.

Khai thác, bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên nước ngầm

.

Thời gian qua, với sự xuất hiện của các khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp và sắp tới là cụm công nghiệp…, Đà Nẵng phải chịu áp lực lớn về tài nguyên nước. Tình trạng ô nhiễm nước sông, nhiễm mặn và thiếu nước trong mùa cạn đang khiến nguồn nước mặt tại Đà Nẵng bị hao hụt khối lượng và suy giảm chất lượng. Do đó, việc khai thác và sử dụng nước dưới đất là nhu cầu tất yếu và đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở các vùng chưa được cấp nước thủy cục, xa các nguồn nước mặt.

Các đại biểu đưa ra đề xuất bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn nước ngầm của thành phố.
Các đại biểu đưa ra đề xuất bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn nước ngầm của thành phố.

Đó là vấn đề đặt ra tại hội thảo “Đề xuất giải pháp khai thác, bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức chiều 22-3.

Nguy cơ đến từ việc khai thác quá mức

Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 52 công trình được UBND thành phố cấp phép thăm dò, khai thác và sử dụng nước ngầm với mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt, phòng cháy chữa cháy và tưới cây. Tổng lưu lượng tối đa được cấp phép là 14.091m3/ngày đêm (tương đương 6,1% trữ lượng tiềm năng nước dưới đất).

Bà Đặng Nguyễn Thục Anh, Phòng Tài nguyên nước - Sở TN&MT cho biết, rất khó phát hiện các tổ chức, cá nhân khai thác nước với quy mô trên 10m3/ngày đêm, bởi họ không bị buộc đăng ký khai thác nước ngầm. Thậm chí, khi phát hiện, cơ quan chức năng cũng khó xử lý vì không xác định được chính xác lưu lượng nước khai thác.

Bà Anh nhận định: Việc một số công trình xây dựng tự ý khai thác nước quá mức cho phép cũng khiến tầng chứa nước cạn kiệt, tăng nguy cơ nhiễm mặn, nhiễm bẩn nước ngầm.

Đề cập việc các công trình xây dựng gây ảnh hưởng đến tài nguyên nước ngầm, TS. Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng khoa Môi trường và Công nghệ - Trường Đại học Duy Tân chỉ ra hoạt động khai thác nước quá mức của các khách sạn từ cuối năm 2015 đến nay có liên quan đến tình trạng xâm thực ở bờ biển Đà Nẵng.

TS. Nguyễn Thị Minh Phương chia sẻ, một trong những hậu quả của việc khai thác quá mức nước ngầm ở vùng ven biển là tình trạng nhiễm mặn nước. Khảo sát của TS. Tô Thúy Nga (Trường ĐH Bách khoa, Đại học Đà Nẵng) cho thấy, nước ngầm đã bị nhiễm mặn “cổ” ở một số nơi phía nam sông Cu Đê, phía nam sông Hàn và sông Cầu Đỏ với diện tích khá rộng. Trong khi đó, các bãi giếng gần biển tại các quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà đang đứng trước nguy cơ nhiễm mặn sau khoảng 10 năm khai thác.

TS. Tô Thúy Nga chỉ ra một vài lý do khác dẫn đến tình trạng này, bao gồm thủy triều xâm nhập mặn dẫn đến đất bị nhiễm phèn nặng, ô nhiễm nước mặt (sông, hồ, đầm chứa nước thải). “Phải mất hàng chục năm mới phát hiện khả năng ô nhiễm nước ngầm do ô nhiễm nước mặt, nhưng một khi tầng nước dưới đất đã bị ô nhiễm, việc phục hồi cần thời gian dài”, TS. Nga nói.

Xây dựng giải pháp thoát nước bền vững

Tại hội thảo, đại diện Sở Xây dựng đề nghị khi cho phép khai thác nước ngầm, cơ quan chức năng cần xác định được trữ lượng nước khai thác tối đa. Trong trường hợp phải sử dụng nước dưới đất, cần cấp phép khai thác theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Để giảm tình trạng khai thác nước ngầm quá mức, ông Bùi Thọ Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đề xuất, đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép sử dụng nước ngầm tại các địa điểm đã bảo đảm nguồn cấp nước máy, cần có lộ trình chuyển sang sử dụng nước máy và tiến đến loại bỏ hoàn toàn khai thác nước ngầm.

Đề cập giải pháp dài hạn để bảo đảm nguồn nước ngầm, đại diện Sở Xây dựng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng giải pháp thoát nước bền vững. Theo đó, cần tổ chức thoát nước dựa trên từng điều kiện cụ thể của địa phương (đô thị, miền núi, đồng bằng, ven biển…), đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước theo quy hoạch, hạn chế tối đa phát triển đô thị tại vùng trũng thấp; thay thế, sửa chữa các cống đã xuống cấp…

TS. Tô Thúy Nga đề nghị, để phòng tránh tình trạng nhiễm mặn nước ngầm, cần khảo sát kỹ khi xây dựng các công trình đập dâng trên sông Vĩnh Điện và sông Cầu Đỏ. Đồng thời, cần có những nghiên cứu quy mô hơn khi giải quyết bài toán nước ngầm; trong đó, phải có sự tương tác độ mặn biển và độ mặn gia tăng dọc hai bờ sông trong tương lai.

Tiết kiệm nước và tái sử dụng nước thải

Sáng 22-3, tại bãi tắm Sao Biển (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Ngũ Hành Sơn phối hợp tổ chức mít-tinh cấp thành phố hưởng ứng Ngày Nước thế giới với sự tham gia của gần 1.000 người. Chủ đề Ngày Nước thế giới năm nay là “Nước thải” nhằm kêu gọi cộng đồng tiết kiệm nước và tái sử dụng nước thải.

Phát biểu tại lễ mít-tinh, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong những năm qua, nhu cầu dùng nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn thành phố không ngừng gia tăng, dẫn đến việc khai thác các nguồn nước mặt, nước ngầm dưới đất để sử dụng ngày càng nhiều.

Trừ sông Phú Lộc, các sông trên địa bàn thành phố vừa là nguồn cung cấp nước, vừa tiếp nhận nước thải từ các hoạt động canh tác nông nghiệp, chăn nuôi, sản xuất công nghiệp, khai khoáng và nước thải đô thị với tỷ lệ lớn chưa được xử lý bảo đảm quy chuẩn cho phép.

Đây là nguyên nhân chính làm nước các sông bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người. Mỗi người cần chung tay, góp sức để bảo đảm sử dụng nước bền vững cho hiện tại và tương lai; sử dụng hiệu quả hơn nguồn nước và xem nước thải là nguồn tài nguyên cần tái sử dụng an toàn cho môi trường.

Ông Nguyễn Quang Vinh đề nghị UBND các quận, huyện, phường, xã cần nhận thức sâu sắc hơn yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững nguồn nước. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên toàn thành phố cần có sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực nhằm sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, bền vững hơn.

Sau lễ mít-tinh, các doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch và người dân cùng ký cam kết tiết kiệm nguồn nước và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.

NGỌC PHÚ

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.