến phường, xã để tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị trong việc cảm hóa, giáo dục giúp đỡ người sử dụng trái phép chất ma túy bị phát hiện lần đầu.

Việc đẩy mạnh vận động người nghiện tham gia cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện đối với các trường hợp xác định nghiện ma túy cũng sẽ được thực hiện nhằm tổ chức tốt công tác quản lý sau cai nghiện thông qua việc duy trì và nhân rộng các mô hình có hiệu quả.

Những người có dấu hiệu bị loạn thần đang có hành vi nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội sẽ được đưa vào cơ sở chữa bệnh. Chúng tôi sẽ phối hợp lập hồ sơ và tiếp nhận người bán dâm có nguy cơ bị lạm dụng, bị xâm hại vào cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc, bảo vệ khẩn cấp.

* Công tác phòng, chống mại dâm đang gặp nhiều khó khăn do hoạt động mại dâm có nhiều biến tướng, ngày càng tinh vi và phức tạp. Vậy chi cục tham mưu như thế nào cho UBND thành phố nhằm tháo gỡ những khó khăn này, thưa ông?

- Kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 24 về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính “không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Người có hành vi bán dâm bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật”,  tình hình hoạt động mại dâm gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Mặc dù các địa phương và cơ quan chức năng đã nỗ lực đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc bởi phần lớn người bán dâm không có hộ khẩu tại thành phố, không nơi cư trú ổn định, nhiều trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính nhưng không có tiền nên việc xử phạt không thực hiện được.

Bên cạnh đó, một số đối tượng xấu lợi dụng quy định “không đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm” nên đã đứng ra bảo kê, dụ dỗ, chăn dắt, gạ gẫm, ép buộc người khác bán dâm, nhiều người trong số này còn bị hành hạ, đánh đập, xúc phạm nhân phẩm và có nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng tình dục...

Trước tình hình đó, chúng tôi đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 1010 về việc tiếp nhận người bán dâm có nguy cơ bị xâm hại, bị lạm dụng tình dục vào cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc, bảo vệ khẩn cấp trên địa bàn Đà Nẵng và hiện nay thành phố đang triển khai thực hiện.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã triển khai mô hình “Phòng ngừa phụ nữ có nguy cơ hoạt động mại dâm, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS” tại 6 phường trên địa bàn thành phố... Qua việc triển khai các giải pháp nêu trên, tình hình tệ nạn mại dâm được kiềm chế, số vụ vi phạm mại dâm giảm, gái mại dâm đứng đường không còn công khai như trước đây.

* Với các đối tượng sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng không có nhà ở, không có địa chỉ cư trú cụ thể, nguy cơ tái nghiện cao, chi cục có những giải pháp gì quản lý đối tượng trên?

- Học viên sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng về hòa nhập cộng đồng tại nơi cư trú đều được các địa phương phân công cán bộ phòng, chống tệ nạn xã hội đến đón và lập hồ sơ đưa vào diện quản lý sau cai nghiện.

Tuy nhiên, thời gian qua, có một số đối tượng nghiện ma túy được đưa vào Cơ sở xã hội Bầu Bàng để cai nghiện, nhưng không có nơi cư trú ổn định và không xác định được thân nhân chủ yếu của gia đình nên việc đưa về hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong thời gian cai nghiện gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nguy cơ tái nghiện rất lớn.

Trước tình hình đó, chúng tôi đã làm việc với chính quyền địa phương, nơi đối tượng có nguyện vọng về cư trú trước 45 ngày để thống nhất kế hoạch tiếp nhận đối tượng về quản lý sau cai nghiện và đề nghị các địa phương tăng cường các biện pháp quản lý giáo dục sau cai; tiến hành trợ cấp khó khăn đột xuất, hỗ trợ nơi ở, tạo việc làm ổn định cuộc sống cho đối tượng.

Đồng thời, đề nghị Công an thành phố quan tâm hướng dẫn và tạo điều kiện nhập khẩu cho các trường hợp không có nơi cư trú ổn định, có nguyện vọng về sinh sống tại các xã, phường trên địa bàn thành phố. Và về lâu dài, sẽ đề xuất thành phố hình thành một số doanh nghiệp vừa và nhỏ để tiếp nhận, giải quyết việc làm cho đối tượng này.

* Xin cám ơn ông.

KIM NGÂN thực hiện

;
.
.
.
.
.